Phát biểu tại họp báo, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, Việt Nam và WEF phối hợp tổ chức Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018. Đây là một trong những hội nghị lớn và quan trọng nhất của Diễn đàn Kinh tế thế giới trong khu vực.
Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 sẽ được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 11 đến 13/9/2018 với chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, đáp ứng sự quan tâm chung của các nước ASEAN và trong khu vực, đồng thời gắn kết với chủ đề của ASEAN năm nay là hướng tới “ASEAN tự cường và sáng tạo”.
Việt Nam đăng cai Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 không chỉ là cơ hội tốt để tăng cường quảng bá mạnh mẽ Việt Nam đến khu vực và thế giới mà còn khẳng định chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước, thể hiện sự đóng góp tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam vào những vấn đề quan tâm chung đặt ra cho phát triển và hội nhập trong khu vực.
Hội nghị cũng là cơ hội để quảng bá Việt Nam đến chính giới và đông đảo doanh nghiệp hàng đầu thế giới và khu vực. Từ đó thúc đẩy các đối tác tăng cường hợp tác với Việt Nam, các tập đoàn hàng đầu thế giới có tiềm lực tài chính, công nghệ và thị trường quan tâm, tăng cường đầu tư vào Việt Nam, góp phần tích cực mở rộng thị trường, cạnh tranh các nguồn vốn có chất lượng, công nghệ hiện đại phục vụ tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.
Tại cuộc họp báo, Chủ tịch WEF Borge Brende bày tỏ ấn tượng trước tốc độ tăng trưởng cũng như năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam; đánh giá cao quan hệ đối tác với Việt Nam và tin tưởng mối quan hệ này sẽ đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam. Chủ tịch WEF cho rằng cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại cả cơ hội và thách thức đối với các nước ASEAN, đồng thời khẳng định WEF mong muốn thúc đẩy hợp tác với các nước ASEAN để đối phó với các thách thức này vì lợi ích của người dân.
Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 dự kiến có khoảng 55 phiên thảo luận, tập trung vào những vấn đề chính phủ, doanh nghiệp và người dân các nước ASEAN đang quan tâm như: xác định tầm nhìn mới cho ASEAN về hội nhập khu vực; tìm kiếm các mô hình kinh tế mới và quản trị trong kỷ nguyên số; tìm kiếm động lực và các mô hình kinh doanh mới cho các nước ASEAN trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0; doanh nghiệp với cách tiếp cận mới đối với quản trị toàn cầu và khu vực; phát triển cơ sở hạ tầng thông minh, đào tạo kỹ năng, việc làm, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
Diễn đàn cũng là cơ hội để các doanh nhân nữ trong mạng lưới Doanh nhân nữ ASEAN (AWEN) có cơ hội giao lưu, học hỏi để cùng nhau vượt qua những thách thức, ảnh hưởng tiêu cực nhất trong cuộc cách mạng 4.0. Tự thân phụ nữ phải xác định chủ động tích cực học hỏi, nỗ lực phấn đấu, chấp nhận sự thay đổi, không ngừng nâng cao kỹ năng công nghệ, trình độ ngoại ngữ để có thể thích ứng và đáp ứng những đòi hỏi của việc làm chất lượng cao và sự dịch chuyển lao động trong kỷ nguyên 4.0. Tuy nhiên, sự phát triển không ngừng của công nghệ đã và đang mang lại nhiều tiến bộ về năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh và sự thay đổi nhu cầu sử dụng lao động, trong đó có lao động nữ.