5 vấn đề tiền bạc khiến vợ chồng "đau đầu"

Bảo Anh.
25/09/2020 - 19:00
5 vấn đề tiền bạc khiến vợ chồng "đau đầu"
Cách giải quyết tốt nhất vấn đề tiền bạc trong hôn nhân đó là hai vợ chồng cần nói chuyện với nhau một cách chân thành về nguyện vọng, mục tiêu và những lo lắng của mình. Hai người giờ đã là vợ chồng, chủ của một gia đình nhỏ, cần biết cách kiểm soát cảm xúc, lắng nghe và tìm cách giải quyết vấn đề.

Trong một cuộc khảo sát ở Mỹ tiến hành trên 2.000 người tham gia về các vấn đề trong gia đình, kết quả cho thấy 30% người tham gia cho rằng tài chính là vấn đề dễ gây căng thẳng nhất trong gia đình, đứng sau đó là sự thân mật (11%), con cái (9%) và quan hệ nội ngoại (4%). Dưới đây là 5 vấn đề tiền bạc các cặp vợ chồng thường gặp nhất:

1. Tiền anh, tiền em, tiền chúng ta

Sự không chia sẻ về tài chính dễ dẫn đến việc các cặp vợ chồng gặp vấn đề về tiền chung, tiền riêng sau khi kết hôn. Mỗi người có một mức thu nhập riêng và các cặp vợ chồng gần đây đều hướng đến việc độc lập kinh tế. Tuy nhiên không phải gia đình nào cũng tìm được tiếng nói chung trong việc chia sẻ chuyện chi tiêu gia đình.

Ai là người trả tiền ăn, tiền điện, tiền nhà hay mỗi người góp bao nhiêu %, góp theo thu nhập hay chia đôi chi phí sinh hoạt cho công bằng... là những điều khiến không ít cặp vợ chồng loay hoay tìm hướng giải quyết. Chưa kể đến việc người này muốn mua quà cho bố mẹ đẻ của mình nhưng lại không đủ để mua quà cho cả bố mẹ của vợ/chồng mình... Nhìn chung, cần có sự thống nhất trước giữa hai người để không lâm vào cảnh khó xử vì tiền anh, tiền tôi, tiền chúng ta.

2. Nợ nần

Đây là điều không ai mong muốn song cũng là thực tế xảy ra ở một bộ phận không nhỏ các gia đình. Đó là khi hai người mắc vào một khoản nợ và nguyên nhân thì đến từ một phía. Đó có thể là người chồng do máu cờ bạc mà thua, một ngày trở về nhà báo với vợ đã nợ hơn 200 triệu hay người vợ nghe bạn bè rủ đầu tư tiền ảo mà mất trắng cả sổ tiết kiệm bấy lâu nay.

Các khoản nợ này rất dễ khiến các cặp vợ chồng rơi vào tranh cãi, thậm chí là dẫn đến đổ vỡ. Người này đổ lỗi cho người kia, chì chiết thay vì tìm cách giải quyết vấn đề trước mắt.

3. Chi tiêu riêng của mỗi người

Tiền chi tiêu riêng của mỗi người trong gia đình cũng là một vấn đề nan giải. Bên ngoài những khoản tiền góp cho chi phí sinh hoạt chung như tiền thuê nhà, tiền học của con, tiền cưới hỏi, đám giỗ... thì mỗi người đều có những khoản cần chi tiêu.

Với đàn ông, đó có thể là tiền để thỉnh thoảng tụ tập với các anh em, tiền đi đá bóng, mua vợt tennis, với các chị em, đó có thể là tiền mua mĩ phẩm, quần áo... Ai cũng có nhu cầu riêng song khi số tiền chi của một người vượt quá ngưỡng cho phép hoặc chi vào những khoản không được phép, đối phương sẽ cảm thấy khó chịu và tranh cãi nổ ra.

4. Chênh lệch thu nhập

Vấn đề này xảy ra khá phổ biến ở các gia đình. Có thể là người đàn ông có thu nhập cao hơn vợ hoặc là trụ cột tài chính trong gia đình còn vợ ở nhà nội trợ. Trong trường hợp này, người chồng thường muốn là người đưa ra mọi quyết định, người vợ thường cảm thấy mình bị phụ thuộc, không có tiếng nói.

Vấn đề thường nghiêm trọng hơn trong trường hợp người vợ có thu nhập cao hơn. Với quan điểm đàn ông phải là trụ cột của gia đình, nhiều ông chồng cảm thấy rất áp lực khi vợ có thu nhập cao hơn mình khi cả hai cùng đi làm hoặc vợ đi làm trong khi mình đang tạm thời thất nghiệp.

5. Tiền nuôi con

Một trong những nguyên nhân khiến nhiều cặp vợ chồng trẻ chưa sẵn sàng có con chính là tài chính để nuôi con. Thực tế các cặp vợ chồng thường phát sinh xung đột khá nhiều liên quan đến chuyện này.

Cuộc sống trước và sau hôn nhân đã có nhiều khác biệt, trước và sau khi có con lại càng nhiều khác biệt hơn. Nếu như trước đây, hai người có thể sống thoải mái, du lịch hàng năm, ăn hàng khi thích thì với cùng một mức thu nhập đó, sau khi có con, bạn sẽ phải căn cơ hơn rất nhiều.

Để chuẩn bị cho một đứa trẻ ra đời là các khoản tiền sinh, tiền bỉm, sữa, tiêm chủng. Khi đứa trẻ lớn hơn, cha mẹ cần chuẩn bị nhiều hơn như bắt đầu đi học, có thêm nhiều nhu cầu khác. Nếu không thống nhất trước khi kết hôn và lên kế hoạch chuẩn bị trước, bạn hoàn toàn có thể rơi vào hoàn cảnh vợ chồng lục đục, tranh cãi vì tiền nuôi con.

Để tránh xảy ra những xung đột không đáng có, các cặp vợ chồng nên tìm cách nói chuyện, chia sẻ cùng nhau để hiểu rõ hơn về kỳ vọng, mục tiêu và lo lắng của người còn lại.

Các chuyên gia cho rằng, cách giải quyết tốt nhất vấn đề tiền bạc trong hôn nhân đó là hai vợ chồng cần nói chuyện với nhau một cách chân thành về nguyện vọng, mục tiêu và những lo lắng của mình. Hai người giờ đã là vợ chồng, chủ của một gia đình nhỏ, cần biết cách kiểm soát cảm xúc, lắng nghe và tìm cách giải quyết vấn đề một cách nhẹ nhàng.

Trước khi sinh con, cả hai cần có một cái nhìn xa hơn để lên kế hoạch một cách tổng thể cho 1 năm, 5 năm hay 10 năm tới. Hai bạn không nhất thiết phải sắm sửa quá nhiều đồ mới khi sinh con mà có thể xin của người thân, bạn bè hay mua cũ những đồ dùng như cũi, ghế ăn dặm...

Ghi chép chi tiêu là thói quen rất tốt, giúp bạn kiểm soát được tài chính của mình. Định kỳ hàng tháng hoặc hàng quý, cả hai nên ngồi lại với nhau để xem xem có khoản mục nào mình cần điều chỉnh để chi tiêu hợp lý hơn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm