7 ‘chiêu’ giải phóng áp lực thành tích học tập cho con

13/04/2018 - 17:03
Việc nam sinh lớp 10 trường THCS, THPT Nguyễn Khuyến (P.13, Q.Tân Bình, TPHCM), nhảy lầu tự tử do áp lực học tập khiến nhiều phụ huynh giật mình. TS Vũ Thu Hương 'mách' phụ huynh 7 'chiêu' để giải phóng áp lực thành tích học tập cho con.

Nhiều cha mẹ rất hiểu việc không nên áp lực việc học tập lên đứa con mà mình rất vất vả sinh ra và nuôi mãi mới lớn. Nhưng không dễ dàng để có thể dũng cảm vượt qua mong muốn con phải "xịn" để khoe. Vậy làm cách nào đây? Dưới đây là 7 “chiêu” để bố mẹ có thể giải phóng con khỏi những áp lực vô hình:

giamapluc2.jpg
Nhiều cha mẹ đẩy áp lực học tập lên con. Ảnh minh họa

1. Đừng suy diễn kiểu gen di truyền. Cái kiểu suy nghĩ "ngày xưa mình học giỏi thì bây giờ con mình cũng phải học giỏi" không đúng đâu! Lối suy nghĩ cứng nhắc, võ đoán, một chiều này sẽ khiến các bố mẹ gia tăng áp lực điểm số lên đầu con trẻ. Điều này thật vô lý và không công bằng cho các con. 

2. Mỗi con người đều có khả năng nhất định. Tìm và phát huy đúng khả năng mình có mới là con đường đúng đắn để vươn tới thành công. Việc đem con mình so sánh với con nhà khác để "ép" con phấn đấu sẽ không bao giờ đem lại kết quả gì. Bạn đừng quên rặng, một đứa trẻ học kém, thường xuyên bị cô giáo mắng mỏ hoàn toàn có thể trở thành một ca sĩ nổi tiếng trong tương lai. Vì thế, ép các con phải luôn được điểm 10 môn Toán, điểm 9 môn Văn sẽ hoàn toàn là vô nghĩa. Hãy luôn tin tưởng vào con, bạn ạ!

3. Điểm số bây giờ sẽ hoàn toàn vô giá trị trong tương lai. 10, 20 năm nữa sẽ chẳng có ai hỏi đến điểm số của con bạn ngày hôm nay. Thậm chí, nếu tuổi thơ học quá giỏi mà lớn lên cuộc sống, công việc không suôn sẻ còn có thể khiến các con cảm thấy tự ti. Vậy nên, cha mẹ đừng để điểm số làm con thiếu tự tin.

giamapluc3.jpg
Con bị điểm kém, thường xuyên bị cô giáo mắng mỏ hoàn toàn có thể trở thành nghệ sĩ nổi tiếng trong tương lai. Ảnh minh họa

4. Điểm 7, 8 thậm chí 5, 6 vẫn đường hoàng lên lớp, vẫn có chỗ trong các ngôi trường ở cấp cao hơn chứ tương lai không dành riêng cho những người điểm 9,10. Do vậy, đạt yêu cầu là mức đủ để cho trẻ tiếp tục con đường học vấn. Các cha mẹ không cần phải quá lo lắng ép con đi học thêm chỉ vì áp lực điểm 10.

5. Thành công quá sớm sẽ khiến con bị áp lực là liên tiếp phải thành công không bao giờ được phép thất bại. Liệu cuộc sống đầy áp lực như vậy có hạnh phúc? Chẳng lẽ các cha mẹ muốn con mình bất hạnh?

6. Con trẻ thi trượt, đúp, học lại 1 năm sẽ là bài học quý giá để các con khiêm tốn hơn, nhìn nhận mọi thứ chính xác và cẩn trọng hơn sẽ là tiền để con thành công về sau. Trượt đại học hay trượt cấp 3 không phải là "đại họa" hủy hoại toàn bộ tương lai của con. Thay vì "nổi đóa" gây áp lực, nhồi nhét kiến thức cho con bằng mọi cách, hãy cho con được phép thất bại để tự học hỏi nhiều hơn!

7. Con người khác có thể điểm cao, học giỏi nhưng chắc gì đã lễ phép, ngoan ngoãn và giỏi việc nhà như con mình? Đừng nhìn vào tờ giấy khen của con nhà người ta để nghĩ con mình là "đồ bỏ đi". 

Nếu các bố mẹ suy nghĩ tích cực theo 7 điều trên đây, chắc chắn áp lực điểm số của con sẽ giảm dần và bọn trẻ sẽ hạnh phúc hơn nhiều. Mong các mẹ hãy sáng suốt và hãy yêu đứa con mình có chứ đừng yêu đứa con mình muốn có!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm