Bệnh cúm và viêm phối: Mối liên hệ nguy hiểm không nên coi thường

Châu Anh (Tổng hợp)
07/02/2025 - 15:10
Bệnh cúm và viêm phối: Mối liên hệ nguy hiểm không nên coi thường
Virus cúm là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm phổi do virus, đặc biệt là ở trẻ nhỏ, người già, phụ nữ mang thai hoặc người sẵn có các bệnh mãn tính. Viêm phổi do cúm có thể nguy hiểm tới tính mạng, tuyệt đối không nên coi thường.

Bệnh cúm được hiểu là bệnh lý xảy ra do nhiễm virus cúm, virus nhanh chóng xâm nhập và nhân lên trong đường hô hấp trên và dưới bao gồm mũi, họng, phế quản và phổi. Trong đó có 3 phân loại virus cúm phổ biến thường gặp ở người bao gồm cúm A, cúm B và cúm C; cúm A và cúm B có thể bùng phát và gây bệnh theo mùa (phổ biến trong mùa thu đông, đông xuân) nên có thể được gọi là cúm mùa.

Bệnh cúm là bệnh có khả năng lây lan cao và rất nhanh thông qua tiếp xúc với dịch tiết mang virus cúm của người bệnh như hắt hơi, ho,... Virus gây bệnh cảm cúm có thể sống trên bề mặt cứng trong thời gian lên tới 48 giờ. Phần lớn virus cảm cúm tồn tại ở những phân tử nước lơ lửng trong không khí.

Bệnh cúm và viêm phối: Mối liên hệ nguy hiểm không nên coi thường- Ảnh 1.

Bệnh cúm là bệnh có khả năng lây lan cao và rất nhanh (Ảnh: ST)

Viêm phổi là tình trạng nhu mô phổi bị nhiễm trùng (sưng) bao gồm viêm phế nang (các túi khí nhỏ), túi phế nang, ống phế nang, tổ chức liên kết khe kẽ và viêm tiểu phế quản tận cùng do vi khuẩn, virus hay nấm gây ra. Trong đó, theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có đến 30% trường hợp các ca bị viêm phổi do nhiễm virus, đứng thứ 2 sau viêm phổi do vi khuẩn.

1. Mối liên hệ giữa bệnh cúm và viêm phổi

Không phải lúc nào bệnh cúm cũng chuyển thành viêm phổi, nhưng có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị viêm phổi do virus cúm mà bạn cần chú ý. Theo đó, nhóm có nguy cơ cao gặp biến chứng viêm phổi do cúm bao gồm:

+ Người già trên 60 tuổi có hệ miễn dịch suy yếu.

+ Trẻ nhỏ, nhất là nhóm trẻ dưới 5 tuổi có miễn dịch chưa hoàn thiện.

+ Người sẵn có các bệnh mãn tính như tiểu đường, bệnh tim, bệnh thận, tăng huyết áp, bệnh suy giảm miễn dịch,... đặc biệt là các bệnh phổi như phổi tắc nghẽn mãn tính.

+ Người thừa cân, béo phì.

+ Phụ nữ mang thai.

+ Người nghiện thuốc, nghiện rượu.

Cúm có thể dẫn đến viêm phổi theo hai cách khác nhau: Viêm phổi nguyên phát (viêm phổi do virus cúm) và viêm phổi thứ phát (viêm phổi do bội nhiễm thêm vi khuẩn sau khi nhiễm virus cúm). Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, viêm phổi do cúm có thể đe dọa tới tính mạng của người bệnh. Các biến chứng viêm phổi khác bao gồm: Áp xe phổi, tràn dịch màng phổi, suy hô hấp, nhiễm trùng huyết, suy tim, suy thận,...

Bệnh cúm và viêm phối: Mối liên hệ nguy hiểm không nên coi thường- Ảnh 2.

Không phải lúc nào bệnh cúm cũng chuyển thành viêm phổi (Ảnh: ST)

- Viêm phổi do virus

Như đã nói, virus cúm là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra viêm phổi do virus. Virus cúm đi xuống phổi, khiến các túi khí trong phổi bị nhiễm trùng và sưng viêm. Các triệu chứng viêm phổi do virus thường tiến triển đều đặn trong vài ngày, biểu hiện bằng cách triệu chứng dai dẳng như ho khan, đau họng, đau đầu, sốt, đau nhức cơ thể từ 3 - 5 ngày. Sau khoảng 1 ngày thì cơn sốt có thể trở nên trầm trọng hơn và bản thân người bệnh cảm thấy dường như không thể thở được bình thường.

Khi thăm khám có thể quan sát thấy người bệnh thở khò khè, thở rút lõm lồng ngực, trẻ em bị viêm phổi do virus thường có môi và da màu tái xanh do thiếu oxy.

- Viêm phổi do vi khuẩn

Là tình trạng bội nhiễm thêm các vi khuẩn khác sau khi nhiễm virus cúm. Nghĩa là, trước đó người bệnh bị cúm do virus cúm xâm nhập khiến cho hệ miễn dịch bị suy yếu, từ đó tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công khi tiếp xúc và gây ra bệnh do vi khuẩn. Các vi khuẩn gây viêm phổi có thể kể đến như: Streptococcus pneumoniae, Legionella pneumophila, Haemophilus influenzae, Mycoplasma pneumoniae, Chlamydia pneumoniae,… Theo thống kê, phế cầu khuẩn (còn gọi là Streptococcus pneumoniae) được biết là “thủ phạm” nguy hiểm và thường gặp nhất trong nhóm viêm phổi do vi khuẩn.

Bệnh cúm và viêm phối: Mối liên hệ nguy hiểm không nên coi thường- Ảnh 3.

Biến chứng viêm phổi do cúm cần đặc biệt chú ý (Ảnh: ST)

Viêm phổi do vi khuẩn thường có triệu chứng nghiêm trọng hơn so với viêm phổi do virus và cần được điều trị bằng kháng sinh, cụ thể: Ho đờm màu xanh lá cây, vàng, có thể lẫn máu; ớn lạnh; mệt mỏi nghiêm trọng; chán ăn; đau ngực dữ dội hoặc đau nhói, nhất là khi ho hoặc khi hít thở sâu; vã mồ hôi nhiều; thở nhanh, nhịp tim nhanh; môi và móng tím xanh; lú lẫn nếu là người lớn tuổi.

Ngoài virus cúm thì viêm phổi do vi khuẩn có nguy cơ cao gặp ở người đang hồi phục sau phẫu thuật, người mắc các bệnh hô hấp mãn tính, trẻ dưới 5 tuổi, người cao tuổi và người có hệ miễn dịch suy yếu.

2. Cách ngăn ngừa biến chứng viêm phổi do cúm

Để ngăn ngừa biến chứng viêm phổi do cúm, khi bị cúm cần chú ý tới các biện pháp chăm sóc sức khỏe giảm nhẹ triệu chứng bệnh cũng như các dấu hiệu cúm chuyển nặng để thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt.

Cụ thể, khi bị cúm người bệnh cần: Nghỉ ngơi ở nhà, uống đủ nước, ngủ càng nhiều càng tốt để cơ thể có thời gian phục hồi, sử dụng thuốc không kê đơn để giảm các triệu chứng như ho/nghẹt mũi/sổ mũi/sốt/đau mỏi cơ thể,... Đồng thời chú ý vệ sinh cá nhân sạch sẽ, giữ khoảng cách với các thành viên trong gia đình tránh lây lan. Thực thế thì cảm cúm có thể tự khỏi nếu như người bệnh được chăm sóc đúng cách và có chế độ dinh dưỡng phù hợp để tăng sức đề kháng chống lại các tác nhân gây bệnh.

Các triệu chứng cúm thường kéo dài khoảng 7 - 10 ngày và giảm dần. Trong đó, có một vài triệu chứng cúm nghiêm trọng nhất chỉ xảy ra trong 2 - 3 ngày. Sau đó người bệnh sẽ có thể tiếp tục cảm thấy mệt mỏi, suy nhược cơ thể và ho thêm trong khoảng 1 - 2 tuần nữa sau khi phục hồi.

Các triệu chứng cúm chuyển nặng cần nhanh chóng thăm khám bác sĩ bao gồm: Các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn và không thuyên giảm sau 7 - 10 ngày; khó thở, thở nhanh, thở rút lõm lồng ngực; đau tức vùng ngực, vùng bụng; lú lẫn, đau đầu kéo dài; sốt cao trên 40 độ C; co giật; đau mỏi cơ nghiêm trọng ảnh hưởng tới khả năng di chuyển bình thường; các bệnh lý mãn tính sẵn có chuyển nặng; dấu hiệu mất nước như tiểu ít, bí tiểu, khô môi, khô mắt, khóc không nước mắt,...

Nhìn chung, viêm phổi do cúm là biến chứng nguy hiểm nhưng không phải ai cũng gặp. Do dấu hiệu viêm phổi đôi khi dễ nhầm lẫn với triệu chứng cúm khác nên nhiều người chủ quan mà bỏ qua, dẫn tới việc điều trị chậm trễ, gây ra nhiều rủi ro đối với sức khỏe, nhất là với người có miễn dịch kém, người có bệnh lý nền, bệnh phổi mãn tính.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm