pnvnonline@phunuvietnam.vn
6 điều lưu ý cho mẹ đơn thân khi quản lý tài chính
![6 điều lưu ý cho mẹ đơn thân khi quản lý tài chính](https://phunuvietnam.mediacdn.vn/thumb_w/1098/179072216278405120/2025/2/13/tai-chinh-4-17394320222441220301073-240-0-1803-2500-crop-17394325116521523719128.jpg)
Nhiều mẹ đơn thân đã và đang nỗ lực để tự chủ tài chính. Ảnh minh họa
Những gánh nặng chỉ người trong cuộc mới hiểu
"Xác định trở thành mẹ đơn thân là phải một mình lo mọi việc từ việc nhà cho tài chính, kinh tế; do đó người phụ nữ sẽ không tránh khỏi bị quá tải công việc. Nếu trước đây thu nhập của gia đình từ hai nguồn thì bây giờ thay đổi lớn, chỉ còn một mình xoay xở cho cuộc sống, vừa chăm sóc con, vừa lo kiếm tiền để nuôi con ăn học. Mẹ đơn thân phải chịu gánh nặng tài chính gấp 2 lần so với gia đình truyền thống để đáp ứng cho bản thân và con cái. Ngay cả khi nhận được sự hỗ trợ tài chính từ người bố, vẫn không thể so sánh được với nguồn lực kinh tế có sự đóng góp của cả hai. Dù bố của cháu có chu cấp nhưng khoản tiền 3 triệu đồng/tháng chỉ như muối bỏ bể, khi con đang vào lớp 8, đúng tuổi ăn, tuổi lớn, tuổi tham gia đủ mọi lớp học ngoại khóa như con tôi", chị Phạm Ngọc Anh (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết.
Cùng chung mỗi lo về cơm áo, gạo, tiền, chị Huỳnh Kim Diệu (TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) chia sẻ thêm: "Tôi ly hôn hơn chục năm nay, một mình nuôi 2 con. Ở các gia đình bình thường, nuôi 2 con vất vả một thì mẹ đơn thân phải tự chủ 100% tài chính nuôi dạy con sẽ vất vả gấp 3, 4 lần. Áp lực tài chính cũng vậy. Nếu không căn cơ từ việc chi tiêu hàng ngày, các mối quan hệ, ốm đau hiếu hỷ, học tập… của các con thì rất dễ rơi vào cảnh khó khăn".
![6 điều lưu ý cho mẹ đơn thân khi quản lý tài chính- Ảnh 1. 6 điều lưu ý cho mẹ đơn thân khi quản lý tài chính- Ảnh 1.](https://phunuvietnam.mediacdn.vn/179072216278405120/2025/2/13/tai-chinh-2-17394318254911638586854.jpg)
Các bà mẹ đơn thân phải chịu nhiều áp lực về tài chính. Ảnh minh họa
Thách thức lớn nhất cho các gia đình đơn thân hiện nay là phải đối mặt với gánh nặng tài chính do thiếu "nửa kia" gánh vác.
"Thôi thì có bao nhiêu tiêu từng đó. Tôi là nhân viên văn phòng, ăn lương hàng tháng, nên nhiều lúc cũng tủi thân khi thiếu đi người đồng hành cả về tinh thần và vật chất. Có những thời điểm tôi thấy rất bế tắc. Ví dụ những lúc đi khám sức khỏe, có vấn đề gì, dù bệnh nặng hay nhẹ, đều rất lo lắng. Tôi chỉ mong khỏe mạnh để nuôi được con đến năm 18 tuổi, cho con tự chăm lo cho bản thân. Chồng không còn, bố mẹ cũng mất rồi, chỉ còn bạn bè, mà bạn bè thì không thể làm cho mình nhiều thứ được. Áp lực tài chính, tâm lý nặng nề, hy vọng rồi mọi thứ cũng qua", chị Vũ Kim Chuyên (tỉnh Thái Bình) tâm sự.
Hiện ở Việt Nam chưa có thống kê chính xác về tổng số mẹ đơn thân. Tuy nhiên, phụ nữ ngày nay có xu hướng tự chủ hơn trong cuộc sống và sự nghiệp. Họ không còn bị ràng buộc vào quan niệm "phải có chồng mới nuôi dạy con tốt". Sự gia tăng của mẹ đơn thân đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng là minh chứng cho sự mạnh mẽ và độc lập của phụ nữ trong xã hội hiện đại.
Vượt qua những khó khăn, áp lực, nhiều phụ nữ thành công về tài chính, đủ khả năng nuôi con một mình mà không cần dựa vào bạn đời. Với trách nhiệm vừa nuôi dạy con vừa đảm bảo tài chính ổn định, các bà mẹ đơn thân đảm bảo tương lai cho con mà còn có sự tự tin và độc lập trong cuộc sống.
Chị Nguyễn Thu Hoài (TP Hải Phòng), mẹ đơn thân nuôi 2 con trai, đã vượt qua khó khăn tài chính bằng cách khởi nghiệp với trang trại trồng rau sạch. Chị Hoài nhớ lại: "Lúc mới ly hôn, tôi rất lo lắng về tài chính. Nhưng dần dần, tôi học cách tiết kiệm, đầu tư và phát triển dần từ mảnh vườn nhỏ đến một trang trại quy mô lớn, trồng rau hữu cơ. Các loại rau của tôi không chỉ bán tại địa phương mà còn được kết nối quảng bá tại nhiều hội chợ do Hội LHPN các cấp tổ chức. Hiện tại, tôi không chỉ đủ nuôi con mà còn có khoản tiết kiệm cho tương lai của 3 mẹ con sau này".
Tương tự, chị Trần Thị Hoa (43 tuổi, ở tỉnh Hà Nam) cho biết: "Ngoài công việc nhân viên hành chính, ngoài giờ, tôi còn tranh thủ làm thêm các món chay và bột ngũ cốc để có thêm thu nhập. Tôi xoay xở để không bị phụ thuộc vào một nguồn thu nhập duy nhất. Ngoài lương, tôi còn làm sản phẩm và kinh doanh online nên kinh tế khá ổn định, có thể tự chủ, lo cho con cái, phụ giúp cha mẹ".
![6 điều lưu ý cho mẹ đơn thân khi quản lý tài chính- Ảnh 2. 6 điều lưu ý cho mẹ đơn thân khi quản lý tài chính- Ảnh 2.](https://phunuvietnam.mediacdn.vn/thumb_w/700/179072216278405120/2025/2/13/tai-chinh-2-1739432022302504539014.jpg)
Chi tiêu đúng mục đích, tiết kiệm là cách quản lý tài chính của nhiều mẹ đơn thân
Bí quyết quản lý tài chính hữu ích cho mẹ đơn thân
"Luôn phải tiêu trong khả năng và kiểm soát tài chính" - đó là bí quyết mà chị Vũ Kim Chuyền chia sẻ. Chị Chuyền ví dụ, chị sẽ chuẩn bị khoản tiền học cố định ở trường của con đủ đóng cả năm học để hàng tháng đỡ phải lo lắng nhiều. Như vậy, hàng tháng chị chỉ cần lo đóng tiền gia sư cho con. Nếu chẳng may mẹ có vấn đề gì thì con vẫn được đi học ở trường. Tiền mừng tuổi của con thì chị để dành đóng bảo hiểm cho con. Các khoản mua đồ chơi, bánh kẹo của con, chị cũng giới hạn ở một khoản cố định. "Chi tiêu đúng mực thì cũng sẽ tiết kiệm được một khoản", chị Chuyền nhấn mạnh.
Còn chị Kim Diệu cho biết, chị không quá tiết kiệm, khắt khe trong chi tiêu nhưng quan điểm là từ những việc hàng ngày, mẹ con chị luôn "tiêu đúng mục đích, chi hợp lý", để chủ động tài chính trong mọi hoàn cảnh.
Chia sẻ về bí quyết quản lý tài chính dành cho mẹ đơn thân, chuyên gia tài chính cá nhân Đỗ Hướng Dương cho rằng, các mẹ cần lưu ý 6 điều sau:
- Lập kế hoạch tài chính rõ ràng: Xác định thu nhập, chi tiêu hàng tháng và đặt mục tiêu tài chính dài hạn để tránh rơi vào tình trạng thiếu hụt ngân sách. Các chị cũng cần theo dõi thu nhập và chi tiêu hàng tháng để kiểm soát ngân sách. Với các khoản thu nhập, nên phân bổ tiền theo nguyên tắc 50/30/20: 50% cho nhu cầu thiết yếu (ăn uống, nhà ở), 30% cho mong muốn cá nhân, 20% cho tiết kiệm và đầu tư.
- Xây dựng quỹ khẩn cấp: Một khoản tiết kiệm tương đương 3-6 tháng chi phí sinh hoạt giúp mẹ đơn thân ứng phó với những tình huống bất ngờ. Có thể gửi quỹ này vào tài khoản tiết kiệm có lãi suất hoặc ví đầu tư an toàn.
- Đa dạng hóa nguồn thu nhập: Ngoài công việc chính, có thể tìm kiếm các công việc làm thêm, kinh doanh hoặc đầu tư nhỏ để tăng nguồn thu. Những công việc làm thêm như bán hàng online, viết lách, gia sư hoặc đầu tư nhỏ… thường phù hợp với những mẹ có con nhỏ.
- Quản lý chi tiêu thông minh: Ưu tiên những khoản chi thiết yếu, tránh mua sắm không cần thiết và tận dụng các chương trình ưu đãi, giảm giá.
- Đầu tư vào giáo dục và bảo hiểm: Ví dụ mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm nhân thọ để bảo vệ tài chính cho bản thân và con cái. Lập kế hoạch giáo dục dài hạn để đảm bảo tương lai cho con.
- Tham gia các cộng đồng: Các chị có thể tham gia các hội nhóm để học hỏi kinh nghiệm, nhận lời khuyên và mở rộng cơ hội hợp tác kinh doanh. Tuy nhiên, cần chọn các nhóm cộng đồng uy tín, chọn những người bạn đáng tin cậy để đồng hành.