pnvnonline@phunuvietnam.vn
40 tuổi, cánh cửa đóng sập khi liên tiếp mắc khối u
Ảnh minh họa
Tâm sự của người phụ nữ ấy khiến Thanh Tâm lặng đi. Cảm xúc của cô lúc này thật hỗn loạn khi biết tin về sức khỏe của mình sau lần khám định kỳ. Cô muốn được ra đi mãi mãi để không phải làm khổ những người thân. Một khối u mới mọc ra ở ngực trái sau hơn 5 tháng khám định kỳ với mọi kết quả đều ổn định. Giờ cô chỉ nghĩ đến chồng, chắc anh ấy đang rất mệt mỏi.
Cô năm nay hơn 40 tuổi, có 2 con. Vợ chồng cô cùng làm công nhân, viên chức, cuộc sống không quá dư dả nhưng cả 2 đều thấy như vậy là đủ, êm đềm và hạnh phúc. Đó là câu chuyện của 3 năm trước, còn giờ mọi thứ đã thay đổi rất nhiều. Cô phát hiện mình bị ung thư cổ tử cung, đã di căn tới một số bộ phận khác. Thời điểm khi mới biết tin, cô cảm thấy vô cùng nghiệt ngã. Viễn cảnh về tương lai mù mịt, thời gian sống chỉ được tính bằng tháng, khiến cô rơi vào tuyệt vọng. Nhưng lúc ấy, chồng cô đã động viên cô rất nhiều. Bố mẹ và chồng thay phiên nhau chăm sóc cô trong thời gian ở bệnh viện. Gia đình luôn lắng nghe và cảm thông trước sự cáu gắt vô cớ, lời nói tiêu cực của cô. Dần dần, cô cũng lấy lại được bình tĩnh, không còn than trách số phận của mình nữa.
Do lúc ấy các con còn nhỏ, cô không nói cho chúng biết. Những đợt đi điều trị lâu trong bệnh viện, cô đều dặn dò con rằng mình đi công tác, phải ở nhà tự giác học bài, chăm em. Con gái lớn có vẻ đã nhận ra sự khác lạ. Nhưng đứa em mới học lớp 1 thì vẫn hồn nhiên, mong mẹ "đi công tác" về để có quà mà thôi. Cứ nghĩ tới các con là cô không thể kiềm chế được cảm xúc. Hơn bao giờ hết, cô muốn được sống, được khỏe mạnh để tiếp tục được ở bên chăm sóc các con.
Dù phải trải qua đau đớn cỡ nào, cô vẫn muốn được sống. Vợ chồng cô quyết bán hết các đồ có giá trị trong nhà, cả mảnh đất nhỏ được ông bà cho ở quê làm vốn hồi cưới nhau để có đủ tiền chi trả các khoản chữa trị bệnh và ăn uống tẩm bổ. Trải qua 3 lần phẫu thuật, 15 lần hóa trị với những cơn đau quặn thắt, đau nhói lên não. Cuối cùng, kết quả điều trị của cô cũng đã tốt dần vào mấy tháng trước. Cô hạnh phúc khi tình hình bệnh được cải thiện và cố gắng duy trì việc khám định kỳ hàng tháng.
Do tình hình dịch bệnh phức tạp, mỗi lần vào viện khám lại phải trả tiền dịch vụ xét nghiệm Covid-19 nên hơn tháng nay, cô chưa đi khám lại vì xót tiền. Cô tự tin cơ thể mình đang bình phục, khối u đã được khống chế. Thế nhưng, mới đây, do chồng giục và kéo đi khám lại, cô mới biết có một khối u mới xuất hiện, tại vị trí khác và những gì cả gia đình cố gắng bao lâu nay, giờ phải bắt đầu lại từ con số 0. Bác sỹ nói các phương án về sử dụng thuốc và tiếp tục điều trị hóa trị để gia đình lựa chọn, với mức kinh phí lên tới mấy trăm triệu đồng, khiến cả hai vợ chồng đều sững sờ. Họ không còn gì để bán nữa!
Cô không biết nên phải đối mặt với cuộc sống này ra sao. Nhiều lúc, cô xin anh lần này để cô ra đi nhưng rồi cả 2 ôm nhau khóc. Lần đầu vợ điều trị, chồng cô luôn truyền cho cô sự lạc quan và tin tưởng cuộc sống. Thế nhưng, lần này, anh khóc như 1 đứa trẻ...
Thanh Tâm hiểu cô ấy đang rất thất vọng. Chính Thanh Tâm cũng cảm nhận được sự bế tắc khi nghe cô tâm sự. Thực sự quá khó để cùng chia sẻ với cô về sự được - mất, về các lựa chọn trong hoàn cảnh này. Thanh Tâm chỉ biết động viên cô, dù thời gian sống tính bằng tháng nhưng trong thời gian đó, trải nghiệm vui hay buồn, hạnh phúc hay mệt mỏi thì cô có thể lựa chọn. Thanh Tâm hỏi cô nhiều về những điều cô muốn làm cho các con và những mong muốn được chăm sóc như thế nào khi không thể tự gắng gượng được. Thanh Tâm cũng hỏi cô thường nói những chuyện quan trọng với chồng và các con bằng cách nào.
Thanh Tâm đã xin số điện thoại của chồng cô để đảm bảo có thể kết nối với cô bất kỳ lúc nào. Dường như cô đã thanh thản hơn, đối mặt với thực tế khắc nghiệt của mình. Còn Thanh Tâm sẽ chủ động nói chuyện với chồng cô về những tâm sự chất chứa trong lòng cô và cùng họ tìm cách tốt nhất thực hiện dần những mong muốn đó để cô an lòng dưỡng bệnh.