5 nữ doanh nhân có ảnh hưởng nhất Việt Nam hiện nay

20/10/2017 - 18:09
Trong những năm qua, nhiều gương mặt nữ doanh nhân đã nổi lên trên thương trường, không chỉ làm phong phú diện mạo của giới doanh nhân Việt Nam, mà còn góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế của đất nước.
Chu Thị Thanh Hà - Chủ tịch HĐQT FPT Telecom, Công ty cổ phần Viễn thông FPT

Bà Chu Thị Thanh Hà sinh năm 1974, gia nhập Công ty CP FPT (mã FPT) khi đang là sinh viên năm thứ 4, ĐH Kinh tế Quốc dân (tháng 12/1993). Năm 1995, bà đảm nhiệm vị trí trợ lý của Tổng giám đốc Trương Gia Bình.
 
chu-thanh-ha.jpg
Bà Chu Thị Thanh Hà

Đầu năm 1997, ông Trương Đình Anh thành lập Trung tâm Dữ liệu trực tuyến (FPT Online eXchange - FOX) tiền thân của FPT Telecom bây giờ. Bà Hà cùng tham gia và gắn bó với nơi này cho đến hiện tại.

Trải qua nhiều vị trí quan trọng tại FPT, hiện bà Hà đảm nhận chức vụ Chủ tịch HĐQT FPT Telecom (FTC) - doanh nghiệp hàng năm có doanh thu nghìn tỉ đồng. Bà Hà là vợ của ông Lê Thế Hùng - 1 trong 14 thành viên sáng lập ban đầu của FPT.

Chia sẻ về những dự định của mình, bà cho biết: “Chúng tôi sẽ đưa người dùng internet của FPT Telecom vào một hệ sinh thái sinh động của những dịch vụ tiện ích, tích hợp, mang lại nhiều giá trị cho từng gia đình, cộng đồng và xã hội. Tôi mong muốn một ngày không xa, mỗi người dân Việt Nam được sử dụng ít nhất một dịch vụ do FPT Telecom cung cấp”.

Phạm Thị Huân - Tổng giám đốc Công ty TNHH Ba Huân

Năm 2016, bà Phạm Thị Huân (tên thường gọi Ba Huân) vinh dự nhận giải thưởng “Nông dân điển hình” của FAO (Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực thế giới của Liên hợp quốc) khu vực châu Á- Thái Bình Dương cho những thành tích xuất sắc trong sản xuất nông nghiệp khi biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng.
pham-thi-huan.jpg
Bà Phạm Thị Huân

Bà đã giúp nhiều hộ nông dân vùng đồng bằng sông Mê Kông chuyển dịch từ trồng trọt sang nuôi vịt lấy trứng bán, do tác động của biến đổi khí hậu khiến việc trồng lúa và các cây mùa vụ khác gặp khó khăn; tạo công ăn việc làm cho hàng triệu nữ nông dân và giúp họ cải thiện vị thế trong cộng đồng.

Bà vào nghề kinh doanh trứng gia cầm từ năm 16 tuổi, sau hơn 40 năm trong nghề, bà được mệnh danh là “nữ hoàng hột vịt” - người mang công nghệ trứng sạch đầu tiên về Việt Nam, người định giá thị trường trứng sạch mỗi ngày ở Nam bộ cùng chuỗi liên kết sạch từ trang trại tới bàn ăn với hơn 1.000 đại lý và điểm phân phối trứng sạch, chiếm hơn 50% thị phần trứng sạch TPHCM và đã “Bắc tiến” với một nhà máy ở Phú Thọ.

Mai Kiều Liên - Tổng giám đốc Vinamilk

Gắn bó với Vinamilk 37 năm, hơn 20 năm ở cương vị người đứng đầu, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, bà Mai Kiều Liên - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam - đã đưa Vinamilk trở thành 1 thương hiệu lớn, lọt vào danh sách 200 doanh nghiệp xuất sắc nhất tại khu vực châu Á-Thái Bình dương từ năm 2010 và đang hiện thực hóa tham vọng đưa Vinamilk đạt doanh thu 3 tỉ USD, nằm trong top 50 doanh nghiệp sữa lớn nhất thế giới vào năm 2017.
mai-kieu-lien.jpg
Bà Mai Kiều Liên

Bà Liên quan niệm, làm doanh nghiệp luôn phải xây dựng kế hoạch dài hạn để chủ động trong mọi tình thế. Mỗi năm phải xem lại, phân tích yếu tố khách quan, chủ quan và có quyết sách phù hợp với tình hình thị trường.

Thêm vào đó, một trong những bí quyết thành công "cốt tử" của Vinamilk, theo bà Liên, muốn có sản phẩm đi đầu trên thị trường thì phải luôn sáng tạo.  Vì thế, bà luôn đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng trong công ty. Bà quyết liệt tới mức: “Đừng bao giờ đưa tôi ký duyệt những sản phẩm mà "người ta làm lời lắm". Phải là sản phẩm mới, đi đầu trên thị trường”.

Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch Sovico Holding, Tổng giám đốc Vietjet Air

Cách đây không lâu, tạp chí Forbes đã vinh danh CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo là nữ tỉ phú duy nhất của khu vực Đông Nam Á với khối tài sản trị giá 1,2 tỉ USD.
nguyen-thi-phuong-thao.jpg
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo

Cũng vào đầu năm nay, trong danh sách The World's Billionaires cập nhật định kỳ hàng năm về các tỉ phú USD trên toàn thế giới, bà Thảo đã chính thức góp mặt, đứng ở vị trí 1.678.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo sinh năm 1970 tại Hà Nội. Sau khi học chuyên ngành Kinh tế và tài chính tại Nga vào những năm 1980, bà Thảo khởi nghiệp kinh doanh hàng hóa tại Đông Âu và châu Á. Bà quay lại Việt Nam từ hơn 10 trước và bắt đầu đầu tư vào ngân hàng, trước khi tham gia các dự án bất động sản lớn tại TPHCM và những khu nghỉ dưỡng ở miền Trung.

Tháng 12/2011, bà Thảo mở hãng hàng không giá rẻ đầu tiên tại Việt Nam mang tên Vietjet. Chỉ 5 năm sau đó, Vietjet Air đã hoàn thành thương vụ IPO trên sàn giao dịch chứng khoán Sài Gòn và hiện chiếm hơn 40% thị phần hàng không trong nước, đạt doanh thu 1,2 tỉ USD.

Vũ Thị Thuận - Chủ tịch HĐQT Trafaco

Con đường trở thành doanh nhân nổi tiếng của bà Vũ Thị Thuận không chỉ có hoa hồng mà còn đầy những khó khăn, trắc trở. Quê Nam Định nhưng sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng, bà nối nghiệp cha theo ngành Dược.
vu-thi-thuan.jpg
Bà Vũ Thị Thuận

Từ khi còn là sinh viên ĐH Dược Hà Nội, bà xác định đã làm là phải đam mê và phải nỗ lực, quyết tâm để sự đam mê đó thăng hoa bằng những việc làm có ý nghĩa thiết thực.

Cuối năm 1999, thực hiện chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Traphaco là đơn vị đầu tiên chuyển sang kinh doanh theo cơ chế tự chủ về tài chính, phát triển theo hướng hiện đại kết hợp với y học cổ truyền.

Đây cũng là lúc tài năng của Giám đốc Vũ Thị Thuận thăng hoa. Bà ý thức rằng: Cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi con người biết đặt ra cho mình những mục đích tốt đẹp để hướng tới, để vươn lên.

Công ty CP Traphaco đã phát triển không ngừng cả về quy mô, chiều sâu, công nghệ. Với việc áp dụng công nghệ mới tiến tiến để phát triển sản phẩm từ nguồn dược liệu thiên nhiên, Traphaco đã trở thành một công ty thành danh tại Việt Nam.

Ngoài việc đảm bảo đời sống ổn định cho cán bộ, công nhân viên, Traphaco còn thực hiện tốt công tác xã hội đầy tính nhân văn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm