5 quan điểm lớn trong hoạt động Hội LHPN Việt Nam nhiệm kỳ 2022 - 2027

Hải Yến. Ảnh: PVH
11/03/2022 - 12:45
5 quan điểm lớn trong hoạt động Hội LHPN Việt Nam nhiệm kỳ 2022 - 2027

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga (thứ ba từ trái qua) và các Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam tại cuộc họp báo sau Đại hội

Sau 3 ngày làm việc tích cực, với ý thức trách nhiệm cao trước phong trào phụ nữ cả nước, Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022 - 2027, đã hoàn thành các nội dung, chương trình đề ra.

Xác định hơn 5.000 sáng kiến vì phụ nữ và trẻ em

Tại cuộc họp báo ngay sau phiên bế mạc Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết, trong khuôn khổ Đại hội, nhiều hoạt động đã diễn ra trang trọng, thiết thực hiệu quả. Trong khuôn khổ thảo luận, 959 đại biểu đã xác định được 5671 sáng kiến vì phụ nữ và trẻ em.

Trên cơ sở quan điểm của Đảng về định hướng phát triển của đất nước, Chiến lược phát triển Hội LHPN Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2035, Hoạt động Hội trong 5 năm tới dự kiến được triển khai theo 5 quan điểm:

Bám sát, cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc, căn cứ thực tiễn và yêu cầu của phong trào phụ nữ trong giai đoạn mới, là cơ sở cho việc nâng cao chất lượng hoạt động Hội, thực hiện tốt chức năng đại diện, vai trò nòng cốt chính trị trong công tác phụ nữ của tổ chức Hội.

Tiếp tục phát huy và kế thừa truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng, sức sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết của phụ nữ; đồng thời chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, đồng hành giải quyết các vấn đề thiết thân của phụ nữ là nhiệm vụ xuyên suốt; lấy hạnh phúc và lợi ích của phụ nữ là mục tiêu; lấy sự đồng thuận và tin tưởng của phụ nữ là thước đo chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức Hội.

Tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, chủ động tham mưu, đề xuất hoàn thiện luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, gia đình, trẻ em và bình đẳng giới, thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng của tổ chức Hội.

Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; đẩy mạnh hội nhập quốc tế; mở rộng tính liên hiệp, tập hợp rộng rãi các tầng lớp phụ nữ trên nguyên tắc dân chủ, tự nguyện là nhiệm vụ then chốt để xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả.

Xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, sáng tạo, tâm huyết, trách nhiệm, giỏi vận động phụ nữ, có khát vọng cống hiến là nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Hội.

Với quan điểm, mục tiêu trong 5 năm tới là phát huy truyền thống, tinh thần đoàn kết, sáng tạo, chủ động hội nhập, ý thức làm chủ của các tầng lớp phụ nữ; xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tích cực xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ. Phấn đấu đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, khẳng định vị thế tổ chức tiên phong hành động vì hạnh phúc của phụ nữ, có tầm ảnh hưởng trong khu vực và quốc tế; góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển đất nước.

Đại hội cũng đã thống nhất biểu quyết thông qua 08 chỉ tiêu cơ bản, 02 khâu đột phá, 03 nhiệm vụ trọng tâm.

Nhiều điểm mới trong chiến lược phát triển Hội LHPN Việt Nam khoá XIII - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, thông tin tại cuộc họp báo

2 điểm mới căn bản trong Điều lệ Hội LHPN Việt Nam

Đại hội thông qua Điều lệ Hội LHPN Việt Nam (sửa đổi, bổ sung) phù hợp với tình hình, nhiệm vụ và đáp ứng yêu cầu của phong trào phụ nữ, công tác Hội LHPN Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới.

Điểm mới căn bản trong điều lệ: 

Một là, công nhận bổ sung quy định về hội viên danh dự nhằm ghi nhận, tôn vinh những người có tầm ảnh hưởng, đóng góp tích cực cho phong trào phụ nữ, hoạt động Hội. 

Hai là, thành lập Ủy ban Kiểm tra các cấp Hội để đảm bảo tập trung xây dựng và thực hiện chuyên nghiệp hơn trong nhiệm kỳ tới nhằm nâng cao vị trí, hiệu lực, hiệu quả của công tác kiểm tra, phát huy sức mạnh và vai trò của đội ngũ Ủy viên Ban Chấp hành các cấp Hội, nhất là khi có vụ việc khiếu kiện phức tạp, kỷ luật cán bộ Hội chủ chốt. 

Việc lập và vận hành hoạt động của Ủy ban Kiểm tra các cấp sẽ theo hướng kiêm nhiệm, không phát sinh biên chế và không có bộ máy chuyên trách độc lập.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm