pnvnonline@phunuvietnam.vn
6 kiểu chiều con kìm hãm phát triển tố chất ở trẻ
Ảnh minh họa
1. Bố mẹ không để trẻ gặp rủi ro
Vì chúng ta đang sống trong một thế giới mà mọi thứ đều được cảnh báo là nguy hiểm, do đó, bản năng của người làm cha mẹ là bảo vệ con cái một cách vô thức quá mức. Các nhà tâm lý học ở châu Âu phát hiện ra một đứa trẻ không thường xuyên chơi đùa bên ngoài, không được phép trải nghiệm cảm giác đầu gối bị thương chảy máu thì chúng thường sẽ có những nỗi ám ảnh cho đến khi trưởng thành.
"Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần", trẻ em cần được ngã vài lần để học được điều đó là bình thường, thanh niên có thể cần chia tay với người yêu và trải nghiệm cảm giác vượt qua nỗi đau vài lần để tiến đến mối quan hệ lâu dài.
Nếu cha mẹ loại bỏ rủi ro ra khỏi cuộc sống của trẻ, chúng sẽ dần phát triển tính cách kiêu ngạo, lòng tự trọng thấp. Điều này rất quan trọng nếu muốn trẻ sau này trở thành người lãnh đạo.
2. Giải cứu, giúp đỡ con quá nhanh
Việc giúp đỡ, giải cứu con quá nhanh hay nuông chiều sẽ khiến trẻ dần mất đi khả năng tự mình giải quyết vấn đề trong những tình huống khó khăn. Nếu bố mẹ thường xuyên giúp đỡ, con sẽ dần hình thành suy nghĩ: "Nếu tôi thất bại hay làm sai cái gì thì đã có bố mẹ hoặc người khác giải cứu giúp". Hành động này khiến trẻ dần mất đi tính tự chủ, tính trách nhiệm và trở thành người thích ỷ lại người khác.
3. Bố mẹ "phát cuồng" với trẻ
Những đứa trẻ quan sát và nghĩ rằng bố mẹ là những người duy nhất nghĩ rằng chúng tuyệt vời, mặc dù người khác có thể không công nhận điều đó. Khi bố mẹ "phát cuồng" quá dễ dàng với những thành tích mà con đạt được, coi thường những hành vi kém thì cuối cùng trẻ sẽ học được cách gian lận, phóng đại, nói dối, né tránh thực tế khó khăn. Bởi trẻ đã không học được cách đối diện với những khó khăn và thất bại.
4. Khen thưởng quá nhiều cho con
Đành rằng nếu làm tốt hoặc đạt được thành tích nào đó, trẻ được bố mẹ khen thưởng để khích lệ tinh thần là điều nên làm. Song, nhiều bố mẹ chỉ chăm chăm khen thưởng những gì con làm tốt mà bỏ qua những lúc trẻ không làm tốt như mong đợi. Việc khen thưởng và khích lệ không nhất lúc nào cũng phải là quà cáp. Nếu không cẩn thận, bố mẹ có thể khiến con dần hình thành tính cách vòi vĩnh, dù làm được bất kỳ cái gì cũng đòi hỏi bố mẹ phải thưởng bằng vật chất. Trẻ sẽ không trải nghiệm được động lực cố gắng hết sức mình cũng như hiểu nhầm tình yêu vô điều kiện của bố mẹ.
5. Không chia sẻ những sai lầm của bản thân trong quá khứ
Khi bố mẹ chia sẻ những sai lầm có liên quan mà bản thân từng mắc phải ở cùng độ tuổi với trẻ trước đây, trẻ sẽ học cách đưa ra những lựa chọn tốt. Ngoài ra, trẻ cần chuẩn bị tinh thần trước những vấp ngã và cách đối mặt với hậu quả trong các quyết định của mình. Chia sẻ cảm giác của bố mẹ mỗi khi đối mặt với những trải nghiệm tương tự sẽ phần nào khiến trẻ nghĩ rằng mình không phải là người duy nhất trải qua những điều đó.
6. Nhầm lẫn trí thông minh, năng khiếu là quan trọng nhất
Những người thông minh bẩm sinh chỉ chiếm số ít, tất cả những người tài giỏi đa số hiện nay đều là do bản thân họ nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ. Do đó, nếu thấy con nhà người ta giỏi đàn, giỏi vẽ, hãy nghĩ đó không hoàn toàn là bẩm sinh mà có thể đàn hay vẽ đẹp được. Đấy là cả quá trình trẻ luyện tập ngày đêm và không ngừng cố gắng để đạt được. Do vậy, nếu thấy con của mình không bằng được như người ta, bố mẹ cũng đừng vội vàng đánh giá trẻ không thông minh hay không giỏi giang.
Vậy, làm thế nào để bố mẹ có thể tránh xa những hành vi tiêu cực trên?
- Cho phép con thử những vấn đề trẻ tò mò, thậm chí hãy để trẻ thử cảm giác thất bại.
- Thảo luận với trẻ về những hậu quả trong tương lai nếu chúng không tuân theo một số kỷ luật nhất định.
- Bố mẹ cần trì hoãn sự hài lòng, kiên trì động viên con cố gắng.
- Dạy cho con hiểu được cuộc sống là những lựa chọn và đánh đổi, trẻ không thể làm tất cả mọi thứ được.
- Giới thiệu cho trẻ những người giỏi giang hơn mình để kết bạn và học hỏi từ các bạn ấy.
- Dạy cho trẻ cách chấp nhận thất bại và vượt lên thất bại.
- Thảo luận với trẻ về tương lai và các bước để đạt được những điều mình muốn.
- Tạo điều kiện để trẻ phát huy và tập trung đúng thế mạnh của bản thân.