5 không, 4 nên để tránh bẫy lừa đảo khi thực hiện các giao dịch tài chính, ngân hàng

Anh Quân
03/08/2021 - 09:55
5 không, 4 nên để tránh bẫy lừa đảo khi thực hiện các giao dịch tài chính, ngân hàng

Ảnh minh họa

Những hành vi lừa đảo để chiếm đoạt tài sản khi thực hiện các giao dịch tài chính, ngân hàng đang tăng cao, đặc biệt trong mùa dịch Covid-19. Người tiêu dùng cần lưu ý gì?

Trong mùa dịch, nhu cầu mua sắm, thanh toán qua mạng tăng cao. Đây cũng là kẽ hở để những kẻ gian thực hiện để lừa đảo người tiêu dùng khi thực hiện một số giao dịch tài chính, ngân hàng.

Theo thông tin từ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), thời gian gần đây, thông qua hệ thống tổng đài tư vấn hỗ trợ người tiêu dùng, Cục đã ghi nhận sự gia tăng các phản ánh của người tiêu dùng về việc bị lừa đảo khi thực hiện một số giao dịch tài chính, ngân hàng.

6 hình thức lừa đảo chủ yếu khi sử dụng dịch vụ tài chính, ngân hàng bao gồm: Lừa đảo qua thư điện tử (Email); Lừa đảo qua tin nhắn điện thoại (SMS); Lừa đảo qua cuộc gọi điện thoại; Lừa đảo qua trang mạng (website) giả mạo; Lừa đảo qua mạng xã hội; Lừa đảo qua giao dịch thương mại điện tử.

5 không, 4 nên để tránh bẫy lừa đảo khi thực hiện các giao dịch tài chính, ngân hàng  - Ảnh 1.

Những hành vi lừa đảo để chiếm đoạt tài sản khi thực hiện các giao dịch tài chính, ngân hàng đang tăng cao, đặc biệt trong mùa dịch Covid-19. Ảnh minh họa

Trước những hành vi lừa đảo nêu trên, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng lưu ý một số nội dung có liên quan khi thực hiện các giao dịch tài chính, ngân hàng.

5 KHÔNG khi thực hiện các giao dịch tài chính, ngân hàng:

- KHÔNG cung cấp thông tin về các dịch vụ Ngân hàng số gồm Tài khoản đăng nhập, Mật khẩu, Mã xác thực (OTP) hoặc số thẻ tín dụng, cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào mà chưa xác định được rõ mối quan hệ;

- KHÔNG truy cập các đường link, liên kết trong tin nhắn/email lạ hoặc không rõ nguồn gốc;

- KHÔNG thực hiện giao dịch theo yêu cầu của các đối tượng lạ khi nhận được điện thoại, tin nhắn có nội dung liên quan đến giao dịch ngân hàng (truy cập vào link lạ, chuyển tiền qua ngân hàng, nạp thẻ, rút tiền, …);

- KHÔNG truy cập hoặc nhập thông tin tên truy cập, mật khẩu đăng nhập Internet Banking/Mobile Banking, mã xác thực OTP, số tài khoản… của người tiêu dùng vào trang web/liên kết khác với trang web hay đường dẫn Internet Banking của ngân hàng;

- KHÔNG cài đặt các ứng dụng chưa được xác thực trên kho ứng dụng đặc biệt là theo yêu cầu của đối tượng lạ;

- KHÔNG cho mượn hoặc cho thuê thông tin cá nhân để mở thẻ, tài khoản ngân hàng.

5 không, 4 nên để tránh bẫy lừa đảo khi thực hiện các giao dịch tài chính, ngân hàng  - Ảnh 2.

Người tiêu dùng không cung cấp thông tin về các dịch vụ Ngân hàng số gồm Tài khoản đăng nhập, Mật khẩu, Mã xác thực (OTP) hoặc số thẻ tín dụng, cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào mà chưa xác định được rõ mối quan hệ. Ảnh minh họa

4 NÊN khi thực hiện các giao dịch tài chính, ngân hàng:

- Chỉ truy cập các giao dịch ngân hàng điện tử (Internet Banking) của ngân hàng nơi người tiêu dùng mở tài khoản hoặc sử dụng ứng dụng (app) của ngân hàng nơi mở tài khoản để thực hiện các giao dịch qua tài khoản.

- Xác thực thông tin (qua điện thoại di động hoặc trực tiếp) trước khi thực hiện thanh toán/chuyển tiền khi nhận được yêu cầu từ Facebook/Zalo/Messenger từ người thân/bạn bè.

- Chủ động khóa tài khoản, thay đổi mật khẩu đăng nhập tài khoản Internet Banking, Mobile Banking; liên hệ ngay với ngân hàng nơi mở tài khoản theo số đường dây nóng hoặc đến điểm giao dịch gần nhất của ngân hàng yêu cầu tạm khóa dịch vụ Thẻ/Ngân hàng điện tử nếu đã xảy ra rủi ro mất tiền hoặc trong tình huống nghi ngờ bị lừa đảo.

- Liên hệ ngay cơ quan có thẩm quyền (ngân hàng, cơ quan, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng, công an địa phương…) khi phát hiện tiền trong tài khoản của mình bị mất một cách không rõ ràng để được tư vấn, hỗ trợ và xử lý kịp thời.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm