5 giờ "cân não" phẫu thuật cứu bé gái 14 tuổi bị khối u não hiếm gặp

Đông Quân
14/07/2022 - 18:28
5 giờ "cân não" phẫu thuật cứu bé gái 14 tuổi bị khối u não hiếm gặp

Sau phẫu thuật 3 ngày, sức khỏe bệnh nhân tiến triển tốt, mọi sinh hoạt đã trở lại bình thường.

Bé gái 14 tuổi người Campuchia được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn (TPHCM) phát hiện và phẫu thuật thành công lấy toàn bộ khối u não thất IV hiếm gặp.

Ngày 14/7, ThS.BS.CKII Đỗ Anh Vũ, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn (TPHCM) - cho biết, vừa thực hiện phẫu thuật thành công lấy toàn bộ khối u não thất IV hiếm gặp ở bệnh nhân Sheng Phalla (14 tuổi, Campuchia) bằng phối hợp công nghệ định vị và phẫu thuật vi phẫu.

Trước đó, Sheng Phalla xuất hiện cơn đau đầu liên tục, đi đứng loạng choạng, khó khăn. Bệnh nhân đi khám nhiều nơi với nhiều chẩn đoán khác nhau, điều trị nhưng tình trạng không thuyên giảm.

Bệnh nhân đến thăm khám tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn trong trạng thái đau đầu liên tục. Thời gian gần trước khi nhập viện bệnh nhân có xuất hiện các triệu chứng như nhức đầu, chóng mặt, tê chân, đi đứng không vững. Kết quả chụp cắt lớp não (CT scanner sọ não), chụp cộng hưởng từ não (MRI) phát hiện có khối u choán chỗ tiểu não vùng hố sau bên trái. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị u não thất IV.

ThS.BS.CKII Đỗ Anh Vũ - người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật cho biết, đây là khối u nằm ở vị trí khó tiếp cận, gần với các cấu trúc mạch máu thần kinh quan trọng, cũng như có nhiều mạch máu nuôi u nên việc điều trị cho bệnh nhân để bóc tách lấy toàn bộ khối u là không dễ dàng.

Tuy khối u có kích thước nhỏ nhưng vùng hố sau của não, xung quanh u có nhiều chức năng quan trọng, đòi hỏi phẫu thuật viên phải thao tác vô cùng khéo léo để tránh gây ra tổn thương mô não ở vùng này nhằm hạn chế tối đa khả năng bệnh nhân tử vong hay chịu những di chứng sau phẫu thuật.

5 giờ "cân não" phẫu thuật cứu bé gái 14 tuổi bị khối u não hiếm gặp - Ảnh 1.

Ê-kíp bác sĩ phẫu thuật thành công lấy toàn bộ khối u não thất IV hiếm gặp cho bé gái.

Ca phẫu thuật kéo dài hơn 5 giờ, cùng với việc sử dụng hệ thống máy định vị 3D navigation kết hợp kính hiển vi, ê-kíp các bác sĩ khoa Ngoại thần kinh đã thành công cắt bỏ hoàn toàn khối u và tái tạo màng cứng lại cho người bệnh. Phương pháp này sẽ giúp xác định chính xác vị trí các khối u nhỏ nằm sâu trong não bộ, giúp các bác sĩ phẫu thuật quyết định đường rạch da, đường mở xương sọ có kích thước bé nhất để tiếp cận khối u, ít xâm lấn.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân được chuyển về phòng Chăm sóc tích cực (ICU) của khoa Ngoại thần kinh để tiếp tục theo dõi hậu phẫu.

ThS.BS Dương Đức Anh, khoa Ngoại Thần kinh - người tham gia thực hiện phẫu thuật và theo dõi hậu phẫu ca bệnh - cho biết, sau phẫu thuật 3 ngày, sức khỏe bệnh nhân tiến triển tốt, giảm đau đầu nhiều, vết mổ khô và không xuất hiện thêm triệu chứng tổn thương thần kinh mới. Việc đi lại và mọi sinh hoạt đã trở lại bình thường, người bệnh sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.

Theo bác sĩ Đỗ Anh Vũ, u não đa phần không thể phòng tránh được. Thậm chí, khi khối u xuất hiện bệnh nhân gần như không hề hay biết với các triệu chứng dễ nhầm lẫn với bệnh khác và khá mơ hồ như đau đầu, ù tai, tầm nhìn thay đổi, chóng mặt… Nếu không phát hiện sớm thì khối u sẽ lớn theo thời gian và dẫn đến rối loạn thăng bằng, đi đứng lảo đảo, động kinh… gây hôn mê và tử vong bất cứ lúc nào. Do đó, người dân nên đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, chẩn đoán, phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.

Bên cạnh đó, việc trang bị thiết bị định vị cũng giúp xác định được vùng chức năng quan trọng của não, đó là các mạch máu, các dây thần kinh ngay trong phẫu thuật để tránh làm tổn thương chúng. Với những điều kiện đó sẽ hạn chế tối đa tổn thương não trong khi phẫu thuật, an toàn gần như tuyệt đối, giúp người bệnh nhanh hồi phục, ít để lại di chứng.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm