524 doanh nghiệp đạt nhãn hiệu chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2022

Đình Hưng
22/03/2022 - 15:25
524 doanh nghiệp đạt nhãn hiệu chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2022

Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao chia sẻ tại Lễ công bố

Ngày 22/3, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao đã công bố 524 doanh nghiệp chính thức đạt nhãn hiệu chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao 2022 do người tiêu dùng bình chọn.

Kết quả này dựa trên cuộc khảo sát người tiêu dùng bình chọn Hàng Việt Nam chất lượng cao 2022, tiến hành từ tháng 11/2021 đến tháng 1/2022 và quá trình tiếp nhận, đánh giá ý kiến từ 77 sở ngành thuộc 39 tỉnh/thành trên cả nước phản hồi thông tin về doanh nghiệp, giải trình từ doanh nghiệp, thông tin từ giới truyền thông… được Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao thực hiện.

Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, trong giai đoạn 2020 – 2021, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng nặng nề tới doanh nghiệp, người lao động, nhưng nhiều sở ngành đã phản hồi, ngợi khen doanh nghiệp, ngoài việc thực hiện tốt qui định pháp luật, còn có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế của địa phương, tham gia tích cực trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 như: Sóc Trăng, Bà Rịa Vũng Tàu, Bắc Kạn, Vĩnh Phúc…

Bên cạnh đó, bà Vũ Kim Hạnh cũng cho hay, trong danh sách HVNCLC năm 2022, xuất hiện thêm những đơn vị đạt chứng nhận OCOP.

Kết quả cuộc khảo sát Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2022 cho thấy, mức độ phân phối sản phẩm và mức độ mua của người tiêu dùng đều giảm. Theo đó, giỏ hàng của người tiêu dùng nhiều khi có tăng về khối lượng nhưng ít về số lượng, món mua. Người tiêu dùng chủ yếu tập trung vào các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thiết yếu và cũng chỉ thường lựa chọn sản phẩm của một vài công ty hay thương hiệu nhất định. Tần suất mua của người tiêu cũng giảm và chi tiêu hạn chế

Bên cạnh đó, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sản phẩm tốt cho sức khỏe và sẵn sàng chi trả nhiều hơn để mua các sản phẩm có nguyên liệu đảm bảo "xanh" và "sạch".

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, bên cạnh hệ thống các kênh phân phối hiện đại, các kênh phân phối truyền thống vẫn giữ sức hút đối với người tiêu dùng. Các kênh phân phối chợ hay tiệm tạp hóa dù không còn giữ vai trò chủ đạo, nhất là ở các đô thị nhưng vẫn giữ một vị trí nhất định đối với người tiêu dùng khi chọn nơi mua sản phẩm (tiệm tạp hóa, hay chợ vẫn chiếm tỷ trọng trên dưới 40% tùy loại sản phẩm). Có thể nói, mua sắm đa kênh vẫn đang là xu hướng thịnh hành hiện nay. Người tiêu dùng thận trọng hơn khi lựa chọn nơi mua thực phẩm, đồ uống.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm