pnvnonline@phunuvietnam.vn
50 năm thống nhất đất nước: Ước nguyện tuổi trẻ

Ảnh minh hoạ: Trường Hùng

Vũ Ngọc Vân, học sinh trường THPT chuyên Chu Văn An (Hà Nội)
“Có cội nguồn, gốc rễ mới đơm cành kết hoa, khi đi muôn nơi, ta tự hào vì dân tộc Việt Nam anh hùng. Trải qua nhiều khó khăn, thử thách thời hậu chiến, 50 năm qua, đất nước ta đã có nhiều bước chuyển, vươn mình hội nhập và phát triển. Lời nhắn gửi ý nghĩa nhất mà em muốn gửi gắm trong dịp kỷ niệm đặc biệt này là lời hứa góp hết sức mình vì tương lai tươi sáng của đất nước. Chúng em cầm bút thay cầm súng, mặt trận của chúng em không khói lửa, bom đạn mà là thách thức về công nghệ, kĩ thuật. Chúng em đang nỗ lực học tập để thực hiện lời dạy của Bác, đó là đưa Việt Nam sánh vai cường quốc năm châu”, Vũ Ngọc Vân, học sinh trường THPT chuyên Chu Văn An (Hà Nội)

Đặng Thị Hồng Điệp, học sinh trường THCS Mỹ Hưng (Nam Định)
“Cuộc sống hoà bình hôm nay đã được đánh đổi bằng biết bao hy sinh xương máu của thế hệ đi trước. Cảm xúc biết ơn càng rõ ràng hơn khi em cùng các bạn tham gia quét dọn nghĩa trang liệt sĩ, khi thấy thân thể không lành lặn của người thương binh cô độc nơi xóm nhỏ hay người mẹ liệt sĩ đau đáu tìm hài cốt của con… Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, em muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc tới thế hệ đi trước, tới những người đã nằm xuống, những người đã hy sinh tuổi xuân, giữ mãi một niềm tin, một tình yêu với Tổ quốc, kiên cường chiến đấu để mang lại hòa bình cho đất nước”, Đặng Thị Hồng Điệp, học sinh trường THCS Mỹ Hưng (Nam Định)

Trần Hà Sơn, học sinh trường THPT Đào Duy Từ (Hà Nội)
“Em xin gửi lời tri ân đến các những anh hùng, liệt sĩ, các bác thương binh đã không tiếc máu xương trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Em luôn biết ơn vì chính sự kiên cường, dũng cảm và lòng yêu nước của các thế hệ đi trước đã mang lại cuộc sống hòa bình cho thế hệ hôm nay. Em tin rằng lòng biết ơn sẽ luôn được khắc ghi trong mỗi người trẻ, để từ đó sống tử tế hơn, có trách nhiệm hơn và luôn trân trọng giá trị của hòa bình. Thế hệ trẻ hôm nay cần ý thức rõ trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn và phát huy những thành quả mà cha ông để lại. Em nghĩ, việc thiết thực nhất là cố gắng học tập, rèn luyện đạo đức và kỹ năng sống để trở thành người có ích cho xã hội và cộng đồng”, Trần Hà Sơn, học sinh trường THPT Đào Duy Từ (Hà Nội)

Nguyễn Thị Lan Anh, sinh viên Học viện Báo chí & Tuyên truyền
“Với em, chiến thắng 30/4 không chỉ là một dấu mốc lịch sử mà còn là biểu tượng của khát vọng độc lập, tinh thần đoàn kết dân tộc và sức mạnh của lòng yêu nước. Đó là lời nhắc nhở rằng, độc lập, tự do hôm nay là thành quả của biết bao hy sinh xương máu của thế hệ đi trước, thế hệ đi sau cần có trách nhiệm gìn giữ, phát huy. Đặc biệt trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, khi Việt Nam đang từng bước khẳng định vị thế trên bản đồ thế giới, chiến thắng 30/4 là nguồn cảm hứng để thế hệ hôm nay hướng tới tương lai với niềm tin và trách nhiệm. Đó là kỷ nguyên mà lòng yêu nước được thể hiện qua việc học tập, đổi mới sáng tạo, làm chủ công nghệ và lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp của Việt Nam ra toàn cầu. Nhân dịp này, em xin được gửi lời tri ân sâu sắc tới các thế hệ cha ông đã ngã xuống, hy sinh cả tuổi thanh xuân và máu xương vì khát vọng độc lập, tự do của Tổ quốc. Nhờ sự kiên cường, dũng cảm và lòng yêu nước vô điều kiện ấy mà chúng em - những người trẻ của hôm nay - được sống trong hòa bình, được học tập, theo đuổi đam mê của mình. Ý thức được điều đó, em càng thêm trân trọng lịch sử, khao khát được đóng góp sức lực của mình cho đất nước, phấn đấu trở thành công dân có bản lĩnh, có tri thức, dám nghĩ, dám làm”, Nguyễn Thị Lan Anh, sinh viên Học viện Báo chí & Tuyên truyền.