pnvnonline@phunuvietnam.vn
4 mẹo giúp tự động tiết kiệm để không lặp lại những ngày viêm màng túi
Tất cả chúng ta đều bận rộn: với bạn đời, con cái, bạn bè, công việc, thú cưng, bát đĩa, giặt là…. Và với rất nhiều người trong chúng ta, ở cuối danh sách đó là tiết kiệm tiền.
Với rất nhiều nhu cầu cùng lúc đòi hỏi sự chú ý và ví tiền của chúng ta, thật khó để dành sự ưu tiên cho tương lai.
Giải pháp là gì? Chính là không phải nghĩ về việc tiết kiệm tiền. Nói cách khác, đó chính là tự động hóa khoản tiết kiệm của bạn.
Nhà tư vấn tài chính Peter Campbell cho biết: “Cách tiết kiệm tự động hóa sẽ giúp bạn không phải nhắc nhở bản thân mỗi lần nhận lương để tiết kiệm tiền. Thông thường, nếu chúng ta không cố ý tự động hóa khoản tiết kiệm của mình, chúng ta sẽ mất dấu vết tiền của mình đã đi đâu và cuối cùng không tiết kiệm được nữa.”
Đây là lý do tại sao tự động hóa khoản tiết kiệm của bạn là một ý tưởng hay.
Tại sao bạn nên tự động hóa khoản tiết kiệm của mình?
Tự động hóa khoản tiết kiệm của bạn hay còn được gọi là “tự trả tiền cho chính mình trước”.
Mặc dù nghe có vẻ hơi kỳ lạ, nhưng khái niệm này có ý nghĩa: thay vì mua sắm hay đồ ăn khi bạn được trả lương, trước tiên bạn chuyển một số tiền nhất định vào tài khoản tiết kiệm của mình để đảm bảo dù thế nào đi chăng nữa, bạn vẫn luôn tiết kiệm được tiền mỗi tháng.
Nhờ công nghệ, việc thực hiện chiến lược này dễ dàng hơn bao giờ hết. Bạn có thể tạo chuyển khoản tự động sang tài khoản tiết kiệm hàng tuần, hai tuần hoặc hàng tháng.
Bạn sẽ được gì nếu thực hiện theo chiến lược này?
Không phải lo lắng về ngân sách: Khi bạn biết các mục tiêu tiết kiệm của mình sẽ tự động được đáp ứng, bạn không cần phải lo lắng về việc liệu bạn có nên vung tiền vào loại cà phê ưa thích đó ngày hôm nay hay không.
Mike Morton, một cố vấn tài chính cho biết: “Tiết kiệm tự động là chìa khóa quan trọng vì chúng cho phép bạn có thể tránh hoàn toàn việc lập ngân sách. Bạn có thể tự động tiết kiệm cho các mục tiêu chi tiêu dài hạn của mình mỗi tháng và bất cứ thứ gì còn lại trong tài khoản đều có thể tự do chi tiêu mà không cần đắn đo."
Loại bỏ yếu tố con người: Chúng ta thích tiêu tiền, chúng ta mệt mỏi, chúng ta mắc sai lầm - nói cách khác, chúng ta là con người.
Eric Roberge, một nhà lập kế hoạch tài chính cho biết: “Chúng ta phải đối mặt với vô số quyết định mỗi phút, mỗi ngày và chúng ta có thể bị mệt mỏi vì quyết định. Đó là khi chúng ta bắt đầu đưa ra những quyết định thiếu sáng suốt vì chúng ta đã sử dụng hết sự tỉnh táo sẵn có của mình… Bằng cách loại bỏ nhu cầu quyết định chuyển tiền sang khoản tiết kiệm, bạn sẽ dễ dàng hoàn thành mục tiêu hơn nhiều.”
Hạn chế lạm phát lối sống: Nó xảy ra với rất nhiều người trong chúng ta: Khi chúng ta kiếm được nhiều hơn, chúng ta chi tiêu nhiều hơn. Rõ ràng thu nhập tăng, nhưng bạn vẫn không thấy tiền đâu. Tự động tiết kiệm một phần trăm thu nhập của bạn có thể giúp ngăn chặn điều này. Đó là lý do tại sao bạn nên chuyển mô hình truyền thống (kiếm tiền, thanh toán chi phí, tiết kiệm những gì còn lại) sang mô hình đặt tương lai của bạn lên hàng đầu: kiếm được, tiết kiệm những gì bạn có thể, tiêu những gì còn lại.
Nếu bạn đã tin tưởng về sức mạnh của tiết kiệm tự động? Hãy làm theo 4 bước sau để thực sự tiết kiệm từ đây.
1. Mở nhiều tài khoản
Mặc dù hoàn cảnh của mọi người là khác nhau, nhưng hầu hết mọi người nên có ít nhất 4 “nhóm” tài chính sau đây. Chúng tôi khuyên bạn nên mở một tài khoản riêng cho từng tài khoản vì điều đó sẽ giúp tài chính của bạn tự động hóa dễ dàng hơn.
Tiêu dùng (Tài khoản chi tiêu hàng ngày): Đây sẽ là tài khoản chi tiêu chính của bạn. Sau khi nhận lương, bạn sẽ chuyển tiền vào các tài khoản khác của mình - được đề cập dưới đây, số còn lại sẽ được giữ trong tấm thẻ chi tiêu này để trang trải các hóa đơn và chi phí tùy ý.
Quỹ khẩn cấp (tài khoản tiết kiệm lãi suất cao): Tài khoản cực kỳ quan trọng này bảo vệ bạn khi điều bất ngờ xảy ra. Điều khôn ngoan là nên gửi số tiền này tại một ngân hàng hoàn toàn riêng biệt, vì vậy bạn sẽ không bị cám dỗ để tiêu nó.
Khi bạn đã tiết kiệm được ít nhất từ 3 đến 6 tháng chi phí sinh hoạt, hãy để số tiền này nằm yên (và hy vọng bạn sẽ không bao giờ cần sử dụng đến nó). Sử dụng tài khoản tiết kiệm có lãi suất cao để tích lũy lãi suất theo thời gian.
Mục tiêu dài hạn (tài khoản đầu tư): Mục tiêu dài hạn chính là tiền nghỉ hưu của bạn. Ngay cả khi nó có vẻ xa vời (khi bạn mới chỉ đôi mươi), hãy nhớ rằng càng bắt đầu sớm càng tốt. Vì vậy, hãy tiết kiệm cho việc nghỉ hưu trong một tài khoản hưu trí cá nhân, để bạn có thể tối đa hóa lợi nhuận của mình trong vài thập kỷ tới. Ngoài việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm nhân thọ, bạn cũng có thể tham gia đầu tư kinh doanh, hay chỉ đơn giản là tiết kiệm tiền hưu trí.
Mục tiêu ngắn hạn (tài khoản dùng để đi du lịch, mua nhà, xe...): Bạn muốn mua nhà hay một chiếc xe? Đánh dấu tài khoản này cho các mục tiêu trong vòng 2 đến 5 năm nữa. Sử dụng tài khoản tiết kiệm có năng suất cao hoặc quỹ thị trường tiền tệ để kiếm lãi khi bạn đang tiết kiệm.
2. Xác định đóng góp của bạn
Số tiền bạn chuyển sang mỗi tài khoản ở trên sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào thu nhập và mục tiêu của bạn.
Bước tiếp theo là tạo một kế hoạch tiết kiệm. Bạn muốn đạt được và bạn có thể tiết kiệm được những gì?
Hãy áp dụng đúng việc chia tiền đủ cho các tài khoản ở trên và nhớ rằng tài khoản tiêu dùng sẽ là tài khoản cuối cùng được thiết lập, bởi bạn cần phải ưu tiên các tài khoản đầu tư, tiết kiệm, hưu trí, hay tài khoản đầu tư ngắn hạn trước.
Nếu bạn có thu nhập không thường xuyên, điều này rõ ràng sẽ khó khăn hơn nhiều. Nhưng bạn vẫn có thể mở từng tài khoản và thiết lập các khoản chuyển khoản nhỏ sẽ không có khả năng gây thấu chi.
Sau đó, nếu bạn có một tuần thuận lợi, bạn có thể dồn số tiền dư vào ưu tiên cao nhất của mình: có thể là trả bớt nợ thẻ tín dụng hoặc hỗ trợ quỹ khẩn cấp của bạn.
Điều quan trọng nhất là hãy tập thói quen tự trả tiền trước. Bằng cách đó, khi bạn được tăng lương hay sau khi đã thanh toán xong một hóa đơn, bạn có thể liên tục tăng số tiền bạn tiết kiệm được..
3. Thiết lập chuyển khoản
Nếu chủ lao động của bạn đề nghị gửi tiền trực tiếp, điều này rất dễ dàng: chỉ cần hỏi xem bạn có thể chia tiền lương của mình cho các tài khoản ngân hàng khác nhau hay không.
Đó là những gì John Phạm đã làm. Anh đã mở một tài khoản ngân hàng mới đặc biệt cho quỹ khẩn cấp. Sau đó, thông qua chủ lao động của mình, 5% tiền lương của anh được chủ lao động chuyển vào tài khoản ngân hàng đó. Anh cũng gần như quên nó đi, và bây giờ, số tiền đó đủ để anh trả chi phí trong sáu tháng nếu như anh mất việc.
Ngoài ra, bạn có thể mở một tài khoản ngân hàng trực tuyến để giúp bạn nếu như công ty không thể hỗ trợ việc chuyển lương vào nhiều tài khoản. Nhưng hãy nhớ, hãy chuyển tiền ngay khi bạn nhận lương - bởi nếu không, bạn có thể bị sao nhãng và trót tiêu âm.
4. Từ từ tăng đóng góp của bạn
Sau khi bạn thiết lập chuyển tự động, tương lai của bạn về cơ bản là thí điểm tự động. Tất cả những gì bạn cần làm là kiểm tra tài khoản của mình thường xuyên - có lẽ hàng tuần, sau đó cuối cùng hàng tháng- để đảm bảo mọi thứ hoạt động trơn tru.
Bạn cũng nên cố gắng tăng đóng góp của mình theo thời gian. Nếu bạn được tăng lương (có thể lắm chứ) hay có thêm khoản thu nhập ngoài nào đó, đừng chỉ tăng chi tiêu của bạn; hãy tăng tiết kiệm của bạn. Thực hiện những nỗ lực có ý thức để tăng số tiền bạn tiết kiệm sẽ giúp tăng khả năng an toàn tài chính của bạn lên đáng kể.
Thay vì việc đau đầu khi phải đưa ra quyết định chi tiêu vào việc gì và tiết kiệm bao nhiêu hay việc phải xem lại các chi tiêu mỗi tháng. Hãy tiết kiệm thời gian và nỗ lực tinh thần cho bản thân và tự động hóa việc tiết kiệm của bạn. Bạn sẽ nhận ra sự thay đổi đáng kể cho bản thân sau vài tháng thực hiện.