“Thiên vị” văn học trung đại
Theo ban soạn thảo chương trình, một trong những hạn chế của chương trình, sách giáo khoa (SGK) hiện hành là chương trình môn Ngữ văn các cấp bị bó hẹp, chỉ giới hạn trong một số tác phẩm, nhất là khi kiểm tra đánh giá.
Để khắc phục tình trạng này, chương trình mới được xây dựng với định hướng mở, giao quyền chủ động cho tác giả viết SGK và giáo viên, tập trung vào dạy cách đọc các thể loại tiêu biểu thông qua các tác phẩm tiêu biểu. Đây là lý do khi chỉ có 6 tác phẩm dạy học mang tính bắt buộc. Cụ thể là: Bài thơ Thần, Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo, Truyện Kiều, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc và Tuyên ngôn độc lập.
Chia sẻ với Báo Phụ nữ Việt Nam, TS Trịnh Thu Tuyết cho biết, có nhiều sự mất cân đối khi lựa chọn tác phẩm mang tính xuyên suốt về nội dung tư tưởng, cảm hứng chủ đạo và đặc trưng về thể loại.
Theo TS Thu Tuyết, khác với một số quốc gia khác hầu như không phải đối phó với những cuộc chiến tranh vệ quốc liên miên, thì người dân Việt Nam ít nhất phải làm ba việc: Lao động, sáng tạo xây dựng đất nước; chiến đấu bảo vệ đất nước; sống với nhau, yêu thương nhau, làm khổ nhau nữa... với đồng thời cả những phẩm chất và thói hư tật xấu trong tâm lý, tính cách.
Tuy vậy, trong số 6 tác phẩm bắt buộc thì ngoại trừ Truyện Kiều, 5 tác phẩm còn lại đều phản ánh tinh thần quật cường, bất khuất, ý chí độc lập tự chủ của dân tộc Việt trong và sau những cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại.
“Đọc chương trình, thấy tự hào về truyền thống ngàn năm bất khuất, mà vẫn không khỏi băn khoăn: Cả 5 tác phẩm đều mang cảm hứng sử thi, hướng về vận mệnh cộng đồng, ca ngợi những phẩm chất cộng đồng, phản ánh những nỗi đau và vẻ đẹp cộng đồng... Học sinh sẽ tìm đâu cái đời thường bình dị, nhọc nhằn, đa đoan đa diện của cuộc sống nhân sinh thế sự, tìm đâu con người cá nhân với cả vẻ đẹp, góc tối khuất và những nỗi đau? Tôi cho rằng, gương mặt tinh thần của dân tộc cần được phác họa đầy đặn hơn, ít nhất là trong những tác phẩm mang tính bắt buộc” - TS Trịnh Thu Tuyết nói.
TS Tuyết cũng băn khoăn về sự mất cân đối về thể loại, bởi 6 tác phẩm chỉ tập trung vào hai thể là thơ và văn chính luận. Bên cạnh đó, yếu tố thời đại cũng có xu hướng “thiên vị” cho văn học trung đại khi 5/6 tác phẩm đều thuộc thời kỳ này (ngoại trừ Tuyên ngôn độc lập).
Chủ yếu bồi dưỡng lòng yêu nước
Cũng liên quan đến 6 tác phẩm bắt buộc trên, TS Trịnh Thu Tuyết băn khoăn về mối tương quan giữa chương trình ngữ văn mới và mục tiêu hình thành các phẩm chất, năng lực theo tinh thần Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.
Theo đó, các phẩm chất như yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm, các năng lực ngôn ngữ, năng lực thẩm mĩ... sẽ hình thành như thế nào nếu chương trình đưa ra 6 tác phẩm bắt buộc chưa thể hiện tính đa diện, toàn vẹn về cả đặc trưng thể loại và nội dung cảm hứng.
“5 trong 6 tác phẩm bắt buộc thể hiện cảm hứng yêu nước và khuynh hướng sử thi sâu đậm, học sinh sẽ chủ yếu được bồi dưỡng lòng yêu nước hơn là những phẩm chất còn lại. Sự khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu giáo dục sẽ càng đặt ra rõ hơn nếu giả thiết một vài nhóm tác giả viết sách giáo khoa lựa chọn những tác phẩm khác nhau để đưa vào chương trình cũng thiên về một hướng cảm hứng hoặc thể loại, hoặc giai đoạn văn học nào đó” - TS Tuyết nói.
Khắc phục tình trạng văn mẫu
Băn khoăn về 6 tác phẩm bắt buộc, tuy nhiên về phương án giáo viên được lựa chọn tác phẩm dựa trên các bộ sách giáo khoa mới khác nhau, TS Trịnh Thu Tuyết rất đồng tình.
Theo bà, dự thảo chương trình Ngữ văn sẽ xây dựng theo hướng mở, không quy định chi tiết về nội dung dạy học và các văn bản cụ thể mà chú trọng những yêu cầu cần đạt về đọc, viết, nói và nghe cho mỗi lớp... Các nhóm tác giả viết sách giáo khoa có thể chủ động lựa chọn những tác phẩm khác nhau để đưa vào sách giáo khoa.
“Trước đến nay, chương trình học chủ yếu cung cấp kiến thức cho học sinh, trong khi đó, kiến thức ngoài nhà trường là vô hạn, học sinh sẽ rất khó khăn tiếp cận biển kiến thức ấy nếu phần kĩ năng chưa được chú trọng. Chính vì vậy đây là hướng đi rất mới, trong đó khắc phục được tình trạng học vẹt, học theo văn mẫu, chú trọng phát triển kĩ năng đọc, viết, nói và nghe, kĩ năng đọc hiểu, kĩ năng tạo lập, thực hành, vận dụng văn bản” - TS Thu Tuyết nhấn mạnh.