45 năm giải phóng miền Nam: Ký ức thời hoa lửa trong cuốn nhật ký “Tiến về Sài Gòn”

Đình Nguyên
30/04/2020 - 08:19
45 năm giải phóng miền Nam: Ký ức thời hoa lửa trong cuốn nhật ký “Tiến về Sài Gòn”
Đã 45 năm trôi qua, năm nào cũng vậy, cứ mỗi độ tháng tư, khi thời tiết bắt đầu sang hè, ông Hồ Trọng Thanh (65 tuổi, xóm Yên Hạ, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) lại ngồi lật giở những trang nhật ký và kỷ vật năm xưa. Cuốn nhật ký "Tiến về Sài Gòn" giúp ông như được sống trong những tháng ngày hào hùng của dân tộc và cả thời trai trẻ của mình.

Những ngày tháng không thể quên

Chiến tranh đã lùi xa 45 năm nhưng ký ức về năm tháng hào hùng một thời vào sinh ra tử vẫn vẹn nguyên với người lính Hồ Trọng Thanh. Trong nếp nhà cũ, ông Thanh dường như đang sống với "miền ký ức" với cuốn nhật ký chiến trường thiêng liêng của mình.

Những năm tháng chiến tranh, như bao thanh niên khác ở Yên Hạ, ông Hồ Trọng Thanh tình nguyện nhập ngũ, lên đường tham gia chiến đấu. Đến bây giờ, ông vẫn cho rằng mình "may mắn" khi được tham gia chiến dịch giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào tháng 4/1975 lịch sử. "Đó là những ngày tháng hoa lửa, không thể nào quên" – ông nói.

Cuốn nhật ký của ông giờ đã phai màu. Năm tháng trôi qua, những nét chữ giờ đây cũng đã mờ dần theo thời gian. Ông chia sẻ: "Những năm tháng đó, đi qua những trận chiến khốc liệt, không ít lần đối mặt với cái chết nhưng tôi vẫn quyết tâm giữ bằng được cuốn nhật ký này. Đó là tài sản có giá trị nhất trong ngày trở về quê hương. Suốt 45 năm qua, cuốn nhật ký này vẫn luôn được tôi mang theo bên mình như một thứ vô giá".

Ký ức thời hoa lửa trong cuốn nhật ký “Tiến về Sài Gòn” - Ảnh 2.

Bức ảnh chụp trong dịp làm công tác quân quản tại Sài Gòn sau chiến dịch Hồ Chí Minh

Có thói quen viết nhật ký từ những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường, ông Thanh không ngờ chính thói quen có phần "tiểu tư sản" ấy lại giúp ông lưu lại một phần ký ức đáng nhớ của mình. "Trong suốt những năm tham gia chiến đấu, tôi viết đến 3 cuốn nhật ký. Tiếc là khi gửi về hậu phương để hành quân tiếp thì bị thất lạc mất 2 cuốn, đến giờ chỉ còn lại một cuốn ghi lại quãng thời gian tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đây thực sự là thứ vô giá, không gì có thể đánh đổi. Cuốn nhật ký đó gắn với một thời trai trẻ, chiến chinh, với những ngày tháng hào hùng và oanh liệt", ông Thanh nói.

Cuốn nhật ký của ông Thanh dài gần 100 trang, trang đầu có ghi dòng chữ bằng bút đỏ "Trang nhật ký miền Nam quê hương", bên cạnh là tên tác giả và đơn vị Đội 59 - Đoàn 70. Cuốn nhật ký được ghi từ ngày 8/4/1975 và dừng bút ở ngày 21/4/1975 với những mô tả chi tiết về diễn biến cuộc hành quân chiến đấu và những suy nghĩ, cảm xúc của người viết. Đọc cuốn nhật ký có thể thấy được khí thế chiến đấu và chiến thắng, cũng như dự cảm về một thắng lợi đã đến rất gần.

Ký ức thời hoa lửa trong cuốn nhật ký “Tiến về Sài Gòn” - Ảnh 3.

Những dòng nhật ký cùng bài thơ “Tiến về Sài Gòn” luôn đọng mãi trong tâm trí cựu chiến binh Hồ Trọng Thanh

Cuốn nhật ký bắt đầu bằng những cảm xúc trên đường hành quân: "Hành quân liên tục cả đêm lẫn ngày. Cái nắng ở xứ sở miền Nam quê hương thật là gay gắt. Mệt nhọc không sao nói hết. Song, tin chiến thắng miền Nam đã làm cho cơn mệt nhọc tan biến, đường ra trận hôm nay rực rỡ cờ hoa..."; "Trời đêm vừa buông xuống. Mệnh lệnh hành quân được phát ra, tất cả giờ đây đều trong nhẹ nhàng, trong tư thế lên đường nhận nhiệm vụ chiến đấu. Mình đoán chắc rằng về giải phóng Biên Hòa thì phải. Ôi chao ôi! Còn gì vui hơn thế nữa...".

Gần 100 trang sách của cuốn nhật ký, có tới một nửa số trang được ghi ở chiến trường bom đạn. Nó được viết từ góc nhìn của người trực tiếp cầm súng trên chiến trường với những góc khuất được một người lính giãi bày bằng tất cả nỗi lòng căm hận. Nhật ký chứa đựng những niềm vui, nỗi buồn, cả những mất mát hy sinh của đồng đội trên chiến trường.

45 năm đã qua, tôi vẫn không hiểu tại sao trong những ngày gian lao, bom đạn đầy trời, nhiều khi sống chết chỉ cách nhau trong gang tấc, tôi vẫn tranh thủ viết lại những thời khắc đó. Nhiều khi tôi nghĩ, nếu tôi ngã xuống trong cuộc chiến đấu này, thì cuốn nhật ký cũng là cái còn sống của tôi. Với tôi, "nhật ký là những gì mình chắt chiu để lại cho cuộc sống".

Ông Hồ Trọng Thanh (Hưng Thịnh, Hưng Nguyên, Nghệ An)

Trong cuốn nhật ký, người lính Hồ Trọng Thanh khi ấy không chỉ viết về những gian khó hy sinh mất mát của người lính trên chiến trường khốc liệt mà còn dành cho tình đồng chí đồng đội, tình quân dân, về ý chí sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Xen giữa những trang nhật ký trong khí thế của đường ra trận đẹp và tự hào còn gửi vào đó nỗi niềm riêng tư, tình yêu quê hương, gia đình tha thiết, tình cảm với mẹ cha, anh em, đồng đội sâu sắc của người lính.


45 năm giải phóng miền Nam: Ký ức thời hoa lửa trong cuốn nhật ký “Tiến về Sài Gòn” - Ảnh 4.

Dù cuộc sống mưu sinh có những lúc vất vả nhưng những ngày tháng hoa lửa là nguồn động lực giúp cựu chiến binh Hồ Trọng Thanh vươn lên trong cuộc sống

 

Kỷ vật thiêng liêng

Không thể ghi lại những ngày cuối của chiến dịch Hồ Chí Minh trong cuốn nhật ký chiến trường, thế nhưng, ông Hồ Trọng Thanh vẫn kịp lưu dấu niềm vui trong những ngày toàn thắng, vừa quý giá, vừa thiêng liêng trong những kỷ vật mà ông hết sức nâng niu khác. Đó là bài thơ "Tiến về Sài Gòn" do ông tự tay viết ngay sau ngày toàn thắng trong cuốn sổ tay: "Quê hương ơi, hỡi quê hương!/Lắng nghe nhịp thở chiến trường nơi xa/Xe người tấp nập cờ hoa/Máu tim ngừng đập, chân ta bước dồn/Đập tan xiềng xích, bốt đồn/Quân thù khiếp vía kinh hồn khắp nơi...".

Chiến tranh đã qua đi gần 50 năm, cả đất nước đã chuyển mình bước sang thời đại mới. Những người lính năm xưa như ông Hồ Trọng Thanh và các đồng đội, bước ra khỏi cuộc chiến, trở về với cuộc sống, đã có rất nhiều thăng trầm. Thế nhưng, với họ, được là một người lính chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, được tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, góp phần giải phóng Sài Gòn luôn là niềm vinh dự, tự hào lớn. Ký ức về những ngày tháng hoa lửa ấy là sẽ luôn theo họ suốt phần đời còn lại. "Những dòng nhật ký và kỷ vật chiến trường giúp tôi lưu giữ ký ức hào hùng, oanh liệt và nhắc nhở mình sống xứng đáng với sự hy sinh của bao đồng chí, đồng đội", ông Thanh tâm sự.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm