95% hộ gia đình tại huyện nghèo được tiếp cận thông tin về giảm nghèo bền vững

Bích Hằng
07/10/2022 - 07:52
95% hộ gia đình tại huyện nghèo được tiếp cận thông tin về giảm nghèo bền vững

Ảnh minh họa

Đây là chỉ tiêu được UBND tỉnh Lạng Sơn đặt ra để giải quyết chiều thiếu hụt về thông tin. Theo đó, đến năm 2025, 90% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet; 95% các hộ gia đình sinh sống trên địa bàn huyện nghèo được tiếp cận thông tin về giảm nghèo bền vững.

Theo chuẩn nghèo quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 -2025, Lạng Sơn có tổng số hộ nghèo 23.510 hộ, chiếm 12,20%; hộ cận nghèo 23.248 hộ, chiếm 12,07%.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 đang đang được triển khai tích cực tại tỉnh với các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135.

Những tấm gương phụ nữ phát triển kinh tế  

Tại các cấp Hội phụ nữ, công tác phát hiện, bồi dưỡng điển hình tiên tiến luôn được các cấp Hội triển khai.

Ví dụ như ở huyện Cao Lộc, đã có nhiều gương điển hình tiên tiến, mô hình, cách làm hay của cán bộ, hội viên phụ nữ trong huyện được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận, là gương sáng trong phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững. Tiêu biểu là chị Hoàng Thị Hiển, hội viên phụ nữ thôn Chè Lân, xã Hòa Cư, huyện Cao Lộc.

Gia đình chị Hiển có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thu nhập chính chủ yếu từ cây lúa, ngô, đậu đỗ nhưng chỉ tạm đủ ăn. Nhưng từ năm 2009, được các cấp Hội phụ nữ và chính quyền tuyên truyền, động viên, hướng dẫn, chị đã chuyển đổi sang trồng cây hồng không hạt Bảo Lâm. Từ gần 100 cây hồng đầu tư ban đầu, chị đã thu được hiệu quả kinh tế và tiếp tục  mở rộng diện tích, mua thêm cây giống về trồng. Đến nay, gia đình chị đã có trên 300 cây hồng không hạt với thu nhập hơn 150 triệu đồng mỗi năm. Ngoài ra gia đình chị còn trồng thêm cam canh, mận cơm, chăn nuôi lợn, gà…

95% các hộ gia đình tại huyện nghèo được tiếp cận thông tin về giảm nghèo bền vững  - Ảnh 1.

Chị Hoàng Thị Hiển có cuộc sống ổn định nhờ chuyển đổi cây trồng

Hàng năm, chị Hiển thường xuyên tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do Hội LHPN huyện phối hợp tổ chức, thường xuyên trao đổi kỹ thuật trong các hộ gia đình để học hỏi thêm kinh nghiệm trong sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăm sóc cây, tăng năng suất cây trồng để kinh tế gia đình phát triển hơn. Bên cạnh đó, chị luôn quan tâm, nhiệt tình hướng dẫn tạo điều kiện cho các chị em trong chi hội và ở chi hội khác đến thăm mô hình và học tập kinh nghiệm để cùng nhau giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững.

Tăng cường tuyên truyền về Chương trình mục tiêu quốc gia

Việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lạng Sơn, góp phần nâng cao đời sống của người dân, thay đổi căn bản diện mạo vùng nông thôn, nhất là những địa bàn khó khăn.

Thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tối đa tái nghèo và phát sinh nghèo; tạo điều kiện tốt nhất để người nghèo, hộ nghèo tiếp cận các nguồn lực và các dịch vụ xã hội cơ bản để phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn huyện nghèo, xã, thôn đặc biệt khó khăn; tạo sự chuyển biến tích cực, toàn diện hơn nữa trong công tác giảm nghèo để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo do Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.

95% các hộ gia đình tại huyện nghèo được tiếp cận thông tin về giảm nghèo bền vững  - Ảnh 2.

Từ các khóa tập huấn của Hội LHPN các cấp trong tỉnh, nhiều chị em đã tự tin làm kinh tế, có sản phẩm được trưng bày, giới thiệu

Để triển khai chương trình này đạt hiệu quả cao, ngoài các giải pháp về đổi mới cơ chế, chính sách trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; công tác tuyên truyền, vận động đóng vai trò then chốt, nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân nông thôn về mục tiêu, ý nghĩa của chương trình.

Trong đó, chú trọng đến công tác tuyên truyền nâng cao chất lượng các phong trào thi đua "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.

Riêng về chiều thiếu hụt về thông tin, Tỉnh đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025, 90% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet; 95% các hộ gia đình sinh sống địa bàn huyện nghèo được tiếp cận thông tin về giảm nghèo bền vững thông qua các hình thức xuất bản phẩm, sản phẩm truyền thông.

Mục tiêu cụ thể UBND tỉnh Lạng Sơn đề ra, thực hiện công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030:

- Năm 2022 giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 3%/năm trở lên (các huyện nghèo giảm trên 5%/năm);

- Năm 2023 đến năm 2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2 - 2,5%/năm (các huyện nghèo giảm từ 4 - 4,5%/năm);

- Phấn đấu 01 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm