Văn hóa - giải trí

“Mùa xuân trên quê hương” gửi gắm ước vọng hòa hợp dân tộc

Chung Quốc Hưng 30/04/2020 - 09:41 AM
Ắt hẳn, kể từ sau ngày đất nước thống nhất, rất nhiều người được thưởng thức giai điệu dìu dặt tràn đầy tình cảm nhưng lại chất chứa niềm tin mãnh liệt về một ngày mai của ca khúc “Mùa Xuân trên quê hương”. Các chương trình nghệ thuật mừng đất nước thống nhất, mừng mùa xuân, hiếm khi thiếu vắng bài hát này. Một bài hát gửi gắm ước vọng hòa hợp dân tộc, đoàn kết vì một Việt Nam thịnh vượng của nhạc sĩ Trần Hoài Mai. Ca khúc đoạt giải A - Giải thưởng âm nhạc quốc gia đầu tiên kể từ ngày 30/4/1975.

Ca khúc của niềm tin hoà hợp dân tộc.

Cảm xúc khi đất nước thống nhất, rất nhiều nhạc sĩ đã dâng trào, sáng tác cho ra đời những tác phẩm bày tỏ tình yêu, niềm tin vào Đảng, Bác Hồ, đất nước. Nếu như nhạc sĩ Xuân Hồng sáng tác "Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh", nhạc sĩ Hoàng Hà với "Đất nước trọn niềm vui" với các nốt nhạc bay nhảy hoan ca bởi những bước chân rộn ràng "đi trong muôn ánh sao vàng rừng cờ tung bay", "niềm vui như đi trong mơ" ngay thời khắc 30/4 thì với nhạc sĩ Hoài Mai, ông lặng lẽ hơn. Một năm sau, năm 1976, khi đất nước chuẩn bị tổng tuyển cử, đứa con tinh thần của người chơi đại hồ cầm - Hoài Mai mới ra đời. 

"Cuộc bầu cử là một sự thống nhất về mặt nhà nước. Đó là mơ ước lớn nhất, là ngọn lửa âm ỉ suốt mấy chục năm tham gia kháng chiến của tôi. Tôi mong ước toàn dân xóa bỏ hận thù, xóa bỏ chia rẽ, hòa hợp để cùng xây dựng đất nước. Thời khắc tổng tuyển cử, tôi cũng nhớ đến Bác Hồ về một Việt Nam thống nhất. Sau nhiều đêm trằn trọc, tôi viết bài hát để thể hiện lòng khao khát của mình".

"Quê hương vang mãi muôn khúc ca tưng bừng

Đời vui nao nức, sức sống đang trào dâng

Mùa về trên quê hương nghe bao tiếng thân thương

Khi sông núi nối liền, tin vui đến mọi miền…"

Nhạc sĩ Hoài Mai như "lùi lại một bước" để tiếp tục cảm nhận, chiêm nghiệm về "thống nhất", từ đó, mới có một ca khúc mà ca từ, giai điệu nhẹ nhàng, trữ tình, đằm thắm như nhận xét của tác giả Lê Hải Đăng trên baicadicungnamthang.net. Theo tác giả Hải Đăng, "Mùa xuân trên quê hương" chẳng hề thấy không khí rạo rực như thường có ở những tác phẩm viết về sự kiện lịch sử mà bồi hồi, mênh mang. Thậm chí, ca khúc đã vượt qua "ranh giới" của những bài ca mừng chiến thắng để gieo vào lòng người nhiều nỗi suy tư, ngậm ngùi.

"Vượt mọi nỗi gian lao/ hàn lại vết thương đau…"

"Tôi nghĩ đến đồng bào đã chọn "ra nước ngoài". Tôi muốn gửi gắm, nhắn nhủ là chúng ta hãy cùng nắm tay nhau xây dựng một đất nước Việt Nam giàu mạnh hơn như Bác Hồ hằng mong nên mới viết: "Lòng ta càng nung nấu nguyện ước của Bác Hồ, cùng dựng xây đất nước… tương lai sẽ ngập tràn…" - NS Hoài Mai thổ lộ.

Nhạc sĩ Lê Văn Lộc, Chi hội trưởng Chi hội 1, Hội âm nhạc TPHCM: (Một "học trò" của NS Hoài Mai) nhớ lại, những năm đầu thống nhất, ông tham gia thanh niên xung phong cùng đồng đội đào kênh ở nông trường Lê Minh Xuân. Sáng sáng, vác cuốc xẻng ra khỏi lán trại là nghe nhạc được phát từ chiếc loa của nông trường. Cứ đến bài "Mùa xuân trên quê hương", NS Văn Lộc lại có cảm giác rất lạ. Nghe sao thấy nhẹ nhàng bên ngoài nhưng mạnh mẽ trong nội tâm. Đến giai đoạn tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam, và ngay cả bây giờ, dù hoàn cảnh nào, cứ mỗi lần nghe giai điệu bài hát "Mùa xuân trên quê hương" là ông cảm thấy bản thân có nguồn động lực rất lớn. 

"Mặc dầu bài hát đã lâu lắm rồi nhưng khi nghe hát lại vẫn làm cho lòng tôi thấy man mác và thích lắm. Nghe như thấy được hình ảnh mùa xuân - mùa xuân thống nhất đất nước, đồng thời nói lên ước nguyện của dân tộc muốn xây dựng đất nước mình tốt đẹp hơn, giàu đẹp hơn như lời Bác Hồ mong ước" - NS Văn Lộc bộc bạch. 

Ông còn nói: "NS Hoài Mai cũng đã mở cho tôi tầm nhìn về nhân sinh quan, về con đường sáng tác mà từ đó, tôi luôn chiêm nghiệm, học hỏi".

Kể từ khi được trình bày trước công chúng, có rất nhiều thế hệ ca sĩ hát "Mùa xuân trên quê hương" như Họa Mi, Tân Nhàn, Thanh Thúy, Võ Hạ Trâm, Trọng Tấn... Họ cho biết, mỗi lần trình bày ca khúc này là trong lòng dậy lên niềm tin yêu đất nước khó tả. 'Tôi đã nổi cả gai ốc khi cất lời bài hát này trong một chương trình "Bài ca đi cùng năm tháng". Mà không phải một lần như vậy. Khi hát, hình ảnh ngày giải phóng, hình ảnh đất nước thống nhất, hòa bình cứ hiển hiện trước mắt tôi. Mỗi lần hát là một lần biết ơn tác giả vì mỗi lần như vậy, tôi thêm tin yêu dân tộc, đất nước mình hơn" -  Ca sĩ Võ Hạ Trâm bày tỏ.  

"Chính tôi cũng không ngờ, bài hát còn sức sống đến ngày hôm nay. Có thể một phần, tôi nói lên được tâm tư, nguyện vọng của cả dân tộc. Cái thứ 2 là ca ngợi Bác Hồ. Đến giờ, mỗi lần nghe, tôi vẫn rất xúc động đến đoạn điệp khúc "giờ giao thừa còn ấm, giọng nói của Bác Hồ" hay "vượt mọi nỗi gian lao, hàn lại vết thương đau, lòng ta hằng nung nấu, nguyện ước của Bác Hồ" -  NS Hoài Mai tâm sự.   

"Nếu không làm nhạc sĩ, tôi sẽ là … cầu thủ bóng đá"

NS Hoài Mai tên thật là Trần Hoài Mai, sinh năm 1932. Ông là người Sài Gòn, học đến lớp 7, lúc đó là năm 1945 thì nghe theo lời hiệu triệu "mùa thu rồi ngày 23, ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến", bỏ trường vào bưng tham gia kháng chiến.

Năm 1954, ông tập kết ra Bắc và học khoa biểu diễn nhạc cụ tại Nhạc viện Hà Nội. Ra trường, ông được giữ lại giảng dạy và biểu diễn trong dàn nhạc giao hưởng. Đến năm 1964, ông tình nguyện vào Nam, tham gia Đoàn ca múa Giải phóng. "Lúc này, tôi được chọn đưa ra nước ngoài học cao hơn về âm nhạc. Nhưng cứ đưa tay lên ngực là con tim thầm nhắc "2 tiếng thiêng liêng - 2 tiếng Miền Nam" nên tôi xin được vào Nam. Năm 1964, tôi vượt Trường Sơn. Dù gian khó, hiểm nguy nhưng cứ bước tới được một bước, tôi lại thấy mình gần miền Nam một ít" -  NS Hoài Mai hồi tưởng lại. Ông nói, ngày đi, ông mang theo trong ba lô một bộ dây đàn đại hồ cầm (contre bass), chỉ với một suy nghĩ, đoàn văn công có violon rồi, có accordion rồi, giờ phải có thêm contre bass. 

Sau nhiều ngày giữ kín trong lòng, ông bèn tâm sự điều đó với nhà văn Anh Đức. Nghe xong, tác giả của "Hòn Đất" xua tay, lắc đầu lia lịa, bảo không được, vì đàn đại hồ cầm lớn, không tiện cho mang vác, di chuyển trong rừng. Nhưng sau đó, thấy NS Hoài Mai cứ nằn nì xin được làm vì "tôi được đào tạo chơi đàn đó. Đại hồ cầm là cây đàn mẹ trong dàn nhạc. Không có nó, âm nhạc không hùng hồn". Nhà văn Anh Đức xiêu lòng. Nhưng để có cây đại hồ cầm không dễ chút nào. 

Cả hai cùng một người tên Thà (có khả năng về mộc và khéo tay) đi tìm cây làm đàn. Loại đàn này, phải làm bằng gỗ thông nhưng ở nơi các ông trú quân không có thông. Thử tới thử lui, cuối cùng các ông chọn cây bằng lăng, có thớ gỗ nhẹ tương tự như thông. NS Hoài Mai vẽ mẫu, sau nhiều ngày vừa mò vừa đẽo, vừa bào, cuối cùng, cây đàn cũng có được hình hài. NS Hoài Hoài Mai lắp dây, vặn trục. "Khi búng dây, cây đại hồ cầm vang lên âm thanh quen thuộc, tôi mừng đến phát khóc. Tôi quỳ xuống dưới chân anh Thà, bảo anh leo lên cho tôi cõng đi để tỏ lòng biết ơn một đồng đội đã miệt mài làm ra cây đàn cho tôi thỏa đam mê". NS Hoài Mai bùi ngùi nhớ lại khoảnh khắc đẹp về tình đồng đội, đồng chí giữa "mưa bom bão đạn". 

Có cây đại hồ cầm, NS Hoài Mai như được tiếp thêm động lực. Nhiều lần trên đường đi lưu diễn, đoàn bị đánh bom, người ông đầy thương tích nhưng tuyệt nhiên cây đàn to hơn cả người "không một vết xước". Không chỉ tích cực biểu diễn mà thời gian này, ông còn sáng tác được nhiều ca khúc như: Long An chiến thắng (1966), Lời Bác vọng về (lời Hoàng Việt - 1967), Trên lưng trời anh lập chiến công (1968)… "Dù không chọn con đường ra nước ngoài tu nghiệp nhưng tôi không quên ơn các thầy đã dạy, dìu dắt trên con đường âm nhạc. Đặc biệt là thầy Nguyễn Xuân Khoát" - NS Hoài Mai cho biết và còn nói, mình từng được chọn vào đội bóng đá Thể Công thi đấu và ghi nhiều bàn thắng "để đời" nhưng "may, nếu tôi đủ sức khỏe theo yêu cầu đội bóng thì chắc sự nghiệp là quần đùi, áo số rồi chứ đâu phải là ông nhạc sĩ như bây giờ". 

Ông cười khà khà nhớ lại những năm tháng được giáo dưỡng để trưởng thành từ môi trường cách mạng: "Nhưng dù là nhạc sĩ hay cầu thủ bóng đá thì tôi vẫn cống hiến hết mình vì sự nghiệp đoàn kết thống nhất và xây dựng đất nước giàu đẹp hơn như những gì Bác hằng răn dạy" - người nhạc sĩ  đã đi qua gần 90 mùa xuân cuộc đời cho biết.  

“Mùa xuân trên quê hương” – Mùa xuân của ước vọng hòa hợp - Ảnh 1.

Nhạc sĩ Hoài Mai: "Tôi sáng tác "Mùa xuân trên quê hương" với ước mong toàn dân Việt Nam hòa hợp cùng nhau xây dựng đất nước"

“Mùa xuân trên quê hương” – Mùa xuân của ước vọng hòa hợp - Ảnh 2.

Cứ mỗi lần nghe "Mùa xuân trên quê hương" là mỗi lần nhạc sĩ Lê Văn Lộc như thấy mình có thêm động lực đoàn kết, xây dựng đất nước

“Mùa xuân trên quê hương” – Mùa xuân của ước vọng hòa hợp - Ảnh 3.

Ca sĩ Võ Hạ Trâm: "Được trình bày "Mùa xuân trên quê hương" là vinh dự và trách nhiệm với đất nước"

“Mùa xuân trên quê hương” – Mùa xuân của ước vọng hòa hợp - Ảnh 4.

"Mùa xuân trên quê hương" - Giải A, ngành âm nhạc giải phóng 1976

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn