pnvnonline@phunuvietnam.vn
6 hành vi âm thầm rút ngắn tuổi thọ của nam giới, hút thuốc chỉ đứng thứ 4
Lối sống có ảnh hưởng rất lớn đến tuổi thọ của con người bao gồm nâng cao hay rút ngắn tuổi thọ. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những thói quen hàng ngày như chế độ ăn uống, mức độ hoạt động thể chất, cân nặng, sử dụng rượu bia và thuốc lá, cũng như cách chúng ta quản lý stress có thể tác động đến sức khỏe và tuổi thọ.
6 thói quen kém lành mạnh có thể gây rút ngắn tuổi thọ ở nam giới
Theo Sohu, nam giới có 6 hành vi kém lành mạnh này, tuổi thọ đang bị rút ngắn lại, cần bỏ càng sớm càng tốt:
1. Thường xuyên thức khuya
Thức khuya đang trở nên phổ biến hơn trong thời đại hiện tại. Một số người phải thức khuya để làm việc, một số người thức khuya lại trở thành thói quen hàng ngày.
Tác hại của thức khuya đã được khuyến cáo rất nhiều và luôn được nhấn mạnh là vô cùng nghiêm trọng. Chẳng hạn như thức khuya khiến khí huyết hao hụt, ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của gan, thận, tổn thương mạch máu,... lâu dài khiến nội tạng bị tổn thương và rút ngắn tuổi thọ.
Nghiên cứu năm 2022 trên Tạp chí Nutrition đã chỉ ra rằng, người thức khuya có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp đáng kể so với những người không có thói quen này. Bệnh mãn tính được cho là một những yếu tố ảnh hưởng tới tuổi thọ và chất lượng cuộc sống suy giảm. Trong trường hợp nặng còn có thể dẫn đến đột tử, nhồi máu cơ tim cấp, đột quỵ và các bệnh lý khác.
Một nghiên cứu cũ hơn năm 2018 được công bố trên Tạp chí Biological and Medical Rhythm Research cũng cho thấy, những người thường xuyên thức khuya và ngủ dậy muộn có nguy cơ tử vong sớm cao hơn tới 10% so với người đi ngủ sớm và dậy sớm.
Lời khuyên: Hãy cố gắng ngủ đủ giấc từ 7 - 8 giờ mỗi đêm. Những người có nhịp sinh học muộn có thể dần dần thích nghi với việc đi ngủ sớm hơn bằng cách vào phòng ngủ sớm hơn vài phút mỗi đêm. Điều quan trọng nữa là tránh ánh sáng mạnh vào ban đêm và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày.
2. Nghiện rượu
Một nghiên cứu mới đây được đăng tải trên Tạp chí Studies on Alcohol and Drugs cho thấy, uống rượu ở mức ít hay nhiều cũng đều liên quan tới nguy cơ tử vong cao hơn.
Vì rượu được chuyển hóa ở gan nên uống nhiều rượu trong thời gian dài sẽ dẫn đến suy giảm chức năng gan, lâu dần có thể dẫn đến xuất hiện bệnh gan do rượu. Rượu không chỉ gây tổn thương niêm mạc dạ dày mà còn có thể gây viêm tụy cấp.
Ngoài ra, uống rượu lâu ngày còn có thể gây tổn thương tim mạch, mạch máu não và tổn thương dây thần kinh sọ não. Đây là lý do khiến người say rượu không thể kiểm soát được hành vi của mình vì tình trạng tê liệt do rượu và rủi ro thoái hóa thần kinh trong tương lai cao hơn.
Nghiện rượu cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư, làm suy giảm chất lượng cuộc sống.
Tất cả những yếu tố kể trên đều có thể khiến tuổi thọ bị giảm đáng kể.
3. Căng thẳng thường xuyên
Theo Very Well Mind, có một số bằng chứng cho thấy chứng loạn thần kinh liên quan đến mức cortisol cao, một loại hormone được tiết ra khi ai đó cảm thấy bị đe dọa hoặc căng thẳng và trải qua phản ứng bỏ chạy hoặc chiến đấu. Quá nhiều cortisol đã được chứng minh là làm suy yếu hệ thống miễn dịch và ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch.
Khi cơ thể ở trong phản ứng chiến đấu hoặc bỏ chạy, nhịp tim có xu hướng đập nhanh hơn, huyết áp cao và tiêu hóa chậm hơn. Khi cơ thể thường xuyên duy trì trạng thái căng thẳng mãn tính đó, nó có thể gây ra các tình trạng sức khỏe như huyết áp cao, loét dạ dày và bệnh tim mạch.
Căng thẳng và lo âu quá mức cũng có thể dẫn đến hành vi không lành mạnh như hút thuốc, uống rượu và lạm dụng chất kích thích.
Điều này có thể làm giảm tuổi thọ và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống tổng thể.
4. Hút thuốc
Hút thuốc có thể ảnh hưởng rất xấu tới tuổi thọ và luôn được nhắc đến là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh tim mạch, đột quỵ, và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và hơn 20 loại ung thư như ung thư miệng, ung thư môi, ung thư họng (họng và thanh quản) và thực quản. Hút thuốc cũng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng hô hấp và suy giảm khả năng miễn dịch.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có tới 8 triệu ca tử vong có liên quan tới thuốc lá. Những người hút thuốc lá suốt đời trung bình mất ít nhất 10 năm tuổi thọ. Mỗi một hơi thuốc lá, có ít nhất 70 loại hóa chất được đưa vào cơ thể và dẫn tới ung thư.
5. Không hoạt động thể chất
Ngồi một chỗ trong thời gian dài và không vận động thể chất sẽ không chỉ làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể mà còn gây ra nhiều nguy cơ bệnh tật và rút ngắn tuổi thọ.
Một lối sống ít vận động góp phần tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường type 2, béo phì, và một số loại ung thư. Kém hoạt động thể chất cũng có thể dẫn đến tăng huyết áp, cholesterol cao và tích tụ mỡ trong cơ thể. Các vấn đề về xương khớp và cơ bắp cũng có thể xuất hiện do không duy trì được đủ sự linh hoạt và sức mạnh cơ bắp. Tất cả những yếu tố này có thể khiến tuổi thọ bị rút ngắn và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
6. Chế độ ăn uống kém lành mạnh
Một nghiên cứu năm 2023 trên NCBI đã chỉ ra rằng, chế độ ăn nhiều trái cây, các loại hạt, quả hạch và đậu, rau, ngũ cốc nguyên hạt có liên quan đến nguy cơ tử vong sớm thấp hơn.
Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã theo dõi chế độ ăn uống của hơn 120.000 người trong hơn 30 năm. Kết quả đã phát hiện ra rằng những người ăn nhiều những thực phẩm này ít có khả năng tử vong do ung thư hoặc các bệnh về tim, thoái hóa thần kinh và hô hấp.
Một nghiên cứu khác được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Nagoya Nhật Bản về được công bố trên Tạp chí Nutrition đã chỉ ra rằng chế độ ăn kém lành mạnh, nhiều carbohydrate và chất béo có liên quan tới nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân cao hơn.
Nhìn chung, một lối sống lành mạnh bao gồm việc duy trì một chế độ ăn uống cân đối, tập thể dục đều đặn, không hút thuốc, hạn chế uống rượu và tìm cách kiểm soát căng thẳng có thể giúp nâng cao tuổi thọ và cải thiện chất lượng cuộc sống ở cả nam giới và nữ giới.