pnvnonline@phunuvietnam.vn
Vượt chỉ tiêu hỗ trợ kiện toàn, phát triển hơn 600 nhóm trẻ độc lập tư thục cho con của công nhân
Cơ sở khang trang của nhóm lớp Rạng Đông sau 5 năm có Đề án 404 đồng hành. Ảnh: K.H
Như PNVN đã phản ánh, sáng 29/12, Hội LHPNVN tổ chức tổng kết Đề án "Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu công nghiệp giai đoạn 2015 - 2020" tại Hà Nội. Đứng trước bục sân khấu để chia sẻ về câu chuyện của mình, chị Trần Kim Hậu - Chủ nhóm lớp độc lập tư thục Rạng Đông (Thị trấn Bến Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) - cho hay, được lựa chọn để phát biểu về sự phát triển của nhóm trẻ tư thục mà mình dày công sáng lập 5 năm nay trước đông đảo các đại biểu, là điều bất ngờ, cũng là vinh dự lớn lao. Người phụ nữ với gương mặt hiền lành, chân chất ấy cho biết, nhờ Đề án 404, nhóm trẻ Rạng Đông đã có một bước tiến lớn, để rồi hàng chục trẻ nhỏ là con của các công nhân nghèo được hưởng lợi, phụ huynh tin yêu gửi con đến học tại đây.
Thành lập vào năm 2015, khi đó lớp mầm non Rạng Đông chỉ có 1 lớp học với diện tích 45m2, có 1 cái kệ để đồ chơi, 1 cái bàn làm việc, 5 cái bàn nhựa và 20 cái ghế nhựa, có 1 nhà vệ sinh chưa đúng chuẩn, 1 bếp ăn chưa đúng chuẩn.
Lớp học chưa trang trí theo quy định, sân chơi nhỏ với chỉ 1 chiếc đu quay, nền sân đất còn có nhiều cỏ dại mọc. Đa số trẻ đến lớp thuộc con công nhân từ nơi khác đến làm việc tại Khu công nghiệp Thuận Đạo có thu nhập thấp. Thời điểm ấy, số trẻ đến lớp không ổn định, phụ huynh chưa thực hiện đóng học phí, tiền ăn kịp thời. Có trường hợp do thu nhập thấp không hoàn thành đóng phí rồi bỏ nhóm, lớp đi nơi khác.
Loay hoay mãi bởi trong tay chưa có chuyên môn, thủ tục hành chính gặp nhiều vướng mắc, đến cuối năm 2016, chị Hậu được Hội LHPN huyện Bến Lức thăm và hướng dẫn các thủ tục hồ sơ để mở nhóm, lớp theo quy định của Bộ GD&ĐT. Nhóm lớp của chị được Hội LHPN tỉnh Long An hỗ trợ theo diện Đề án 404, cụ thể: hướng dẫn những quy định, các thủ tục trong giáo dục, cách chăm sóc, giáo dục trẻ dưới 36 tháng tuổi ở nhóm trẻ độc lập tư thục… đặc biệt là hỗ trợ dụng cụ dạy học và 2 thùng đồ chơi giá trị 5 triệu đồng.
Với tâm huyết, nỗ lực của bản thân, đội ngũ giáo viên, và sự hỗ trợ kịp thời của Đề án 404, hiện nhóm lớp Rạng Đông đã có tổng diện tích là 500m2, có 5 phòng học bán kiên cố khang trang, nhà vệ sinh khép kín tại phòng học diện tích 140m2, 1 nhà bếp diện tích 21m2, 1 sân chơi rộng đầy đủ dụng cụ vui chơi… Phụ huynh hoàn toàn yên tâm khi gửi con tại đây, chỉ với học phí 850.000 đồng/tháng.
"Đề án 404 ra đời góp phần tạo ra những nhóm trẻ chất lượng, bảo đảm chăm sóc cho các trẻ dưới 36 tháng tuổi là con công nhân lao động trong các KCN, KCX. Chân thành cảm ơn các cấp Hội đã giúp đỡ chúng tôi được phát triển đến ngày hôm nay", chị Kim Hậu xúc động cho hay.
Vì sự phát triển của trẻ dưới 36 tháng tuổi
Câu chuyện của nhóm trẻ Rạng Đông chỉ là một trong hàng trăm câu chuyện của các nhóm trẻ tư thục, độc lập khác ở khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) cả nước đang được hưởng lợi từ Đề án 404.
Đánh giá tổng quan về Đề án 404, Hội LHPNVN cho biết, bên cạnh việc hỗ trợ, kiện toàn, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục tại cộng đồng, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên, người chăm sóc trẻ hay xây dựng cơ chế bảo đảm và nâng cao chất lượng của nhóm trẻ độc lập tư thục tại cộng đồng…, Hội LHPNVN còn phối hợp với các bộ, ngành trong nghiên cứu, rà soát và đề xuất chính sách nhằm hỗ trợ phụ nữ có con dưới 36 tháng tuổi là công nhân lao động, nhất là ở tại các KCN, KCX.
Nhiều địa phương đã làm tốt công tác tham mưu xây dựng và ban hành các chính sách mang tính chiến lược, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chỉ đạo, triển khai Đề án tại địa phương. Đồng thời, tạo cơ chế vận động, hỗ trợ giải quyết trường lớp mầm non cho con công nhân lao động tại KCN, KCX.
Tuy nhiên, theo đánh giá, Đề án 404 vẫn gặp nhiều khó khăn như: khó đảm bảo tính bền vững lâu dài của các Nhóm trẻ độc lập tư thục, đội ngũ giáo viên, người lao động trong các nhóm trẻ không ổn định dẫn đến việc tư vấn, bồi dưỡng chuyên môn, tổ chức hoạt động cho trẻ gặp nhiều khó khăn; hầu hết giáo viên, người chăm sóc trẻ tại các nhóm này không có điều kiện đóng BHXH tự nguyện trong khi đó Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ cho đối tượng này đóng BHXH cho nên rất khó để họ có thể yên tâm làm việc lâu dài…
Cũng theo Hội LHPNVN, một số mục tiêu của đề án đặt ra cao, chưa sát với thực tế; thêm vào đó, số công nhân lao động, số trẻ dưới 36 tháng tuổi tại KCN, KCX biến động thường xuyên hằng năm nên rất khó để đánh giá tỷ lệ đạt so với mục tiêu đặt ra; Sự phối hợp triển khai Đề án giữa các ngành chưa được đồng đều, toàn diện…
Để khắc phục hạn chế, Hội LHPNVN tiếp tục đề xuất đề án/chương trình hỗ trợ phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục và các hình thức hỗ trợ cha mẹ có con dưới 36 tháng trong phạm vi cả nước, góp phần thực hiện Đề án "Phát triển Giáo dục mầm non giai đoạn 2018 - 2025" (QĐ 1677/QĐ-TTg ngày 3/12/2018).
Đồng thời, tiếp tục đề xuất chính sách, pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và phát triển toàn diện trẻ em, hỗ trợ và phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục tại KCN, KCX; chính sách hỗ trợ cho nữ công nhân lao động về thu nhập, việc làm; hỗ trợ cha mẹ chăm sóc giáo dục, phát triển trẻ thơ từ những năm đầu đời. Đề xuất với các địa phương tiếp tục thực hiện hỗ trợ các chính sách hỗ trợ đối với giáo viên, bảo mẫu, người chăm sóc trẻ, nữ công nhân lao động có con dưới 36 tháng tuổi về chế độ tiền lương, biên chế, BHXH, BHYT...
Đề án 404 giai đoạn 2015 - 2020 đã đạt được một số kết quả cụ thể như:
- 100% số cán bộ quản lý, giáo viên, người chăm sóc trẻ tại các nhóm trẻ độc lập tư thục thuộc địa bàn đề án được đào tào, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ (vượt 20% so với mục tiêu đề ra).
- 44.425 trẻ dưới 36 tháng tuổi con công nhân lao động được gửi ở các nhóm/lớp đảm bảo chất lượng, góp phần đáp ứng được nhu cầu gửi con của nữ công nhân lao động tại các KCN, KCX để chị em yên tâm lao động sản xuất.
- Hơn 2,91 triệu cha mẹ công nhân lao động có con nhỏ ở KCN, KCX tại địa bàn đề án được truyền thông, hướng dẫn, cung cấp kiến thức và kỹ năng về chăm sóc, giáo dục trẻ dưới 36 tháng (trong đó, ông bố chiếm khoảng 20%), đạt hơn 74% so với mục tiêu đề ra.
- 1.119 nhóm trẻ được hỗ trợ kiện toàn, phát triển tại 20 tỉnh, thành, trong đó: 956 nhóm trẻ kiện toàn, 163 nhóm thành lập mới (vượt chỉ tiêu 619 nhóm so với mục tiêu đề ra).