40 năm cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc: Bản hùng ca nơi 'Lò vôi thế kỷ'

14/02/2019 - 07:15
Mặt trận Vị Xuyên – Thanh Thủy (Hà Giang) được coi là khốc liệt nhất trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc khi mà nơi đây phải trải qua 10 năm chiến đấu (1979 – 1989). Những mất mát, hi sinh anh dũng của quân và dân ta ở nơi được mệnh danh “lò vôi thế kỷ” trên đất Vị Xuyên sẽ mãi mãi được khắc ghi.

10 năm mặt trận Vị Xuyên

Tranh thủ ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2019, ông Hoàng Văn Cường, quê Phú Thọ, lại đưa người thân và con cháu về xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên (Hà Giang) thăm lại chiến trường xưa để tưởng nhớ những đồng đội. Tại các điểm cao trận địa khi xưa thuộc thôn Nậm Ngặt, xã Thanh Thủy, rất nhiều đồng đội của ông Cường đã ngã xuống. Nhiều người hy sinh dưới mưa bom bão đạn trên mặt trận Vị Xuyên ác liệt kéo dài 10 năm trời trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

Là người lính thuộc Cục hậu cần Tiền phương, ông Cường nhận nhiệm vụ trong thời điểm chiến tranh nổ ra căng thẳng, ác liệt nhất tại mặt trận Vị Xuyên. Đó là những năm 1984 – 1985. Ông chia sẻ: Chiến tranh nào cũng có mất mát, hi sinh, đau thương. Người lính ra trận thì xác định “hòn tên mũi đạn tránh người, chứ người sao tránh được hòn tên mũi đạn” để nói về sự khốc liệt, đau thương của chiến tranh.

"Phía địch bắn phá suốt ngày đêm không ngừng nghỉ, từng loạt đạn pháo rền vang, liên hồi tại các trận địa, điểm cao. Làm nhiệm vụ của người lính hậu cần vận chuyển hàng ra trận địa, đau xót nhất là lúc quay xe về phải chở những đồng đội bị thương, người không còn tay, người không còn chân. Có những đồng đội nằm xuống mãi. Thậm chí, khốc liệt và đau lòng nhất là khi biết có thi thể đồng đội của mình tan dưới làn đạn pháo, không còn gì để đưa về hậu cứ”, ông Cường rưng rưng.

Thuộc Trung đoàn 824, ông Vàng Văn Xuyên, ngụ ở thôn Giang Nam, xã Thanh Thủy, là người lính trực tiếp chiến đấu trên chiến trường khốc liệt Vị Xuyên. Theo ông Xuyên, mặt trận Vị Xuyên – Thanh Thủy được xác định là vùng chiến sự ác liệt nhất trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Các cao điểm A6B, khu vực Bốn hầm, 722… là nơi chiến sự diễn ra ác liệt nhất.

Có thời điểm năm 1984, cuộc chiến đấu giành giật từng thước đất, từng mỏm đá đã diễn ra rất quyết liệt như các chốt ở Bốn hầm, đồi Cô Ích, hay điểm tựa 685, cả hai bên liên tục thay nhau phản kích, giành đi giật lại tới 30 - 40 lần.

Địch dội xuống đây hàng trăm ngàn quả đạn pháo khiến đỉnh núi bị bạt thấp đi mấy mét, đá trở nên trắng xóa. "Nói về khốc liệt của chiến tranh, những hi sinh, mất mát của chiến sĩ năm xưa thì không lời nào tả hết. Chính vì sự khốc liệt đó mà những trận địa nơi đây được gắn với những cái tên đi vào huyền thoại như “Đồi thịt băm”, “Thung lũng gọi hồn”, “Lò vôi thế kỉ”, “Ngã ba cửa tử”…", ông Xuyên bùi ngùi.

hai-n-chin-s-vit-nam-dn-gii-t-binh-trung-quc-cao-bng-ngy-2521979-ngun-nh-sovfoto.jpg
Hai nữ chiến sĩ Việt Nam dẫn giải tù binh Trung Quốc trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979. Ảnh tư liệu

Nhưng chính tại nơi gian khổ, ác liệt này, cán bộ, chiến sĩ ta đã thể hiện khí phách kiên cường tiến công, giành lại trận địa, bám trụ cho đến khi đối phương phải rút quân về bên kia biên giới. 

Tại một hội thảo mới đây, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Phó tư lệnh Quân khu 2, Trưởng ban liên lạc Hội Cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên - Hà Giang, cho biết: Tháng 2/1979, hơn 60 vạn quân Trung Quốc tràn sang xâm lược biên giới Việt Nam, phá hoại và san bằng thị xã Lào Cai, Cao Bằng, một phần thị xã Lạng Sơn cùng nhiều làng mạc. Riêng tại Hà Giang, từ tháng 4/1984 đến 5/1989, Trung Quốc lần lượt đưa hơn 50 vạn quân tiến công toàn diện biên giới Hà Giang, tập trung là huyện Vị Xuyên. Ác liệt nhất, có đợt chỉ trong 3 ngày Trung Quốc đã bắn hơn 100.000 quả đạn đại bác vào khu vực Vị Xuyên.

Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc nước ta thắng lợi rất anh hùng nhưng tổn thất cũng rất lớn. Chỉ riêng mặt trận Vị Xuyên đã có hơn 4.000 cán bộ chiến sĩ hy sinh. Đến nay còn hơn 2.000 liệt sĩ nằm rải rác khắp chiến trường Vị Xuyên chưa quy tập được hài cốt.

dai-huong-468-nhin-ra-cac-cao-diem-mat-tran-vi-xuyen.jpg
Các trận địa, điểm cao của mặt trận Vị Xuyên - Thanh Thủy nhìn từ Đài hương 468. Ảnh H. Hòa

 

Đài hương 468

Nhiều năm qua, đài hương 468, thuộc thôn Nặm Ngặt, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên (Hà Giang) đã trở thành điểm du lịch tâm linh quen thuộc của người dân để tri ân các anh hùng đã ngã xuống bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc.

Ông Vàng Văn Xuyên, người lính Trung đoàn 824 năm xưa, cũng là người trông nom đài hương 468 những năm qua. Ông cho biết: Đài hương 468 ban đầu chỉ là cây hương nhỏ, được những cựu chiến binh sư đoàn 356 dựng lên để thăm viếng, thắp nhang cho đồng đội đã ngã xuống.

Ông Xuyên kể, mảnh đất này vẫn còn bao đồng đội còn nằm lại, chưa được tìm kiếm, quy tập về nghĩa trang và có cả những thi thể người lính đã tan vào núi rừng nơi biên giới. Bởi vậy, các cựu chiến binh sư đoàn 356 đã huy động khởi công xây dựng Đài hương 468 từ tháng 11/2016 và đã hoàn thành với các hạng mục Nhà đài hương có diện tích 60m2 và các hạng mục như Bia Tổ quốc ghi công, Bia ký ức không quên….

Đài hương 468 nằm ngay trên điểm cao 468,  từ đây nhìn sang các cao điểm 685, 772 và xa hơn là 1509, nơi có nhiều người lính ngã xuống trong trận chiến khốc liệt tháng 7/1984.

Theo ông Xuyên, Đài hương không chỉ là nơi để các đồng đội, các cựu chiến binh về tưởng niệm, thăm lại chiến trường xưa mà đây còn là nơi để nhiều thế hệ học sinh trên địa bàn tỉnh đến dân hương tưởng nhớ, tìm hiểu và không lãng quên lịch sử hào hùng, anh dũng của thế hệ cha, anh; của quân và dân ta trong những năm chiến đấu, bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. 

hoc-sinh-den-tri-an-anh-hung-liet-sy-tai-dai-huong-468.jpg
Học sinh đến đến dâng hương tưởng nhớ, tri ân các liệt sỹ tại Đài hương 468. Ảnh H. Hòa

 

Theo tư liệu lịch sử, tại Hà Giang, từ tháng 4/1984, trên hướng Vị Xuyên, quân Trung Quốc được chi viện 12.000 viên đạn pháo tấn công vào các trận địa phòng ngự của ta ở phía tây sông Lô. Tháng 4, 5/1984, Trung Quốc đã chiếm được các điểm tựa 1509, 772, 685, bình độ 300 – 400, 226, 233. Rồi tiếp tục ở phía đông sông Lô, chiếm khu vực Pa Hán, điểm tựa 1030.

Tháng 6 đến tháng 11/1984, cuộc chiến đấu giành giật từng thước đất, từng mỏm đá đã diễn ra rất quyết liệt. Các chốt ở Bốn hầm, đồi Cô Ích, hay điểm tựa 685, cả hai bên liên tục thay nhau phản kích, giành đi giật lại tới 30 - 40 lần.

Sau 2 tháng liên tiếp (từ tháng 11/1984 đến tháng 1/1985), mặc dù gặp rất nhiều khó khă, các đơn vị của ta đã chiếm lại một số chốt, hình thành thế phòng ngự xen kẽ, bám sát, ngăn chặn địch ở đồi Chuối, đồi Cô Ích, đồi Dài, A4, A21… 

Từ ngày 5 đến 7/1/1987, Trung Quốc sử dụng lực lượng cấp sư đoàn được pháo binh chi viện mở chiến dịch nhằm vào 13 điểm tựa của ta ở cả Đông và Tây sông Lô. Mặc dù đối phương bắn tới trên 100 ngàn quả đạn báo trong 3 ngày để chi viện bộ binh liên tục tiến công (có ngày tới 7 lần) nhưng đều bị bộ binh và pháo binh ta ngăn chặn ngay trước trận địa.

Sau thất bại này, phía Trung Quốc giảm dần các hoạt động tấn công lấn chiếm. Từ cuối tháng 12/1988, Trung Quốc bắt đầu ngừng bắn phá và từ tháng 3 đến tháng 9/1989 lần lượt rút quân khỏi các vị trí chiếm đóng còn lại trên lãnh thổ Việt Nam.

(Còn nữa)

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm