pnvnonline@phunuvietnam.vn
7 dấu hiệu cho thấy bạn có trái tim khỏe mạnh
Bệnh tim là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở cả nam và nữ trên toàn thế giới. Đặc biệt, hiện nay bệnh tim mạch còn có xu hướng trẻ hoá. Để có một trái tim khoẻ mạnh, "chìa khoá" quan trọng là phát hiện sớm những triệu chứng ban đầu để có phòng ngừa kịp thời.
Dưới đây là 7 dấu hiệu của một trái tim khoẻ mạnh. Nếu sở hữu những dấu hiệu này thì bạn vẫn nên duy trì sức khoẻ bằng chế độ ăn uống và luyện tập khoa học. Như vậy, bạn có thể phòng tránh được các bệnh tim mạch và có một sức khoẻ tổng thể tốt.
1. Huyết áp ổn định
Huyết áp là lực của máu tác động lên thành động mạch khi tim bơm máu đi khắp cơ thể. Do đó, huyết áp là một trong những chỉ số có thể phản ánh tình trạng sức khoẻ tim mạch.
Huyết áp nằm trong khoảng từ 90/60mmHg đến 120/80mmHg là bình thường và thể hiện bạn có một trái tim khoẻ mạnh.
Nhưng nếu huyết áp trên 140/90mmHg hoặc 130/80mmHg thì đây là tình trạng huyết áp cao. Huyết áp cao kéo dài nhiều năm có thể làm cứng và thu hẹp thành động mạch, cản trở lưu lượng máu đến tim, có thể dẫn đến bệnh tim hoặc đau tim.
Huyết áp của bạn có thể tăng hoặc giảm tùy thuộc vào độ tuổi, tình trạng tim, cảm xúc, hoạt động và loại thuốc bạn dùng. Chỉ số cao không có nghĩa là bạn bị huyết áp cao. Để có kết quả chính xác, bạn nên đo huyết áp vào những thời điểm khác nhau khi đang nghỉ ngơi.
2. Nhịp tim bình thường
Đối với hầu hết người lớn, nhịp tim khi nghỉ ngơi ở mức bình thường dao động trong khoảng từ 60 đến 100 nhịp mỗi phút. Một số người tập thể dục thường xuyên có nhịp tim thấp tới 40, đó là một dấu hiệu tốt.
Cách dễ nhất để biết tim bạn đập nhanh như thế nào là cảm nhận mạch đập của bạn, cụ thể:
- Sử dụng một chiếc đồng hồ và tính bằng kim giây.
- Đặt ngón trỏ và ngón giữa của bàn tay lên cổ tay trong của cánh tay kia, ngay dưới gốc ngón cái. Bạn sẽ cảm thấy có tiếng gõ hoặc nhịp đập vào ngón tay của mình.
- Đếm số lần đập mà bạn cảm thấy trong 10 giây.
- Nhân số đó với 6 để biết nhịp tim của bạn trong 1 phút.
3. Mức năng lượng cao
Một trong những cách dễ nhất để biết rằng liệu bạn có một trái tim khỏe mạnh hay không là mức năng lượng của bạn cao như thế nào trong suốt cả ngày. Nếu bạn thường xuyên cảm thấy mệt mỏi khi tham gia các hoạt động nhẹ nhàng (như đi bộ, mua sắm hoặc đi lên cầu thang) thì tim bạn đang gặp khó khăn trong việc bơm đủ máu để phục vụ mọi nhu cầu của cơ thể.
Mệt mỏi quá mức vào ban ngày hoặc ngáy nhiều vào ban đêm cũng có thể là do chứng ngưng thở khi ngủ. Chứng ngưng thở khi ngủ khiến bạn có nguy cơ cao bị huyết áp cao và nhịp tim bất thường (gọi là rung tâm nhĩ).
Ngủ không đủ giấc hoặc ngủ không ngon giấc có thể là dấu hiệu của trái tim không khỏe và có thể dẫn đến các bệnh tim nghiêm trọng nếu không được điều trị. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, nguy cơ sức khỏe tim mạch kém của bạn tăng 25% nếu bạn ngủ ít hơn 6 giờ mỗi ngày. Đồng thời, nếu mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, bạn có 200% nguy cơ mắc các vấn đề về tim so với những người ngủ lâu hơn.
4. Mức cholesterol ổn định
Cholesterol là một chỉ số quan trọng có thể phản ánh sức khoẻ tim mạch. Cơ thể bạn cần cholesterol để xây dựng các tế bào khỏe mạnh nhưng khi ở mức phù hợp. Nếu cholesterol cao trong thời gian dài mà không có hướng khắc phục thì có thể dẫn tới xơ vữa động mạch, các biến chứng về tim như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, tăng huyết áp,...
Đối với người lớn (18 tuổi trở lên), mức cholesterol toàn phần dưới 200 mg/dl được coi là khỏe mạnh. Tuy nhiên, chỉ số 200 - 239 mg/dl được coi là mức cao hơn giới hạn; chỉ số từ 240 mg/dl trở đi là mức đáng báo đông, nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao. LDL khỏe mạnh phải dưới 100 mg/dL và HDL lớn hơn 40 mg/dL.
Đối với trẻ em (17 tuổi trở xuống), cholesterol toàn phần phải dưới 170 mg/dL, LDL dưới 110 mg/dL và HDL lớn hơn 45 mg/dL.
Không có cách nào để biết mức cholesterol của bạn cao hay thấp ngoại trừ việc thực hiện xét nghiệm máu.
5. Sức khoẻ răng miệng tốt
Sức khỏe răng miệng tốt cũng là một trong những dấu hiệu chứng tỏ một trái tim khỏe mạnh. Một nghiên cứu năm 2021 của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ tiết lộ rằng những người có nướu răng khỏe mạnh thường có huyết áp thấp hơn so với những người mắc bệnh nướu răng nghiêm trọng.
Vệ sinh răng miệng rất quan trọng, vì nghiên cứu tương tự đã tiết lộ rằng nếu bạn đánh răng ít hơn 2 lần một ngày, ít nhất hai phút mỗi lần, bạn có nguy cơ bị hoặc tử vong vì đột quỵ, suy tim hoặc đau tim cao gấp 3 lần. Do đó, mọi người nên đến gặp bác sĩ 6 tháng một lần để kiểm tra và đánh giá tình trạng sức khoẻ răng miệng.
6. Đường huyết ổn định
Mắc bệnh tiểu đường hoặc thậm chí chỉ là lượng đường trong máu cao theo thời gian có thể gây tổn thương dây thần kinh và mạch máu, dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh tim hoặc đột quỵ. Do đó, mức đường huyết ổn định có thể cho thấy bạn có một trái tim khoẻ mạnh.
7. Thở đều
Nếu bạn có thể thực hiện các hoạt động thể chất cường độ vừa phải, chẳng hạn như đi bộ nhanh, chạy hoặc nâng tạ mà không bị đau ngực, tức ngực hoặc khó thở, thì hệ thống tim mạch của bạn đang cung cấp cho cơ thể lượng oxy cần thiết và bạn có một trái tim khỏe mạnh.
Nếu những hoạt động này khiến bạn hụt hơi và buộc bạn phải dừng một hoạt động nào đó, hãy lưu ý điều này vì có thể trái tim của bạn đang gặp vấn đề.
Cách chăm sóc sức khoẻ trái tim vào mùa lạnh
Nếu bạn có 7 dấu hiệu chứng tỏ trái tim khoẻ mạnh thì bạn cũng không nên chủ quan, đặc biệt vào mùa lạnh, sức khoẻ tim mạch dễ bị ảnh hưởng. Để bảo vệ sức khoẻ của tim vào mùa lạnh, nhất là những người thuộc nhóm nguy cơ cao hoặc đang mắc bệnh tim mạch nên lưu ý một số điều sau:
1. Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh: Bạn nên bổ sung nhiều rau xanh, trái cây, các loại hạt. Tránh các thực phẩm chiên, béo, có đường, nhiều muối vì những thực phẩm này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
Đặc biệt, vào mùa đông bạn nên ưu tiên những món ăn ấm nóng, vừa giữ ấm cho cơ thể lại tốt cho sức khoẻ.
2. Giữ ấm cho cơ thể: Nhiệt độ lạnh khiến mạch máu co lại hoặc hẹp hơn. Khi mạch máu của bạn co lại, huyết áp của bạn sẽ tăng lên. Tim của bạn phải làm việc nhiều hơn để bơm máu qua các mạch máu bị co thắt trong cơ thể. Vì vậy, việc giữ ấm cho cơ thể là điều cần thiết, đặc biệt những người đang mắc bệnh tim.
3. Tập thể dục đều đặn: Ngay cả khi thời tiết lạnh bạn cũng nên duy trì vận động, thể dục thường xuyên. Thói quen này vừa tốt cho tim mạch lại tăng cường sức khoẻ tổng thể. Tập thể dục không cần thiết phải được thực hiện bên ngoài. Bạn có thể tập thể dục bên trong bằng cách tập yoga, khiêu vũ, thể dục nhịp điệu nhẹ nhàng, các bài tập tại nhà hoặc thiền.
4. Hạn chế sử dụng rượu bia hoặc đồ uống có chất kích thích.
5. Không hút thuốc lá.
6. Uống nước đầy đủ: Mặc dù uống nước vào mùa đông thường bị lãng quên nhưng bạn nên nhắc nhở bản thân uống nhiều nước ấm, canh ấm để tránh để cơ thể bị mất nước.