pnvnonline@phunuvietnam.vn
5 nguyên tắc cần nhớ để bảo vệ sức khỏe hô hấp khi du xuân trong mùa cúm
Giao mùa đông - xuân không chỉ mang theo sự bùng phát của virus cúm mà còn bao gồm nhiều nguy cơ sức khỏe khác do nhiệt độ lạnh, mưa nhiều, thời tiết thay đổi thất thường tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nhiều loại virus, vi khuẩn sinh sôi phát triển mạnh mẽ và gây bệnh thông qua đường hô hấp, tiêu hóa,... Các bệnh phổ biến trong mùa đông xuân có thể kể đến như sởi, rubella, thủy đậu, tay chân miệng, ho gà, viêm não mô cầu, tiêu chảy, bệnh liên cầu khuẩn và bệnh cúm, viêm phổi.
Chính vì vậy bảo vệ sức khỏe đường hô hấp rất quan trọng, đặc biệt là vào thời điểm "người người nhà nhà" du xuân, dễ làm tăng nguy cơ lây lan bệnh ngoài cộng đồng hơn.
Dưới đây là 5 nguyên tắc cần nhớ để đảm bảo du xuân an toàn khi vào mùa bệnh hô hấp:
1. Đeo khẩu trang
Theo CDC, đối với tất cả mọi người từ 2 tuổi trở lên, việc đeo khẩu trang ở những khu vực lưu thông gió kém, chẳng hạn như trên các phương tiện công cộng gồm xe buýt, tàu điện ngầm, tàu hỏa, máy bay có thể giúp hạn chế sự tiếp xúc và lây lan của các bệnh về đường hô hấp. Điều này đặc biệt đúng nếu trong phạm vi xung quanh bạn có người đang ho, hắt hơi, sổ mũi hay các triệu chứng bệnh hô hấp khác mà bạn lại không thể di chuyển ra xa họ.
Nên đeo khẩu trang nào? Nhìn chung hầu hết các loại khẩu trang đều có thể giúp ngăn ngừa sự tiếp xúc với vi khuẩn, virus trong không khí. Điều quan trọng là không tái sử dụng khẩu trang y tế dùng một lần. Trong trường hợp muốn sử dụng khẩu trang vải, bạn cần giặt khẩu trang và khử khuẩn sạch sau mỗi lần sử dụng.
Đồng thời hạn chế dùng tay chạm vào mặt ngoài của khẩu trang, tránh vô tình đưa bụi bẩn hay virus, vi khuẩn bám ở mặt ngoài khẩu trang dính vào mắt, mũi, miệng. Vì thế, hãy cẩn thận khi tháo khẩu trang, bắt đầu từ dây đeo tai rồi bỏ ngay vào máy giặt hoặc thùng rác, sau đó rửa tay thật sạch sẽ.
Cuối cùng, một nguyên tắc luôn luôn đúng trong việc lựa chọn khẩu trang cho cả người lớn và khẩu trang cho trẻ em đó là: Khẩu trang phải vừa vặn với khuôn mặt, nếu không sẽ không có hiệu quả bảo vệ đường hô hấp. Nói cách khác, đảm bảo khi đeo khẩu trang không có khoảng trống dưới cằm, bên trên mũi và các bên của khẩu trang để ngăn các giọt bắn từ không khí tiếp xúc với miệng và mũi từ đó giảm nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp.
Cách kiểm tra xem khẩu trang có vừa vặn với mặt không:
+ Khum bàn tay xung quanh viền khẩu trang.
+ Đảm bảo không có không khí thoát ra ở điểm gần mắt hay từ các viền khẩu trang.
+ Nếu khẩu trang vừa khít, bạn sẽ cảm thấy không khí ấm ở mặt trước của khẩu trang và có thể thấy khẩu trang chuyển động lên xuống theo từng nhịp thở.
2. Rửa tay thường xuyên
Một nguyên tắc quan trọng để bảo vệ sức khỏe hô hấp trong bất cứ hoàn cảnh nào, bao gồm cả khi đi chơi, du lịch chính là luôn rửa tay thường xuyên. Rửa tay đúng cách và thường xuyên có thể giúp giảm đáng kể nguy cơ nhiễm và lây lan vi trùng gây bệnh hô hấp, tiêu hóa,....
Theo đó, cần đảm bảo rửa tay bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây, đặc biệt là sau khi chạm vào các bề mặt nhiều người tiếp xúc như tay nắm cửa nhà vệ sinh, bàn ăn, lưng ghế trên xe hoặc trên máy bay,...
Hướng dẫn các bước rửa tay đúng cách:
+ Bước 1: Làm ướt hai bàn tay với nguồn nước sạch. Sau đó lấy một lượng xà phòng hoặc dung dịch rửa tay vừa phải cho vào lòng bàn tay. Lượng dung dịch được lấy ở mức 3 đến 5 ml được xem là vừa đủ để làm sạch hai bàn tay. Tiếp đó xoa hai lòng bàn tay vào nhau, lặp lại hành động chà xát nhiều lần.
+ Bước 2: Dùng cả bàn tay để nắm gọn và xoay những ngón tay của bên còn lại. Đổi bên và cũng thực hiện lại các bước tương tự.
+ Bước 3: Dùng lòng bàn tay của bên này để chà xát mu bàn tay bên kia. Tiếp đó đổi bên và lặp lại các động tác.
+ Bước 4: Kỳ cọ thật kỹ ở các kẽ ngón tay. Có thể dùng ngón tay của bàn tay bên này để chà xát các kẽ món của bàn tay bên kia. Sau đó đổi bên và lặp lại các thao tác.
+ Bước 5: Làm sạch 5 đầu ngón tay bằng cách chụm chúng vào nhau. Tiếp đó cọ vào lòng của bàn tay kia và xoay đi xoay lại.
+ Bước 6: Mở nước và xả sạch tay, kỳ cọ để tay sạch hết bọt xà phòng và dung dịch rửa tay. Dùng khăn giấy sạch dùng một lần hoặc khăn lau sạch để lau khô cho tay.
Trong trường hợp không thể dùng xà phòng rửa tay, bạn có thể cân nhắc sử dụng nước rửa tay khô với ít nhất 60% cồn để đảm bảo hiệu quả khử trùng. Nồng độ cồn càng cao thì hiệu quả càng cao. Nếu như nồng độ cồn dưới 60% thì dung dịch rửa tay khô chỉ có tác dụng giảm sự phát triển của vi khuẩn chứ không thể tiêu diệt được chúng một cách triệt để. Khi dùng, nên chà gel sát khuẩn lên toàn bộ bề mặt của bàn tay và ngón tay cho tới khi tay khô hẳn.
Cuối cùng, ở những nhà vệ sinh công cộng, đối với các vòi nước, máy sấy khô tay,... nhiều người chạm nắm vào có mức độ vi trùng tương tự đối với các vị trí trên tay nắm cửa, tiền mặt,... Vì thế, khi rửa tay ở những nơi công cộng, cần chú ý hạn chế để không chạm vào bất kỳ phần nào của chai nước rửa tay, tay nắm cửa, vòi nước sau khi đã rửa tay xong.
Lời khuyên là bạn có thể dùng cùi chỏ để đóng van vòi nước rửa tay và một miếng giấy sạch khác để mở cửa ra vào rồi bỏ tờ giấy đó đi để làm một "rào cản" với bàn tay vừa được rửa sạch sẽ của mình.
3. Giữ khoảng cách, tránh tiếp xúc gần với người có triệu chứng bệnh hô hấp
Như đã nói, để bảo vệ tránh việc tiếp xúc với vi khuẩn, virus thì cần đảm bảo giữ khoảng cách an toàn với người khác, nhất là với người có các triệu chứng hô hấp như bệnh cảm lạnh, cảm cúm gồm: Sổ mũi, hắt hơi, ho,... Nhất là khi đi du lịch, các buổi tụ tập, tiệc tùng hay đi chùa rất phổ biến. Nguy cơ lây nhiễm cộng đồng khi tập trung, tụ tập đông người là rất cao ngay cả khi chỉ có mầm bệnh rất nhỏ.
Nói cách khác, giữ khoảng cách an toàn là một biện pháp quan trọng trong việc ngăn ngừa các bệnh hô hấp, bởi vì nó giúp hạn chế tiếp xúc trực tiếp và giảm khả năng phơi nhiễm với những giọt bắn chứa virus từ người này sang người khác. Khi một người ho, hắt hơi hoặc thậm chí nói chuyện, họ có thể phát tán các giọt bắn chứa virus cúm hoặc các loại virus gây bệnh hô hấp khác vào không khí xung quanh. Khoảng cách an toàn (thường là khoảng 1 mét) giúp giảm đáng kể việc hít phải những giọt bắn này và giảm nguy cơ lây lan bệnh.
4. Giữ ấm cơ thể đúng cách
Vào mùa đông - xuân, nhiệt độ không khí dao động mạnh nên đi du xuân cần kiểm tra kỹ thời tiết ở các địa điểm mà bạn đến để chuẩn bị quần áo cho phù hợp. Với các khu vực có nhiệt độ lạnh thì giữ ấm cơ thể đặc biệt quan trọng.
Bởi thời tiết lạnh khiến mạch máu dưới da co lại, gây giảm lưu thông máu tới niêm mạc đường hô hấp như mũi họng và khiến lớp màng nhầy bảo vệ niêm mạc đường hô hấp dễ dàng bị khô. Điều này góp phần khiến "hàng rào phòng vệ đầu tiên" của cơ thể bị suy giảm, ảnh hưởng tới sức đề kháng từ đó tạo điều kiện cho các loại virus, vi khuẩn và nấm dễ dàng tấn công cơ thể thông qua mũi, miệng và gây ra nhiều bệnh hô hấp.
Đặc biệt ở người sẵn có các bệnh hô hấp hoặc tiền sử bệnh như viêm phổi, viêm phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, viêm thanh quản,... Kết hợp với điều kiện vệ sinh kém sạch sẽ tại địa điểm du lịch, không khí đục với nhiều mạt bụi và vi nấm khiến các yếu tố nguy cơ gây bệnh cũng tăng lên rất nhiều.
Đồng thời, việc giữ ấm cũng giúp cơ thể không cần phải dùng nhiều năng lượng để tự sưởi ấm, cho phép dùng năng lượng đó vào các chức năng miễn dịch khác. Theo đó cần giữ ấm vùng đầu cổ, lưng ngực, bụng, chân tay,...; mặc quần áo nhiều lớp để dễ dàng điều chỉnh. Sau một ngày di chuyển mệt mỏi, có thể ngâm chân với nước ấm để tăng hiệu quả giữ ấm cơ thể và lưu thông máu.
5. Ăn uống lành mạnh và nghỉ ngơi đầy đủ
Lịch trình du xuân dày đặc đôi khi ảnh hưởng tới chế độ ăn uống và ngủ nghỉ của nhiều người. Điều này có thể "vô tình" ảnh hưởng tới hoạt động của hệ miễn dịch, gây suy giảm đề kháng và tạo cơ hội cho các vi sinh vật gây bệnh hô hấp xâm nhập và phát triển bệnh.
Theo đó, cần đảm bảo chế độ ăn uống lành mạnh, giàu các thực phẩm chứa nhiều vitamin, khoáng chất và các chất chống oxy hóa hỗ trợ tăng cường chức năng miễn dịch của cơ thể chẳng hạn như rau xanh, trái cây tươi đồng thời uống đủ nước Nên ngủ đủ ít nhất 7-8 tiếng một ngày với người trưởng thành để cơ thể có thể phục hồi và tái tạo năng lượng hợp lý.
Cuối cùng, ngoài 5 nguyên tắc để bảo vệ sức khỏe hô hấp thì tiêm phòng các loại vaccine ngừa bệnh hô hấp như cúm, phế cầu,... ít nhất 2 tuần trước khi đi du lịch cũng rất quan trọng. Điều này giúp cơ thể tạo ra các kháng thể đặc hiệu giúp chống lại các tác nhân gây bệnh, giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh cũng như biến chứng nặng khi nhiễm virus, vi khuẩn gây bệnh.
Trong khi du xuân, nếu bạn bắt đầu cảm thấy không khỏe trong hoặc sau chuyến đi, điều quan trọng là phải hành động nhanh chóng để giảm nguy cơ lây bệnh cho người khác. Các triệu chứng như sốt, ho hoặc mệt mỏi có thể báo hiệu sự khởi phát của bệnh.