4 loại trái cây mùa hè ăn cả hạt rất tốt cho sức khỏe nhưng nhiều người lại bỏ đi, rất lãng phí

Châu Anh
15/05/2025 - 19:42
4 loại trái cây mùa hè ăn cả hạt rất tốt cho sức khỏe nhưng nhiều người lại bỏ đi, rất lãng phí
Mùa hè đến với "bao la" các loại trái cây hương vị ngon ngọt hấp dẫn lại đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Theo Sohu, có 4 loại trái cây mùa hè phổ biến có hạt ăn được nhưng nhiều người lại bỏ đi mà không biết hạt của những loại quả này đem lại nhiều lợi ích "bất ngờ" cho sức khỏe. Cụ thể:

1. Dưa hấu

Hạt dưa hấu có ăn được không? Câu trả lời là có. Hạt dưa hấu không những có thể ăn được mà còn tốt cho sức khỏe. Theo Healthline, các tác dụng của hạt dưa hấu có thể kể đến như:

- Ít calo: Theo USDA, 28 gram hạt dưa hấu cung cấp khoảng 158 calo. Lượng calo này thấp hơn nhiều so với các loại đồ ăn vặt như khoai tây chiên. Do đó hạt dưa hấu cũng có thể là lựa chọn cho bữa phụ lành mạnh với người đang theo chế độ ăn kiểm soát calo tiêu thụ.

- Giàu magie: Magie là khoáng chất có hàm lượng dồi dào trong hạt dưa hấu. Khoảng 4 gam hạt dưa hấu đã cung cấp tới 21mg magie, chiếm khoảng 5% nhu cầu magie khuyến nghị hàng ngày. Chế độ ăn giàu magie đã được chứng minh là cần thiết cho quá trình trao đổi chất của cơ thể, duy trì chức năng thần kinh cỡ cũng như sức khỏe miễn dịch, tim và xương hiệu quả.

4 loại trái cây mùa hè ăn cả hạt rất tốt cho sức khỏe nhưng nhiều người lại bỏ đi, rất lãng phí- Ảnh 1.

Hạt dưa hấu có ăn được không? Câu trả lời là có (Ảnh: ST)

- Sắt: Không chỉ chứa magie, hạt dưa hấu cũng là một nguồn cung cấp sắt lành mạnh. Một nắm hạt dưa hấu cung cấp khoảng chừng 0,29mg sắt, chiếm 1,6% giá trị khuyến nghị mỗi ngày. Theo NIH Hoa Kỳ, sắt là thành phần quan trọng để sản xuất hemoglobin giúp vận chuyển oxy tới khắp nơi trong cơ thể đồng thời hỗ trợ cơ thể chuyển đổi calo thành năng lượng. Tuy nhiên, hạt dưa hấu lại chứa phytate nên có thể giảm khả năng hấp thụ sắt và giảm giá trị dinh dưỡng khi ăn hạt dưa hấu.

- Hạt dưa hấu là nguồn chất béo tốt: Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng hạt dưa hấu là nguồn cung cấp axit béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa dồi dào. Khi 4 gam hạt dưa hấu cung cấp tới 0,3 gram axit béo không bão hòa đơn và 1,1 gam axit béo không bão hòa đa. Những chất béo này được chứng minh có tác dụng bảo vệ và cải thiện sức khỏe tim mạch, chống lại cơn đau tim và đột quỵ đồng thời giúp giảm mức cholesterol xấu trong máu.

- Kẽm: Hạt dưa hấu cũng là một nguồn kẽm tốt. Một nắm hạt dưa hấu khảong 4 gram cung cấp 4% nhu cầu kẽm khuyến nghị hàng ngày. Khoáng chất này đặc biệt cần thiết cho hệ miễn dịch, hệ tiêu hóa, hệ thần kinh, quá trình phân chia tế bào cũng như sự bình thường của vị giác và khứu giác. Tuy nhiên, cũng giống như với sắt thì hạt dưa hấu lại chứa phytate làm giảm sự hấp thụ kẽm của cơ thể.

Tuy nhiên cần tránh ăn quá nhiều hạt dưa hấu. Ăn quá nhiều hạt dưa hấu có thể dẫn tới các rối loạn tiêu hóa như đầy bụng, khó tiêu do hạt nhiều chất xơ khiến đường ruột của chúng ta bị quá tải. Do đó nên ăn ít hơn 30 gram hạt dưa mỗi ngày.

2. Chanh leo

Còn gọi là chanh dây, là loại trái cây có vị chua ngọt đặc trưng để pha nước của mùa hè. Chanh dây là nguồn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng, đặc biệt là chất xơ, vitamin C và tiền vitamin A cùng các hợp chất thực vật có lợi, bao gồm carotenoid và polyphenol và các dưỡng chất khác như phốt pho, niacin và vitamin B-6… Ngoài thịt quả thì hạt chanh leo cũng có thể có tác dụng nhất định đối với sức khỏe.

4 loại trái cây mùa hè ăn cả hạt rất tốt cho sức khỏe nhưng nhiều người lại bỏ đi, rất lãng phí- Ảnh 2.

Hạt chanh dây chứa vitamin A, vitamin C, chất xơ, magie, kali, sắt, riboflavin, carotenoids, axit nicotinic flavonoid (Ảnh: ST)

Hạt chanh dây chứa vitamin A, vitamin C, chất xơ, magie, kali, sắt, riboflavin, carotenoids, axit nicotinic flavonoid. Khi ăn hạt chanh dây có thể đem lại các lợi ích như:

- Cải thiện độ nhạy insulin: Một số nghiên cứu cũng cho thấy, một hợp chất gọi là piceatannol được tìm thấy trong hạt chanh leo có thể cải thiện sự trao đổi chất, bao gồm cả độ nhạy insulin ở người bị thừa cân, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2 khi dùng dưới dạng thực phẩm bổ sung.

- Chất xơ: Ăn chanh leo cả hạt có thể có lợi nhờ hàm lượng chất xơ tăng lên. Chế độ ăn giàu chất xơ giúp cơ thể đào thải cholesterol xấu dư thừa khỏi mạch máu, góp phần giảm nguy cơ xơ vữa động mạch, đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra các biến cố tim mạch như đau tim và đột quỵ.

Chất xơ cũng giúp thúc đẩy nhu động ruột, giảm nguy cơ mắc các chứng rối loạn tiêu hóa như táo bón.

- Giàu magie: Hạt chanh dây cũng chứa magie, giúp ích cho quá trình trao đổi chất được hiệu quả cũng như hỗ trợ cơ thể khi chuyển đổi carbs tiêu thụ thành năng lượng để ngăn ngừa quá trình tích mỡ.

- Vitamin A: Theo WebMD, phần cùi thịt và hạt của chanh leo cung cấp tới 8% nhu cầu vitamin A mỗi ngày. Vitamin A rất cần thiết cho sự khỏe mạnh của mắt và tế bào, khả năng sinh sản cũng như hệ miễn dịch.

Mặc dù ít người ăn chanh leo cả hạt và ăn quá nhiều hạt chanh leo có thể gây khó chịu cho hệ tiêu hóa nhưng nếu có thể, bạn vẫn có thể tiêu thụ hạt chanh leo ở mức vừa phải, khi ăn nên nhai kỹ do hạt chanh leo khá cứng, nếu nhai rối có thể dẫn tới viêm ruột, ảnh hưởng chức năng tiêu hóa,... Nếu phát hiện những triệu chứng bất thường khi ăn hạt chanh leo hay ăn/uống chanh leo thì nên dừng lại và thăm khám bác sĩ nếu cần thiết.

3. Mít

Theo Healthline, 28 gam hạt mít cung cấp 53 calo; 11 gram carbs; 2 gam protein; 0,5 gam chất xơ; 8% RDI riboflavin (RDI - nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị hàng ngày); 7% RDI thiamine; 5% RDI magie; 4% RDI phốt pho cùng một số chất dinh dưỡng khác như niacin, vitamin C, vitamin A, sắt, kali và chất chống oxy hóa như lignans, isoflavone, saponin.

4 loại trái cây mùa hè ăn cả hạt rất tốt cho sức khỏe nhưng nhiều người lại bỏ đi, rất lãng phí- Ảnh 3.

Hạt mít ít calo lại giàu dinh dưỡng nên có thể đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe (Ảnh: ST)

Các lợi ích khi ăn hạt mít có thể nhận được gồm:

- Giàu chất xơ hòa tan: Tốt cho hệ tiêu hóa bằng cách thúc đẩy như động ruột, tăng khối lượng phân và giảm nguy cơ táo bón; hơn nữa chất xơ hòa tan hoạt động như một prebiotic giúp nuôi dưỡng hệ vi sinh vật đường ruột khỏe mạnh.

- Giàu vitamin B1 và vitamin B2: Các vitamin B trong hạt mít có thể góp phần vào quá trình chuyển hóa carbs thành năng lượng hiệu quả, từ đó cải thiện quá trình trao đổi chất và cung cấp năng lượng cho cơ thể.

- Vitamin A: Hạt mít chứa vitamin A có lợi cho sức khỏe thị lực, góp phần giảm nguy cơ suy giảm thị lực, thoái hóa điểm vàng do tuổi tác hay đục thủy tinh thể.

- Đặc tính chống oxy hóa: Hạt mít có một lượng chất chống oxy hóa, có thể kể đến như lignans, isoflavone, saponin cùng vitamin C. Chế độ ăn giàu thực phẩm có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm đã được chứng minh là giúp chống lại quá trình stress oxy hóa gây tổn thương tế bào, từ đó giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như bệnh tiểu đường, bệnh tim,...

- Sắt: Ăn hạt mít giúp bổ sung một lượng sắt cho cơ thể. Sắt là nguyên tố cần thiết để sản xuất hemoglobin, giảm nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt.

- Ít calo, giàu protein: Hạt mít ít calo, giàu protein và chất xơ nên có thể hỗ trợ cho quá trình giảm cân, đặc biệt, trong hạt mít phần lớn là tinh bột kháng, loại tinh bột này lành mạnh hơn nhiều so với carbs thông thường.

Lưu ý rằng bạn không nên ăn quá nhiều hạt mít, chỉ nên ăn từ 5 - 6 hạt mỗi lần. Và đặc biệt, tuyệt đối không ăn hạt mít còn sống vì có thể gây hại cho sức khỏe do chứa nhiều tannin và trypsin.

4. Quả lựu

Được ví như "vị thuốc của sắc đẹp", từ lâu quả lựu đã rất được các chị em ưa chuộng nhờ tác dụng tuyệt vời của mình. Không chỉ cùi mà hạt lựu cũng có thể đem lại nhiều công dụng cho sức khỏe. Nếu bạn đang băn khoăn rằng hạt lựu có ăn được không thì câu trả lời là có. Theo Đông y, hạt lựu có tính mát, chống vi khuẩn, chống oxy hóa. Tùy theo sở thích mà khi ăn lựu, có người thích nhả hạt, có người nuốt cả hạt.

Các tác dụng của hạt lựu có thể kể đến như:

- Giàu chất chống oxy hóa: Hạt lựu giàu chất chống oxy hóa như tannin, flavonoid và anthocyanin có tác dụng bảo vệ cơ thể chống lại tình trạng viêm và tổn thương do các gốc tự do gây ra.

4 loại trái cây mùa hè ăn cả hạt rất tốt cho sức khỏe nhưng nhiều người lại bỏ đi, rất lãng phí- Ảnh 4.

Không chỉ cùi mà hạt lựu cũng có thể đem lại nhiều công dụng cho sức khỏe (Ảnh: ST)

Ngoài ra, axit ellagic anthocyanin trong hạt lựu có thể có đặc tính chống ung thư. Các hợp chất này ức chế sự phát triển của tế bào ung thư và thúc đẩy quá trình apoptosis, một quá trình mà cơ thể loại bỏ các tế bào bị hư hỏng hoặc có hại một cách tự nhiên.

- Chất xơ: Nửa cốc hạt lựu có thể chứa tới 3,48 gam chất xơ. Tiêu thụ hạt lựu giúp thúc đẩy hoạt động bình thường của hệ tiêu hóa, góp phần duy trì sức khỏe đường ruột tốt hơn. Thêm vào đó, chế độ ăn đủ chất xơ còn giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim, tiểu đường và hỗ trợ kiểm soát cân nặng lâu dài.

- Giàu vitamin C: 100 gram hạt lựu cung cấp khoảng 10,2 mg vitamin C. Yếu tố cần thiết để hệ miễn dịch khỏe mạnh, giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh lý.

Ngoài ra, hạt lựu còn là nguồn vitamin K tốt cho quá trình đông máu và cải thiện sức khỏe xương; nguồn kali có tác dụng cải thiện và điều hòa huyết áp, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch,...

Tuy hạt lựu tốt cho sức khỏe nhưng người đang mang thai, người đang dùng thuốc chống đông máu và thuốc hạ huyết áp, người bị tiểu đường nên tránh ăn hạt lựu vì có thể dẫn tới một số tác động tiêu cực tới sức khỏe. Hạt lựu cũng giàu chất xơ nên ăn hạt lựu quá nhiều cũng có thể gây ra các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như đầy bụng, khó tiêu.

Nguồn: Tổng hợp
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm