pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phụ nữ học cách quản lý tài chính qua “Trò chơi tiết kiệm”
Đào tạo trò chơi tiết kiệm ở Tam Nông, Phú Thọ
Chị Nguyễn Thị Tiên là thành viên TYM tại cụm 2, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Trước khi đến với khóa học "Trò chơi tiết kiệm", chị thường có cách chi tiêu và quản lý tiền bạc trong giá đình khá "chung chung" và không có định hướng, mục tiêu rõ rệt. Chính vì vậy, khi gia đình có việc quan trọng hoặc cần một số tiền lớn để chi tiêu, chị lại phải xoay xở đủ kiểu mới có được. Thế nên chị rất mừng khi có cơ hội tham gia lớp học "Trò chơi tiết kiệm" để học cách kiểm soát tài chính trong gia đình.
"Sau khi trải nghiệm 3 vòng chơi tại lớp học, tôi đã tự tin để làm chủ được các khoản chi tiêu hàng ngày của gia đình một cách hợp lý, tính toán thật kỹ trước khi chi tiêu. Các mục tiêu mà bản thân tôi mong muốn đạt được trong tương lai cũng đã được xác định rõ ràng, rành mạch chứ không lan man như trước. Căn cứ từ nguồn thu nhập và chi phí hàng tháng, tôi có đủ tự tin để dần dần có thể đạt được những mục tiêu trong tương lai không xa", chị Tiên chia sẻ.
Là người được trải nghiệm khóa học bổ ích này, chị Tiên nhận xét lớp học có những ưu điểm nổi bật mà chị vô cùng tâm đắc, đó là học viên xác định được mục tiêu tương lai, được tương tác với các giảng viên trong suốt quá trình học thông qua một trò chơi gia đình. Các sự kiện trong 3 vòng chơi đều là các tình huống có thể phát sinh đối với mỗi gia đình hàng ngày. Qua khóa học, học viên có thể nắm bắt các mối nguy cơ tiềm tàng ảnh hưởng tới tài chính của gia đình.
Giáo dục tài chính cho thành viên TYM thông qua "Trò chơi tiết kiệm" là một hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án hợp tác giữa Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Quỹ Hợp tác quốc tế các Ngân hàng Tiết kiệm Đức (SBFIC) và tổ chức CARD (Phi-líp-pin). Theo đó, từ năm 2019 cho đến nay, đã có 15 lớp "Trò chơi tiết kiệm" được tổ chức với gần 300 thành viên TYM được tham gia.
Trò chơi Tiết kiệm có thể coi là công cụ đào tạo mang tính tương tác cao cho học viên muốn tìm hiểu quản lý ngân sách gia đình hiệu quả và huy động tiết kiệm. Với cách thức tiếp cận nội dung thông qua việc chia nhóm chơi mô phỏng quản lí chi tiêu gia đình trong nhiều năm, học viên không cảm thấy nhàm chán khi phải thuộc những khái niệm và kiến thức trừu tượng. Dưới sự hướng dẫn của giảng viên, sau mỗi vòng chơi trải nghiệm sẽ là một bài học cụ thể được rút ra.
Việc quản lí chi tiêu gia đình tưởng chừng rất quen thuộc với những người phụ nữ thế nhưng qua khóa đào tạo này, chị em đã tiếp thu thêm nhiều điều mới mẻ về kỹ năng tiết kiệm, cách lập ngân sách hộ gia đình, cách lập ra mục tiêu và đạt được mục tiêu mua sắm gia đình, sự khác nhau giữa tiết kiệm và khoản vay, lạm phát, đầu tư cũng như kỹ năng xác định một tổ chức tài chính đáng tin cậy để lựa chọn sử dụng dịch vụ.
Theo ông Alexander Bunse - Đại diện Quỹ hợp tác quốc tế các Ngân hàng tiết kiệm Đức (SBFIC) tại Việt Nam, trên lý thuyết, có rất nhiều thứ có thể thực hành và đào tạo. Tuy nhiên, các tình huống hàng ngày như giao dịch tiền bạc thì cần phải có kinh nghiệm thực tế. Những sai lầm trong xử lý tài chính có thể nhanh chóng dẫn đến thiệt hại về sinh kế. Để giải quyết tình huống này, chúng tôi đã tìm ra một giải pháp thích hợp: Đào tạo mô phỏng thông qua Trò chơi tiết kiệm.
"Chúng tôi không chỉ hài lòng về số lượng này mà còn cả về chất lượng. Cho đến nay, tất cả những người tham gia trước đây đều đánh giá xếp hạng tích cực đối với "Trò chơi tiết kiệm". Ngoài ra, dựa trên các cuộc khảo sát tiếp theo gần đây, chúng tôi có thể xác định được rằng những người tham gia đã ghi nhớ và áp dụng những kiến thức được học một cách tích cực vào thực tế. Dựa trên khởi đầu tuyệt vời này, chúng tôi tin rằng TYM có thể truyền tải nội dung và trải nghiệm của "Trò chơi tiết kiệm" đến đông đảo thành viên của TYM và người dân Việt Nam trong tương lai", ông Alexander Bunse khẳng định.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Tổng Giám đốc TYM cho biết, bên cạnh việc cung cấp các dịch vụ tài chính cho phụ nữ thì hỗ trợ họ nâng cao năng lực là vô cùng quan trọng. Sự hỗ trợ này giúp cho chị em, nhất là phụ nữ nghèo, yếu thế có thể tạo sinh kế bền vững và nâng cao vị thế của mình trong xã hội. Với việc đào tạo "Trò chơi tiết kiệm" cho thành viên TYM, các chị em sẽ biết cách sử dụng đồng tiền mình làm ra một cách có kế hoạch, vừa đảm bảo được cuộc sống, vừa tích lũy tài sản một cách hiệu quả. Bà Hiền cũng cho rằng, đây là một trong những hoạt động quan trọng để TYM góp phần thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Dự kiến đến hết tháng 3/2021, TYM và SBFIC sẽ tổ chức thêm 15 lớp trò chơi tiết kiệm nữa cho thành viên TYM tại nhiều tỉnh/thành khác nhau tham dự.
Trò chơi tiết kiệm là một trong các mô hình trò chơi mô phỏng do Quỹ Hợp tác Quốc tế các Ngân hàng tiết kiệm Đức (SBFIC) phát triển với mục tiêu giúp cho người học – nhất là những đối tượng yếu thế, chưa hoặc ít được tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính – nắm được một số kiến thức tài chính cơ bản, tăng cường nhận thức về tầm quan trọng của việc lập ngân sách và tiết kiệm cho gia đình cũng như chức năng của hệ thống tài chính, qua đó giúp họ biết cách xây dựng, quản lý, sử dụng ngân sách gia đình – cá nhân, nắm bắt được các rủi ro tiềm ẩn và tích lũy tiết kiệm hiệu quả với định hướng tạo dựng thói quen tích lũy tiết kiệm để chủ động quản lý và ứng phó với rủi ro tiềm ẩn trong cuộc sống.