5 dấu hiệu cảnh báo trẻ bị cúm cần nhập viện khẩn cấp

Hoàng Nguyên
07/02/2025 - 10:13
5 dấu hiệu cảnh báo trẻ bị cúm cần nhập viện khẩn cấp

Ảnh minh họa

Trẻ em là đối tượng rất dễ mắc bệnh cúm, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Khi chăm sóc trẻ bị cúm, bố mẹ cần nắm rõ những triệu chứng thông thường và triệu chứng phải nhập viện khẩn cấp.

Cúm mùa là gì?

Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Bệnh xảy ra hàng năm, thường vào mùa đông xuân. Bệnh lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn khi nói chuyện, ho, hắt hơi.

Cúm mùa có 4 chủng virus là A, B, C, D. Tại Việt Nam các virus gây bệnh cúm mùa thường gặp lại cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B.

Trẻ em là đối tượng dễ mắc phải bệnh cúm, khi mắc bệnh, trẻ thường bị lâu hơn so với người lớn.

Các đường lây nhiễm cúm cho trẻ

Lây trực tiếp từ người sang người: Trẻ tiếp xúc trực tiếp với người bị cúm, thông qua giao tiếp, nói chuyện, bắt tay, ôm hôn, hoặc khi người bị cúm ho, hắt hơi sẽ lây truyền virus trực tiếp sang trẻ thông qua giọt bắn.

Lây gián tiếp qua bề mặt đồ vật: Khi người bị cúm ho, hắt hơi sẽ làm phát tán virus trên bề mặt các đồ vật. Nếu trẻ tiếp xúc với đồ vật có chứa virus bằng tay và dùng tay đưa lên mắt, mũi, miệng sẽ bị lây nhiễm virus.

Lây gián tiếp qua môi trường sống hàng ngày: Môi trường công cộng hoặc nhà trẻ, trường học có nhiều trẻ khác bị cúm, khi ho, hắt hơi,... sẽ phát tán vào không khí những giọt bắn, dịch có chứa virus.

Dấu hiệu cảnh báo trẻ phải nhập viện khẩn cấp

Theo bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, triệu chứng của bệnh cúm ở trẻ thường bị nhầm với cảm lạnh do thời tiết thông thường, tuy nhiên các triệu chứng của cúm thường nghiêm trọng hơn. Sau 1 - 2 ngày bị lây nhiễm, trẻ bị nhiễm virus cúm và mắc bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng phổ biến như: Sốt (>38 độ C); Nghẹt mũi, sổ mũi (dịch trong mũi có thể không màu, hoặc có màu vàng, màu xanh); Đau họng, ho; Nhức đầu, mệt mỏi, đau nhức khiến trẻ khó chịu, hay quấy khóc, khó ngủ; Biếng ăn, nôn mửa, có thể bị tiêu chảy.

Tuy nhiên, nếu thấy trẻ có 1 trong số 5 triệu chứng dưới đây, bố mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện:

Thứ nhất: Sốt cao liên tục từ 39 độ trở lên, không đáp ứng thuốc hạ sốt hoặc co giật

Thứ hai: Khó thở, thở nhanh hoặc nhịp thở bất thường

Thứ ba: Đau ngực, hoặc đau cơ dữ dội

Thứ tư: Tím môi và đầu chi, tay chân lạnh

Thứ năm: Trẻ li bì, mệt mỏi, ăn kém, nôn trớ nhiều.

Khi trẻ có 1 trong 5 dấu hiệu trên, cần đưa trẻ tới bệnh viện thăm khám. Ảnh: BV Nhi TƯ.

Biến chứng nguy hiểm của cúm với trẻ em

Thông thường, bệnh diễn biến nhẹ thì trẻ sẽ hồi phục sau 5-7 ngày.

Tuy nhiên, với trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, trẻ có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch… cúm mùa có thể diễn biến nặng, gây biến chứng nguy hiểm như: Suy hô hấp, viêm phổi, viêm thanh khí phế quản, Viêm tai giữa, Viêm não, Viêm cơ tim, Nhiễm khuẩn thứ phát, Làm trầm trọng hơn tình trạng của bệnh nhi mắc bệnh nền, gia tăng nguy cơ tử vong.

Trẻ nào sẽ dễ bị biến chứng khi bị cúm?

Đối tượng nguy cơ dễ mắc cúm biến chứng bao gồm: Trẻ em dưới 5 tuổi, suy dinh dưỡng, béo phì, hen phế quản hoặc bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh… sẽ dễ mắc cúm nhiều hơn và nếu không được thăm khám, điều trị kịp thời sẽ dễ bị biến chứng.

Làm thế nào khi trẻ em bị cúm?

Khi trẻ có dấu hiệu bị cúm, bố mẹ theo dõi kỹ sức khỏe của con, tuyệt đối không tự ý mua thuốc cho con uống.

Đo nhiệt độ của trẻ thường xuyên để kiểm tra mức độ sốt. Bố mẹ nên sử dụng nhiệt kế chính xác và đọc vài lần trong ngày, đặc biệt là trước khi cho trẻ uống thuốc hạ sốt. Nếu nhiệt độ của trẻ cao, bố mẹ có thể xin tư vấn với bác sĩ về việc sử dụng thuốc hạ sốt như paracetamol theo liều lượng chỉ định. Trong trường hợp trẻ sốt cao không có dấu hiệu cải thiện, bố mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế, bệnh viện để được hỗ trợ kịp thời.

Khi bị cúm, trẻ biếng ăn, mệt mỏi, bố mẹ nên lựa chọn những thực phẩm dễ ăn, mềm, ở dạng lỏng và nhiều dưỡng chất, hạn chế các đồ ăn nhanh hoặc thực phẩm chứa chất béo không lành mạnh…. Đồng thời, bố mẹ cũng nên bổ sung đủ nước cho con để tránh mất nước và điện giải. Ngoài ra, bố mẹ khi chăm sóc trẻ bị cúm nên bổ sung các loại vitamin, điện giải, trái cây, nước ép,...

Bố mẹ tuyệt đối không được dùng nước lạnh, rượu hay cồn để lau người cho trẻ, tránh nguy cơ trẻ bị nhiễm lạnh, gặp các biến chứng nguy hiểm hơn.

Trẻ bị cúm nên được nghỉ ngơi nhiều hơn. Trong đó, giấc ngủ chất lượng sẽ giúp trẻ đẩy lùi virus, chống lại cảm cúm và có thêm nhiều năng lượng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm