pnvnonline@phunuvietnam.vn
6 lời nhắc chuẩn khoa học của cha mẹ giúp tăng sức đề kháng cho trẻ mùa dịch
1. Thường xuyên rửa tay thật sạch, đúng cách
Cha mẹ luôn là người phải nhắc trẻ rửa tay thường xuyên, thật sạch, đúng cách. Bởi rửa tay đúng là biện pháp đơn giản, hiệu quả trong việc phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, rửa tay đúng cách bằng xà phòng và nước có thể ngăn ngừa 20% các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và 30% bệnh liên quan đến tiêu chảy.
Rửa tay thật sạch, đúng cách là "liều vắc xin tự chế" hữu hiệu, đơn giản nhất để phòng chống dịch bệnh được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo thực hiện. Đặc biệt đối với trẻ cần xây dựng kỹ năng và thói quen rửa tay bằng xà phòng đúng cách.
2. Nên ăn nhiều rau
Trẻ thường khó chịu khi cha mẹ khăng khăng muốn con cái ăn thật nhiều rau củ quả. Nhiều lúc phụ huynh phải "thiết quân luật" để trẻ nghe lời. Nhưng thực tế thì điều cha mẹ đang làm cho trẻ là đúng. Bởi các loại rau củ như: Bông cải xanh, cải bó xôi, ớt chuông, bí đỏ… chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, giúp trẻ tăng cường sức đề kháng. Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Y khoa Anh cho thấy, việc tiêu thụ thường xuyên rau củ, trái cây có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim mạch, ung thư.
3. Ngồi thẳng lưng
Cha mẹ thường phải nhắc trẻ cần ngồi đúng tư thế, ngồi thẳng lưng. Việc ngồi sai lệch tư thế, nhất là khi trẻ ngồi học sẽ ảnh hưởng không tốt tới cột sống. Đây cũng là một trong những tác nhân gây cong vẹo cột sống. Điều này ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống của trẻ. Trường hợp nặng có thể gây rối loạn tư thế, dị dạng thân hình, tác động xấu đến tâm lý của trẻ…
Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra, những người ngồi thẳng lưng, đúng tư thế thường tự tin vào những ý tưởng và ý kiến trong công việc, cuộc sống hơn những người khác.
4. Đeo tai nghe nhạc nhiều hại cho thính giác
Thường xuyên thấy trẻ đeo tai nghe nhạc với âm lượng lớn, cha mẹ không khỏi lo lắng. Họ thường phải nhắc nhở trẻ vì điều này gây hại cho thính giác. Nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ đã cho thấy, việc đeo tai nghe nhạc thường xuyên với âm lượng lớn có nguy cơ mất thính lực. Nhất là khi trẻ có xu hướng để âm lượng rất lớn để cố chặn những tiếng ồn xung quanh.
Một nghiên cứu của Hà Lan cũng chỉ ra, trẻ nghe nhạc qua tai nghe có nguy cơ mất thính lực hơn cả bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn bên ngoài.
5. Dọn dẹp phòng ốc sạch sẽ, gọn gàng
Cha mẹ thường hay nhắc trẻ lau dọn phòng sạch sẽ, bởi điều này rất tốt cho sức khỏe. Việc lau chùi bụi bẩn giúp không gian sống của trẻ sạch sẽ và giảm nguy cơ dị ứng. Nghiên cứu đăng trên Tạp chí Environmental Psychology đã chỉ ra, việc sống trong căn phòng lộn xộn có thể khiến bạn thấy lo lắng, mất tập trung. Theo Tiến sĩ Morros, một căn phòng được sắp xếp gọn gàng, lau chùi sạch sẽ có tác động tích cực đến giấc ngủ và niềm vui của chủ căn phòng.
Thêm nữa, một khảo sát được tiến hành bởi hãng khăn lau Clorox (Mỹ) cho thấy, những người thích dọn dẹp nhà cửa hạnh phúc hơn những người cam chịu sống trong bừa bộn. Cứ thêm một giờ dọn dẹp nhà cửa mỗi tuần sẽ giúp mỗi người tăng thêm niềm vui, hạnh phúc.
6. Đi ngủ sớm
Nhiều trẻ có thói quen thức khuya nên khi cha mẹ nhắc đi ngủ sớm, đúng giờ trẻ thường cho rằng đó giống như một… hình phạt. Nhưng rất nhiều "bằng chứng" cho thấy việc cha mẹ muốn trẻ đi ngủ sớm là đúng đắn. Nghiên cứu của trường ĐH bang Ohio (Mỹ) đã chỉ ra, những trẻ ngủ sau 9 giờ tối có nhiều nguy cơ béo phì hơn trẻ khác khi trưởng thành.
Một nghiên cứu của các chuyên gia giấc ngủ ở Canada cũng tiết lộ, người ngủ sớm dậy sớm có tinh thần và tâm lý tốt hơn so với những người thức khuya, dậy muộn. Người ngủ sớm, dậy sớm có tâm trạng tích cực, lạc quan và cởi mở hơn.