50% phụ nữ sau ly hôn bị chồng cũ bạo lực và quấy rối

15/05/2016 - 20:43
Đây là con số thống kê mới đưa ra từ phía Ngôi nhà Bình yên chuyên hỗ trợ cho phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình.
Chiều ngày 12/5, tại Hà Nội, trong buổi trao đổi về vấn đề phụ nữ bị bạo lực sau ly hôn, đại diện phía Ngôi nhà Bình yên của Trung tâm Phụ nữ và phát triển (TƯ Hội LHPNVN ) cho biết, tình trạng phụ nữ bị chồng cũ đến nhà quấy rối, bạo lực sau ly hôn là phổ biến. Riêng tại Ngôi nhà bình yên đã có tới 50% người tạm trú vẫn bị chồng cũ quấy rối, sử dụng bạo lực với đủ 4 dạng bạo lực tinh thần, kinh tế, thể chất và tình dục… 
Đại diện phía Ngôi nhà Bình yên cho biết từ năm 2015 trở lại đây, có 19 trường hợp người tạm trú đã ly hôn nhưng vẫn đang bị chồng kiểm soát, gây rối, bạo lực với tính chất khá nghiêm trọng.
Người tạm trú có mã số 539X (ở Hà Nội), chị đã ly hôn chồng từ năm 2010 tại Tòa án Nhân dân quận Hai Bà Trưng. Chị được quyền nuôi hai con nhưng sau ly hôn, hai người vẫn ở chung một nhà, khác tầng. Tuy nhiên, anh chồng cũ vẫn cứ ăn tối cùng chị và đòi quan hệ tình dục, cưỡng bức những lúc có nhu cầu. Anh chồng cũ cũng nhiều lần đánh đập chị, cầm ghế phang, dọa giết chị, giết con, giết mẹ vợ và tuyên bố: “Mày không phải của tao thì không phải của thằng nào hết”. Không chịu đựng được, năm 2013, chị đã phải bỏ nhà mình, chuyển sang nhà riêng của bà ngoại để ở…”. 
Với ca 549M ở Thái Bình, chị cũng ly hôn từ tháng 4/2015. Trong suốt quá trình chuẩn bị ly hôn và sau ly hôn, chồng cũ của chị vẫn thường xuyên gọi điện quấy rối. Khi chị không bắt máy, anh ta luôn nhắn những tin xúc phạm, chửi bới rồi gọi điện chửi gia đình nhà đẻ của chị hoặc dùng sim rác ẩn danh, để nhắn tin gọi điện quấy rối…
Với ca 131H, sau ly hôn, tòa xét xử chị được nuôi 3 con vì chồng cũ đã bỏ đi theo người khác. Được gần một năm sau, anh ta quay trở lại nhà mẹ con chị, đòi ăn cơm, ngủ lại, hạch sách, đòi cung phụng, uống rượu và coi như nhà của mình. Anh ta còn đánh chị, khi con trai lớn của họ vào can thì anh ta đã đánh gãy tay con. Sau khi sự việc xảy ra, chị phải trình báo với chính quyền địa phương để nhờ can thiệp, giúp đỡ…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm