pnvnonline@phunuvietnam.vn
8 loại rau dễ ẩn chứa ký sinh trùng nhất, cần lưu ý khi ăn
Ký sinh trùng trong thực phẩm gây các bệnh phổ biến như rối loạn tiêu hóa, hội chứng thiếu máu, viêm dạ dày, ruột, viêm đại tràng… và thậm chí có thể tử vong trong trường hợp nặng. Thường gặp nhất là amip, lỵ, giun tròn, giun móc, sán dây, sán lá…
Đối với rau củ, những loại sinh trưởng trong môi trường thủy sinh hay bán thủy sinh có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng cao nhất. Một số loại rau củ bề mặt sần sùi, khó rửa sạch hoặc hay dùng ăn sống cũng dễ khiến con người bị nhiễm vi khuẩn, ký sinh trùng gây hại. Vì vậy, hãy đặc biệt chú ý khi sơ chế và chế biến 8 loại rau củ sau đây:
1. Ngó sen và củ sen
Ngó sen hay củ sen không chỉ là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, đường glucose, canxi, photpho, sắt, vitamin C… mà còn là vị thuốc trong Đông y. Nhưng do sinh trưởng trong bùn nên ngó và củ sen tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mang lại bệnh tật cho cả gia súc và con người.
Ngoài những bệnh truyền nhiễm đường tiêu hoá, ngó sen còn là nơi trú ẩn của ấu trùng sán lá ruột, 1 loại sán lá ký sinh trong ruột người và 1 số gia súc, nhất là loài lợn.
Vì vậy, tốt nhất chỉ nên ăn ngó sen và củ sen được nuôi trồng thay vì mọc hoang, đặc biệt là những nơi nguồn nước ô nhiễm, không đảm bảo. Khi chế biến, phải rửa thật kỹ và nấu chín hoàn toàn rồi mới được ăn.
2. Cải xoong
Cải xoong hay còn gọi xà lách xoong là một loại thực vật thủy sinh hay bán thủy sinh. Bởi vì gần như có quanh năm, lại dễ trồng, nhanh lớn, ít tốn công chăm bón, nên được xếp vào 1 trong những loại rau xanh cực kỳ phổ biến từ rất lâu trước đây.
Tuy rất giàu chất dinh dưỡng, ăn giòn, vị ngọt, vô cùng hấp dẫn nhưng loại rau này cũng dễ gây bệnh cho con người mếu chế biến không cẩn thận. Ngoài việc mang theo bùn đất, vi khuẩn rất khó rửa sạch hoàn toàn, cải xoong còn chứa các loại giun như giun đũa, giun móc, giun tóc, giun kim...
3. Hạt dẻ nước
Mặc dù được gọi là hạt dẻ nhưng hạt dẻ nước là loại rau củ thủy sinh mọc trong đầm lầy, ao, ruộng lúa và hồ cạn. Phần củ của hạt dẻ nước sẽ được thu hoạch để làm làm thực phẩm khi thân hoặc củ đã chuyển sang màu nâu sẫm.
Nó có thể được ăn sống sống hoặc nấu chín trong các món canh, hầm, xào với thịt. Nhưng phổ biến nhất vẫn là để làm salad hay cà ri. Ngoài ra, hạt dẻ nước còn đặc biệt tốt cho bồi bổ sức khỏe, ngăn ngừa cao huyết áp, bệnh tim mạch, chữa bệnh dạ dày… nên còn được dùng như 1 bài thuốc dân gian.
Vì môi trường sống mà vi khuẩn và ký sinh trùng rất dễ bám vào vỏ của hạt dẻ nước, đặc biệt là sâu gừng. Do đó, để đảm bảo sức khỏe, nên rửa sạch bằng nước muối nhạt, gọt bỏ vỏ trước khi ăn. Tốt nhất là nên nấu chín hoàn toàn chứ không ăn sống.
4. Xà lách
Xà lách là một loại rau quen thuộc và được nhiều người yêu thích. Loại rau này chứa nhiều chất xơ, vitamin cùng nhiều chất dinh dưỡng khác, đặc biệt là kali.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, do xà lách có nhiều lá xếp đè lên nhau nên tạo điều kiện thuận lợi cho ký sinh trùng cư trú. Vì vậy, để hạn chế vấn đề này, bạn nên tách từng bẹ lá ra để rửa. Đồng thời ngâm nước muối để loại bỏ được hết vi khuẩn và ký sinh trùng cư trú trong lá. Để an toàn hơn, bạn nên hạn chế ăn sống và nên chần xà lách, ngay cả khi làm món salad.
5. Rau cần
Rau cần là loại rau dân dã, phổ biến và có giá rẻ, cách chế biến đa dạng. Rau cần có hai loại, một loại là cần nước được trồng ở các ao nông, một loại là cần cạn trồng ở ruộng.
Trong đó, loại rau cần trồng dưới nước thường sẽ chứa nhiều giun sán, vi khuẩn hơn loại rau cần trồng trên cạn. Chưa kể, nhiều người có thói quen ăn cả phần gốc rau cần sau khi bỏ rễ vì cho rằng như vậy mới thơm ngon và tiết kiệm. Tuy nhiên, đây là phần bẩn nhất, dễ nhiễm ký sinh trùng và không thể làm sạch hoàn toàn dù rửa nhiều lần.
Lá và thân cây rau cần cũng dễ ngập sâu trong nước, khó rửa sạch nên nguy hiểm khi ăn sống. Tốt nhất là không nên ăn sống rau cần, bỏ phần gốc, nhặt sạch rễ và lá sâu sau đó rửa thật kỹ. Khi nấu cũng phải đảm bảo chín kỹ và nếu có nhúng lẩu hãy đảm bảo đã ngâm nước muối trước đó, nhúng trong nước sôi hẳn để đảm bảo sức khỏe.
6. Súp lơ
Súp lơ hay bông cải chứa nhiều vitamin C, vitamin K, canxi, axit folic, kali và chất xơ… vừa bổ dưỡng vừa ngon miệng nên được rất nhiều người yêu thích, sử dụng trong các bữa ăn hàng ngày.
Tuy nhiên, vì hình dạng bên ngoài của súp lơ không bằng phẳng mà có nhiều chỗ lồi lõm, khe rãnh rất nhỏ, gây khó khăn khi rửa sạch. Tại các khe rãnh này sẽ còn tồn đọng rất nhiều chất bẩn, các loại ký sinh trùng, vi khuẩn gây bệnh cho cơ thể con người. Khi làm sạch và chế biến không kỹ, chúng sẽ có khả năng xâm nhập vào cơ thể thông qua đường ruột, nguy cơ dẫn đến vấn đề sức khỏe.
Do đó, tuy súp lơ là thực phẩm dễ mất chất dinh dưỡng trong nhiệt độ cao nhưng mọi người không nên ăn tái, ăn sống. Để khử vi khuẩn, vi trùng còn sót lại, nhiều người còn chần trong nước sôi trước khi chế biến.
7. Củ niễng
Cây niễng khá phổ biến ở các quốc gia Châu Á, thường mọc ở các vùng đầm lầy, ao hồ nước ngọt và có nhiều tên gọi khác nhau. Trước kia, niễng thường được trồng chủ yếu để lấy quả làm thuốc, trong Đông y gọi là giao bạch tử, phần thân thì làm thức ăn cho gia súc nhiều hơn là thực phẩm cho con người.
Tuy nhiên, những năm gần đây, phần thân sát gốc của cây niễng, thường được gọi là củ niễng đã trở thành 1 loại rau thủy sinh rất phổ biến, được nhiều người yêu thích. Cách chế biến chúng cũng rất đa dạng, có thể xào, luộc, nấu canh hoặc thậm chí là ăn sống trực tiếp hoặc làm nộm.
Cần phải lưu ý rằng loại cây này sinh sống trong bùn lầy nên cũng tiềm ẩn rất nhiều ký sinh trùng, vi khuẩn và sâu gừng. Tốt nhất là không nên ăn sống, rửa thật sạch, nấu chín kỹ và tuyệt đối không nên để trẻ em hay người cao tuổi ăn.
8. Nấm sò
Nấm sò là loại thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng, có tác dụng làm giảm cholesterol giúp tăng cường khả năng miễn dịch. Ngoài ra, nấm sò còn chứa nhiều vitamin B3 giúp giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.
Tuy nhiên, nấm sò chưa qua xử lý nhiệt có nhiều nguy cơ ẩn chứa ký sinh trùng. Hơn nữa, nếu bảo quản nấm sò không tốt có thể gây nấm mốc và nhiễm khuẩn.