75 năm Ngày truyền thống của Báo PNVN: Bác Hồ và tờ báo riêng của phụ nữ

Nhà văn – nhà báo Nguyệt Tú
08/03/2023 - 06:30
75 năm Ngày truyền thống của Báo PNVN: Bác Hồ và tờ báo riêng của phụ nữ

Bác Hồ làm việc ở chiến khu Việt Bắc Ảnh tư liệu

Khi tôi đưa những tờ báo đầu tiên về cơ quan, trời đã hoàng hôn. Không nói hết được nỗi vui mừng của cơ quan phụ nữ. Mọi người xúm xít quanh tờ báo, bên bếp lửa nhà sàn sáng rực, ai cũng muốn xem trước...

Lần đầu được gặp Bác Hồ!

Hà Nội năm 1946. Hai tháng sau khi tôi được kết nạp vào Đảng, đồng chí phụ trách ban đưa cho tôi một mảnh giấy:

- Có công tác đặc biệt.

Tôi tròn mắt sung sướng:

- Tôi được đi đón Bác Hồ?

Những lần đi đón Bác trước đây không có đại biểu nữ, Bác phê bình: "Thanh niên đi có một chân sao?". Tôi được cử là đại biểu nữ thanh niên Hoàng Diệu đi đón Hồ Chủ tịch. Trưởng đoàn là anh Hồ Trúc (sau này là Thứ trưởng Bộ Giáo dục).

Sau khi ký bản Tạm ước 14 tháng 9 năm 1946 tại Pháp, Bác về nước trên chiến hạm Pháp đến Cảng Hải Phòng. Tàu hỏa đưa Bác từ Hải Phòng về Hà Nội, đến ga Hàng Cỏ.

Hà Nội một ngày thu nắng vàng rực rỡ. Cờ bay đỏ thắm trên mái ngói đỏ và rặng cây xanh. Mười lăm giờ rưỡi, tàu đến ga. Đồng bào đứng đông nghịt trước cửa và dọc đường về Bắc Bộ phủ.

Tôi đi trong đoàn đại biểu Chính phủ do cụ Huỳnh Thúc Kháng dẫn đầu. Tôi được đứng gần Bác. Không ngờ Bác giản dị thế, tựa như một ông già xứ Nghệ bình thường. Tim đập rộn ràng, tôi nhìn Bác không chớp mắt:

- Thưa Bác, bây giờ thanh niên đi hai chân rồi, Bác ạ!

Bác Hồ và tờ báo riêng của phụ nữ - Ảnh 1.

Bác Hồ với các đại biểu Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ III. Trong ảnh, tác giả ngồi hàng trước, thứ 3 từ trái sang

Bác cười, còn tôi rất sung sướng vì đã nói được một câu với Bác.

Bác Hồ quan tâm đến tờ báo riêng của phụ nữ

Tôi nhớ lại. Ngày 8 tháng 3 năm 1947, khi mới lên chiến khu Việt Bắc, tôi tham gia làm tờ báo tay của cơ quan phụ nữ. Báo có truyện ngắn, ca dao, tiểu phẩm, tin hoạt động của Hội khắp nơi. Những hình vẽ cảnh sinh hoạt của cơ quan: một chị gánh mấy ống vầu xuống suối lấy nước; một chị đang gieo rau cải bên bờ suối…. Trang trí báo có màu vàng tô bằng nghệ, thuốc merucre chrome làm màu đỏ.

Cách chỗ chúng tôi khoảng hai cây số, Bác Hồ cũng ở một lán nứa lợp cọ. Thỉnh thoảng, các chị được Bác gọi lên dự họp. Tết đến, các chị làm mứt khoai, bánh caramel đem sang biếu Bác. Tờ báo tay của chúng tôi được đưa lên Bác xem. Nghe chị Phan Thị An nói Bác khen báo đẹp, chúng tôi thấy tự tin hơn. Sau này, tôi vẫn nhớ lời nhận xét của Bác:

- Báo tay các cô đẹp đấy. Nhưng nó chỉ như bông hoa. Các cô phải làm sao cho thành bắp ngô, củ sắn.

Thực hiện lời Bác, các chị ban phụ vận mở chiến dịch trồng rau nuôi tằm ngay tại cơ quan. Chúng tôi đến một xã học cách chặt hom dâu, trồng dâu… rồi phổ biến trên tờ tin của Phụ nữ Trung ương.

Nhiều lần Bác nhắc:

- Phụ nữ nên ra một tạp chí riêng.

Ý Bác rất hợp với nguyện vọng của chúng tôi.

Ngày 19 tháng 8 năm 1948, cơ quan Trung ương Hội ra báo số đầu tiên. Tờ báo in tipô, khổ nhỏ, chỉ lớn hơn quyển vở học sinh một chút. Trang đầu đăng bức thư tay của Bác Hồ, có cả chữ ký. Trang sau in bài xã luận của chị Hoàng Ngân. Theo góp ý của Bác, chúng tôi đặt mục Tin sản xuất bên cạnh Tin công tác Hội. Phần văn nghệ có thơ, ca dao, truyện ngắn, rất ngắn. Hai trang báo dành cho phóng sự: "Trên những nẻo đường kháng chiến". Tôi và chị Tâm Trung phụ trách mục này.

Hai số báo đầu tiên, tôi và Tâm Trung đưa đi in. Chị Bội Hoàn, Tổng thư ký, bảo tôi:

- Về ấp Đồi Cháy ở Nhã Nam mời anh Mai Văn Hiến minh họa cho báo.

Bác Hồ và tờ báo riêng của phụ nữ - Ảnh 2.

Nhà văn – nhà báo Nguyệt Tú

Chúng tôi ôm một xấp bài, đi bộ sáu mươi cây số. Hai chị em đi từ Đại Từ qua con đường Quảng Nạp-Phù Minh đến ấp Đồi Cháy. Nhiều văn nghệ sĩ kháng chiến ở đây, trong đó có nhà văn Nguyên Hồng. Các anh rất ưu ái tờ báo của phụ nữ. Tôi phấn khởi đưa khoe bức thư tay của Bác Hồ gửi cho báo Phụ Nữ. Họa sĩ Tạ Thúc Bình vẽ cho số báo đầu tiên một phụ bản rất đẹp: những cô gái Tày cấy lúa trên các thửa ruộng bậc thang. Màu áo xanh lam nổi bật trên màu xanh non những khóm mạ. Anh Mai Văn Hiến nói:

- Tôi phải minh họa mục "Trên những nẻo đường kháng chiến" của các chị sao cho thật sinh động!

Anh Nguyên Hồng góp lời:

- Tờ báo của các chị là niềm vui của mọi người. Ai cũng muốn tìm hiểu hậu phương của chúng ta.

Các chị giao cho tôi và Tâm Trung toàn quyền trao đổi ý kiến với họa sĩ và ký "bông" cuối cùng cho báo. Chúng tôi hồ hởi đi bộ gần bốn mươi cây số lên nhà in Chiến Thắng ở Khu 12. Nhà in ở sâu trong rừng Bắc Giang. Tờ báo được in trên máy Minerve, loại nhỏ, quay từng trang rất chậm. Tất cả tài liệu của Trung ương dồn về in ở đây nên chúng tôi phải xếp hàng, chờ khá lâu. Mấy hôm in báo, tôi ở luôn nhà in. Tôi cùng thức đêm, chữa morat với công nhân.

Tôi thích nhất tờ phụ bản. Nó làm cho tờ báo thêm phần sang trọng. Tờ phụ bản phải in đi in lại nhiều lần mới lấy được đúng màu của họa sĩ.

Ở ấp Đồi Cháy, anh chị Nguyên Hồng đãi chúng tôi một bữa canh cua nấu với rau rút, khoai sọ. Canh ngon quá, tôi quên cả mùi vị núi rừng của bữa cơm rau tàu bay trên An toàn khu.

In xong, báo được chuyển về Nhà Nam. Từ đây, ban giao thông Phụ nữ Trung ương gánh chuyển về Khu 10, Khu 11 và mấy tỉnh gần đó. Số lượng in không nhiều. Khó khăn lắm mới đưa được báo đến tay người đọc.

Khi tôi đưa những tờ báo đầu tiên về cơ quan, trời đã hoàng hôn. Không nói hết được nỗi vui mừng của cơ quan phụ nữ. Mọi người xúm xít quanh tờ báo, bên bếp lửa nhà sàn sáng rực, ai cũng muốn xem trước.

Tờ báo số 2 chị Tâm Trung đưa đi in. Họa sĩ Trần Văn Cẩn vẽ bìa: một cảnh mùa gặt ở trung du, màu vàng rất đẹp. Khi tờ báo số 3 sắp ra, chúng tôi nhận được tin Pháp sắp đánh lên An toàn khu. Cơ quan được lệnh chuyển về xuôi.

Bức ảnh lịch sử!

Ngày 8 tháng 3 năm 1961, Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ III khai mạc. Những kỷ niệm về Đại hội 60 năm trước đối với tôi tưởng như mới từ hôm qua, vẫn còn tươi rói…

Đại hội vui mừng đón Bác Hồ và các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh đến dự. Tôi được phân công vào Phủ Chủ tịch chụp ảnh, đưa tin, viết bài về cuộc gặp gỡ giữa Bác Hồ với các đại biểu trong nước và Quốc tế.

Đại biểu tỉnh nào cũng muốn chụp ảnh chung với Bác. Bác ưu tiên cho đại biểu miền núi và Quốc tế. Tôi cuống quýt lấy danh sách đại biểu để trình Bác. Trong lúc vội vàng, tôi viết: "Các đại biểu dân tộc… Cao Bằng". Bác gọi tôi, cười thân mật:

- Nguyệt Tú, cô phóng viên ra đây. Cháu viết dân tộc Cao Bằng thì Bác biết là dân tộc gì?

Bị Bác hỏi bất ngờ, tôi hoảng quá, vội vàng nhận khuyết điểm. Mặt tôi nóng ran. Tôi rất xúc động khi được chụp ảnh Bác đứng với đoàn đại biểu từng tỉnh một. Tôi luýnh quýnh, một tay vẫn cầm bó hoa Đại hội tặng, một tay bấm máy lia lịa. Bác cười:

- Hẵng bỏ hoa xuống, không thì che mất ống kính.

Nói xong, Bác gọi tất cả phóng viên nhiếp ảnh cùng một số đại biểu quây quần lại bên Bác. Bác ngồi luôn xuống đám cỏ và gọi một đồng chí cầm máy ảnh đang đứng dưới lùm cây hoa vàng:

- Chú chụp đi!

Niềm vui bất ngờ, mọi người cười hoan hỉ. Tôi đang ngồi cạnh Bác thì một phóng viên cầm máy quay phim chen vào giữa. Vậy là bức ảnh lịch sử ra đời!

Nhà văn – nhà báo Nguyệt Tú năm nay 98 tuổi, 77 năm tuổi Đảng, là cán bộ lão thành tiền Khởi nghĩa, nguyên phóng viên Báo PNVN, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Phụ nữ, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội LHPN Việt Nam, phu nhân cố Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - trung tướng Lê Quang Đạo.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm