pnvnonline@phunuvietnam.vn
5 tháng đầu năm: Sản xuất kinh doanh phục hồi nhưng còn chậm, lạm phát tăng nhẹ
Về các chỉ số kinh tế 5 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 3,55% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 4,83%, cao hơn mức CPI bình quân chung. Đầu tư, thu hút vốn đầu tư nước ngoài đầu năm 2023 đã có tín hiệu hồi phục, nhưng còn chậm.
Sản xuất kinh doanh đang phục hồi
Tổng cục Thống kê đã vừa công bố "Báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2023". Từ các chỉ số này, có thể nhận thấy tình hình vẫn còn nhiều khó khăn nhưng các mặt của sản xuất kinh doanh đang phục hồi mạnh mẽ, sẽ có tăng trưởng tích cực hơn trong nửa cuối năm 2023 là điều có thể nhận thấy.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, về thu chi ngân sách Nhà nước: Tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 5/2023 ước đạt 103,4 nghìn tỷ đồng. Lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 769,6 nghìn tỷ đồng, bằng 47,5% dự toán năm và giảm 6% so với cùng kỳ năm trước
Tổng chi ngân sách Nhà nước tháng 5/2023 ước đạt 152 nghìn tỷ đồng; lũy kế 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 653,1 nghìn tỷ đồng, bằng 31,5% dự toán năm và tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 ước đạt 519 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 2.527,1 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,3% (cùng kỳ năm 2022 tăng 6%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng đầu năm 2023 theo giá hiện hành đạt tốc độ tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm từ 2015 trở lại đây.
5 tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt hơn 177 nghìn tỷ đồng, bằng 25,5% kế hoạch năm và tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 bằng 24,9% và tăng 10,8%).
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/5/2023 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 10,86 tỷ USD, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 7,65 tỷ USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Đầu tư, thu hút vốn đầu tư nước ngoài đầu năm 2023 đã có tín hiệu hồi phục, nhưng còn chậm.
Xuất, nhập khẩu 5 tháng đầu năm có nhiều tín hiệu tích cực
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5/2023 ước đạt 29,05 tỷ USD, tăng 4,3% so với tháng trước và giảm 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 136,17 tỷ USD, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 5/2023 ước đạt 26,81 tỷ USD, tăng 6,4% so với tháng trước và giảm 18,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 126,37 tỷ USD, giảm 17,9% so với cùng kỳ năm trước.
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2023, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 37,2 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 43,4 tỷ USD.
Cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng đầu năm 2023 ước tính xuất siêu 9,8 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 8,76 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 18,56 tỷ USD.
Lạm phát cơ bản tăng 4,83%
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2023 tăng 0,01% so với tháng trước. So với tháng 12/2022 CPI tăng 0,4% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,43%. Bình quân 5 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 3,55% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,83%, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,55%).
Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, cả nước có 95 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 19 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 88 nghìn doanh nghiệp, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 17,6 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 5/2023 ước đạt 916,3 nghìn lượt người, giảm 6,9% so với tháng trước và gấp 5,3 lần cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, khách quốc tế đến nước ta ước đạt gần 4,6 triệu lượt người, gấp 12,6 lần cùng kỳ năm trước nhưng vẫn chỉ bằng 63% so với cùng kỳ năm 2019 – năm chưa xảy ra dịch Covid-19.
Báo cáo về đời sống xã hội, con số đáng chú ý nhất là các cơ quan chức năng đã phát hiện 1.594 vụ vi phạm môi trường. Tính chung 5 tháng đầu năm nay đã phát hiện tới 8.350 vụ vi phạm môi trường, trong đó xử lý 7.251 vụ với tổng số tiền phạt là 119 tỷ đồng, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước.
Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng là nhiệm vụ chung. Từ các chỉ số kinh tế xã hội 5 tháng đầu năm 2023, với tình tình hiện nay, các bộ ban ngành đều cùng kiến nghị và đi tìm các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, thức đẩy phát triển, trong đó trọng tâm là tìm giải pháp cho vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Ngân hàng Nhà nước điều hành, giảm mặt bằng lãi suất, giữ ổn định thị trường tiền tệ, tỷ giá và đẩy mạnh các gói tín dụng với các điều kiện cho vay kịp thời, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Thị trường bất động sản, các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản vẫn còn đang rất khó khăn, giảm lãi xuất trong cho vay mua nhà ở là điều hiện nhiều người dân rất quan tâm.
Các tổ chức quốc tế đều tiếp tục đánh giá cao về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức 6,5% năm 2023 và 6,6% vào 2024.
Các chỉ số về kinh tế nêu trên dự báo kinh tế Việt nam có thể tăng trưởng tích cực hơn trong nửa cuối năm 2023 dù vẫn còn nhiều khó khăn.