pnvnonline@phunuvietnam.vn
"Cẩm nang" rèn luyện sức khỏe tinh thần
Ảnh minh họa
Tập thể dục thường xuyên: Một trong những cách hữu hiệu để giảm thiểu căng thẳng chính là tập thể dục. Tập thể dục và hoạt động thể chất giúp bạn thả lỏng cơ bắp bị kéo căng. Tập thể dục còn khiến cơ thể sản sinh ra endorphin, chất dẫn truyền thần kinh giúp bạn cảm thấy vui vẻ và ức chế phản ứng căng thẳng của cơ thể, khiến bạn bình tĩnh hơn.
Ăn uống điều độ: Chế độ ăn phù hợp và thói quen ăn uống cũng giúp giảm thiểu căng thẳng. Hạn chế caffein và rượu. Tiêu thụ quá nhiều chất trên có thể khiến bạn lo âu. Uống nhiều loại đồ uống có cồn hàng ngày sẽ khiến bạn khó kiểm soát căng thẳng hơn.
Ngủ đủ giấc: Giấc ngủ là thời gian để cơ thể phục hồi sau một ngày dài. Giấc ngủ đóng vai trò như nút thiết lập lại mức độ căng thẳng của bạn. Nó giúp bạn tránh được những phản ứng căng thẳng nghiêm trọng như lo âu.
Ngừng chỉ trích bản thân: Cảm thấy hạnh phúc về bản thân là điều quan trọng đối với sức khoẻ tinh thần. Suy nghĩ lo lắng và tiêu cực có thể khiến bạn thất vọng, đau khổ. Thay đổi suy nghĩ tiêu cực bằng suy nghĩ thiết thực và tốt đẹp hơn.
Tập trung vào điểm mạnh của bản thân: Trong thời điểm khó khăn, bạn nên tập trung vào điều có thể giúp bạn vượt qua thử thách của cuộc sống. Việc thừa nhận những điểm mạnh của bản thân sẽ nhắc nhở bạn về giá trị của chính mình. Điều này rất quan trọng để có tinh thần khoẻ mạnh.
Luôn trân trọng mình: Bằng cách nói hay viết ra những điều bạn thích hay ngưỡng mộ về bản thân. Hiểu được đặc điểm bạn thích ở bản thân chính là cú huých lớn để tạo dựng sự tự tin. Nói to điều bạn thích ở bản thân trước gương. Bất cứ khi nào có thời gian, bạn có thể thực hiện bài tập nhỏ này. Tập nhiều lần sẽ giúp tạo dựng sự tự tin.
Dành thời gian cho bản thân: Điều thiết yếu để sở hữu sức khoẻ tinh thần lành mạnh là khả năng điều chỉnh cảm xúc và xoa dịu nỗi đau. Một phần trong đó chính là dành thời gian mỗi ngày để làm điều khiến bạn thấy hạnh phúc. Ví dụ, bạn có thể nói chuyện với bạn bè, đi dạo, nghe nhạc, thực hiện hoạt động thư giãn như tắm bồn.
Tập trung vào phản ứng cảm xúc: Thay vì phản ứng tức thì với một sự việc tiêu cực, hãy thử rũ bỏ tâm trí để tập trung vào phản ứng cảm xúc. Hít thở thật sâu hoặc đếm tới 10 trước khi phản ứng là cách rèn luyện hữu hiệu.
Viết nhật ký: Nhật ký giúp bạn sắp xếp lại suy nghĩ và cảm xúc. Điều này gia tăng nhận thức về phản ứng tình cảm và đem lại lợi ích cả thể chất và tinh thần, chẳng hạn như tăng cường hệ miễn dịch và giải toả căng thẳng.
Cho phép bản thân nghỉ ngơi: Trong cuộc sống sẽ có những khoảnh khắc bạn phải đối mặt cùng lúc với nhiều vấn đề và tất cả dường như trở nên quá tải hoặc quá sức đối với bạn. Lúc đó, bạn nên dừng lại một chút và làm bất cứ điều gì giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn cho đến khi căng thẳng biến mất.
Mở lòng với ai đó: Khi bạn biết rằng, bạn có giá trị trong mắt người khác, hoặc được người khác tôn trọng cũng mang đến cho bạn trạng thái tích cực. Hơn nữa, việc mở lòng với những người đáng tin cậy giúp bạn gia tăng chỉ số hạnh phúc. Nếu bạn có thể tìm ra những khía cạnh tích cực ở người khác, bạn cũng có thể tốt hơn trong việc nhận ra những ưu điểm của bản thân.
Tập trung vào từng khoảnh khắc trong cuộc sống: Chú tâm đến khoảnh khắc hiện tại giúp bạn buông bỏ những cảm xúc tiêu cực hoặc những khó khăn, trải nghiệm đáng quên trong quá khứ. Điều này có thể bắt đầu bằng việc bạn tập trung cảm nhận ngay từ những hoạt động thường ngày, ví dụ, lúc bạn tắm, ăn trưa, hoặc khi đi bộ về nhà. Những lúc này, hãy chú ý đến âm thanh bạn nghe, mùi vị bạn ngửi, bước chân bạn đi...
Thực hành bí quyết này giúp tăng sự tập trung, suy nghĩ của bạn không "đi lang thang" nữa mà về lại với những điều bạn đang làm.