5 năm vắng bóng chồng ngày Tết, người vợ lính mới hiểu vì sao ông bà Ngâu mỗi lần gặp nhau lại khóc

TN
22/01/2020 - 16:33
5 năm vắng bóng chồng ngày Tết, người vợ lính mới hiểu vì sao ông bà Ngâu mỗi lần gặp nhau lại khóc
Lấy chồng bộ đội, Thuận đã trải qua những ngày xa cách, những giây phút cô đơn, buồn tủi, những vất vả khổ cực nhưng chẳng có nỗi buồn nào da diết bằng nỗi buồn ngày Tết vắng chồng.
Tết của vợ lính - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Thuận gặp Khang trên sân ga chiều 30 Tết. Anh đi ngược, chị về xuôi. Chị về quê, anh lên đơn vị. Sân ga chiều 30 Tết người vẫn đông như mắc cửi, vậy mà chị chỉ nhìn thấy anh - người lính trẻ quần áo lấm bụi đường, mồ hôi còn ướt tóc mai giữa trời se lạnh. Trái tim đa cảm của chị khi ấy bỗng lỗi nhịp, xao xuyến.

Thuận không thích làm quen, không thích nói chuyện với người lạ, vậy mà hôm ấy, chị đã chủ động hỏi thăm anh, chủ động mời "nếu có dịp anh đến nhà em chơi...".

Thuận không tin sẽ gặp Khang lần nữa nhưng chị vẫn mong, vẫn nhớ màu áo lính giữa dòng người sặc sỡ. Nhớ lắm, nhưng không hy vọng...

Vậy mà sau Tết 20 ngày, chị đã gặp lại anh để rồi gần 1 năm sau, hai người nên vợ nên chồng.

Lấy chồng bộ đội chẳng khác gì ông Ngâu - bà Ngâu. Cưới xong có 3 ngày là Khang lại phải về đơn vị cách Hà Nội hơn trăm cây số. Tết ấy, đơn vị ưu tiên cho Khang nghỉ một tuần nhưng khi biết tin Thuận có mang, Khang đã không nghỉ Tết, dành phép cho ngày vợ đẻ.

Tết ấy, Thuận một mình "Tết cha" - "Tết mẹ". Nhìn con dâu túi to túi nhỏ một mình về nhà chồng đón Tết, cả nhà Khang, nhất là mẹ chồng, cảm động lắm. Bà cứ xuýt xoa: "Con đang mang thai, phải biết giữ sức khỏe chứ! Con không về, mọi người cũng hiểu, không trách con đâu. Mà có về thì về không cũng được. Hai mẹ con khỏe mạnh là quý chứ quý gì quà cáp".

Tết ấy, Thuận không phải làm gì, "giặc bên Ngô" còn dẫn đi chơi, kể những chuyện nghịch ngợm của hai anh em ngày nhỏ.

Ngày mồng 2 Tết, cậu người yêu của "giặc bên Ngô" lái taxi, xung phong: "Em rể tương lai mừng tuổi chị dâu đầu năm một cuốc xe về nhà ngoại". Thuận còn đang lúng túng thì mẹ chồng tặc lưỡi: "Con cứ đi thoải mái. Cậu ấy đang cần tích điểm với cái Oanh nhà này đấy".

Hôm ấy, mẹ chồng gửi bao nhiêu là quà sang cho ông bà thông gia khiến Thuận ngại vô cùng. Cô em chồng nháy mắt: "Chị không phải ngại, mẹ đang dạy con rể tương lai phải chu đáo với nhà vợ đấy". Chàng rể tương lai cười hí hí: "Anh thông minh, học một biết mười, em không phải lo. Có lo là lo xây thêm nhà để chứa quà (rồi cậu vỗ thình thịch vào ngực), quà to thế này cơ mà... hí hí hí..."

Tết năm ấy, tuy không có chồng ở bên nhưng Thuận không thấy cô đơn. Mọi người chẳng để Thuận có thời gian buồn, nhà lúc nào cũng đông như hội. Họ đến thăm dâu mới.

Tết năm thứ hai, Khang cũng không về vì anh đã dành hết ngày nghỉ cho đợt vợ đẻ. Thuận buồn ghê gớm, chị chẳng muốn mua sắm, dọn dẹp gì nữa. Tết có vợ có chồng thì còn có khách có khứa, còn muốn bầy ăn bầy uống, còn đi chơi đây chơi đó chứ một mình với con thì có khác gì ngày thường. Nhưng đến chiều 30 Tết, mẹ chồng gửi xe lên cho chị bao nhiêu là thịt lợn, thịt gà, cá chép, cá quả và các loại quả trong vườn.

Đến mồng 2 Tết thì mẹ chị "lên ăn Tết với hai mẹ con...". Thế là một cái tết vui vẻ, không có chồng ở bên qua đi.

Thuận tin chắc năm sau, sẽ được ăn Tết với chồng nhưng gần Tết, Khang lại thông báo: Tết anh phải trực, mồng 4 Tết mới về được.

Mồng 4 Tết là hết Tết, là Thuận phải đi làm.

Vắng chồng thật cô đơn, thật buồn. Nhưng vắng chồng những ngày Tết thì nỗi buồn và sự cô đơn tăng lên gấp bội. Thuận đã có bao nhiêu kế hoạch để cùng chồng Tết này đi chơi, thăm người thân, bạn bè và cả lịch chỉ dành riêng cho hai vợ chồng. Cả năm bận bịu, chẳng lúc nào để đi thăm hỏi nhau. Cái gì cũng để dành đến mấy ngày Tết. Vợ chồng xa nhau, có biết bao điều để kể, để nói. Cứ nghĩ đến lại mong. Vậy mà... Thất vọng quá!

Nhưng... ngày nào anh về thì ngày ấy là Tết. Thuận tủm tỉm cười một mình, thầm nghĩ: Lấy chồng bộ đội hơn hẳn người khác, có bao nhiêu là ngày Tết.

Tết của vợ lính - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Mãi đến cái tết thứ năm hai người nên vợ nên chồng Khang mới được về ăn Tết. Khi ấy, Thuận thấm thía: Vì sao ông bà Ngâu gặp nhau lại khóc.

Khang vừa mở cửa ra, Thuận mừng đến bật khóc khiến Khang hoảng hốt không biết nhà có chuyện gì.

Hôm ấy, Thuận gội đầu, Khang sấy tóc cho Thuận, mắt Thuận rơm rớm. Ngồi ăn cơm cùng chồng, cảm giác rất lạ làm Thuận nao lòng, nước mắt lại chảy ra. Khoác tay chồng đi đón giao thừa mà vẫn nôn nao hạnh phúc, nghe tiếng pháo giao thừa, biết hạnh phúc thêm một tuổi nước mắt lại trào ra.

Thuận thầm nghĩ, hạnh phúc đến chảy nước mắt thì chỉ có người vợ lính mới có hạnh phúc đến độ ấy!


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm