pnvnonline@phunuvietnam.vn
9x bỏ phố về quê làm rẫy, hằng ngày nhặt sầu rụng, hái rau quả trong vườn
Vườn rau trái sạch, ngày ngày vào rẫy nhặt sầu rụng ăn không kịp
Một vài năm gần đây, đặc biệt là sau khi dịch bệnh Covid-19 hoành hành, ngày càng có nhiều người trẻ quyết tâm rời thành phố để về quê hay lên núi, lên rừng bắt đầu cuộc sống mới.
Họ từ bỏ công việc ổn định theo đuổi nhiều năm, thậm chí có những người đã gây dựng được sự nghiệp nơi phố thị, nhưng cuối cùng, họ vẫn đi. Vì họ không thực sự cảm thấy mình thuộc về thành phố đông đúc, xô bồ.
Có người về quê làm trang trại, có người lên rừng hay tìm đến những khu du lịch nổi tiếng để làm homestay, kinh doanh dịch vụ du lịch…
Với Nguyễn Thị Kiều Hoanh (29 tuổi, quê ở Đắk Lắk), chị cũng chọn trở về quê hương sau một thời gian bươn chải ở thành thị.
Sau nhiều năm học tập, làm việc ở thành phố, chị Kiều Hoanh về quê, dựng lại cuộc sống nơi núi rừng Tây Nguyên xa xôi.
Bỏ lại sau lưng cuộc sống đầy đủ vật chất, tiện nghi nhưng thiếu thốn những mảng xanh của thiên nhiên, chị Kiều Hoanh về quê, dựng lại cuộc sống mới ở nơi núi rừng Tây Nguyên xa xôi, ít bóng người.
Lý do thôi thúc chị Kiều Hoanh rời phố về quê xuất phát từ quá trình làm việc tại Lâm Đồng: "Mình sinh ra và lớn lên ở Đắk Lắk, vào Sài Gòn theo học ngành Công nghệ sinh học, trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh.
Ngành học này phù hợp với sở thích trồng cây, nghiên cứu về nông nghiệp của mình. Quãng thời gian đi học, mình từng làm đề tài nghiên cứu ở Khu Nông nghiệp Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh.
Những năm sống, học tập tại Sài Gòn, mình cảm thấy không hợp với nhịp sống gấp gáp, những ồn ào, xô bồ của phố thị. Thế nên vừa tốt nghiệp xong là mình lên Lâm Đồng, làm giám sát kỹ thuật cho một công ty trồng hoa.
Cứ thế ngày đi làm, tối hoặc cuối tuần lại dạo chơi ở chợ đêm Đà lạt, dạo quanh bờ hồ. Mình rất thích thời tiết Đà Lạt về đêm và sáng sớm.
Tuy nhiên, sau một thời gian làm việc, mình quyết định rời cao nguyên Lâm Đồng vì thấy không hợp. Họ dùng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật khi trồng hoa quá nhiều, nó không đúng với mục tiêu làm nông nghiệp xanh, bền vững mà mình thích."
Rời Lâm Đồng dù "phải lòng" với khí hậu mát mẻ, nhịp sống yên bình nơi ấy, Kiều Hoanh càng không muốn trở lại Sài Gòn.
Sau một thời gian đắn đo cân nhắc, chị quyết định trở về quê hương. Đắk Lắk, quê chị cũng có khí hậu mát mẻ, trong lành, có sẵn điều kiện để Kiều Hoanh theo đuổi mong muốn làm nông nghiệp sạch, bền vững.
Cách đây 7 năm, chị Kiều Hoanh kết hôn và về quê sinh sống. Giờ đây, khi đã là nông dân chính hiệu, cuộc sống của chị ngày ngày gắn liền với vườn tược, cây cối.
Hằng ngày, sau khi cho con đi học, vợ chồng chị lên rẫy chăm bón cho cây. Mùa nắng tưới nước, mùa mưa làm cỏ. Vào mùa thì cùng thu hoạch nông sản. Chiều về họ cùng nhau chăm sóc vườn rau, thu hái những thực phẩm organic chính hiệu để chuẩn bị bữa cơm cho cả gia đình.
Thấy chị Hoành "khoe" thành quả một buổi đi "nhặt" sầu riêng rụng, bẻ măng rừng, thu hái rau sạch, bơ, đậu, bắp ngô... ai nấy không khỏi trầm trồ.
Rau củ, trái cây thu hoạch được, chị buôn bán qua mạng xã hội cho các khách hàng từ thành phố. Lấy thu nhập đó, chị trang trải thêm cho chi phí sinh hoạt của gia đình.
Cuộc sống bình yên nhưng không dành cho những người mộng mơ
Để có được thành quả như hiện tại, vợ chồng chị Kiều Hoanh trải qua không ít thử thách, khó khăn. Đặc biệt là những ngày đầu khi mới bắt tay vào tự làm con số không tròn trĩnh.
9x Đắk Lắk cho hay nhiều lần chị cảm thấy chông chênh, thậm chí muốn từ bỏ khi nhìn bạn bè ngày ngày quần là áo lượt, ngồi văn phòng "sang chảnh", thỉnh thoảng nghỉ việc đi du lịch xả stress, còn mình khi ấy chỉ mới ngoài đôi mươi nhưng cả ngày chân lấm tay bùn, "bán mặt cho đất bán lưng cho trời".
Để có được thành quả như hiện tại, chị Kiều Hoanh cùng chồng phải vượt qua nhiều khó khăn.
Cũng như nhiều người trẻ quyết định bỏ phố về quê khác, dù chọn con đường khởi nghiệp nào, điều chắc chắn là cuộc sống của họ khi rời đô thị dù được coi là bình yên hơn thì vẫn không thể thoát khỏi vòng cơm áo gạo tiền.
Để có được cuộc sống yên bình, không tiếng còi xe… chị Kiều Hoanh phải dũng cảm đánh đổi và quyết định mạnh mẽ, dứt khoát về tương lai của mình, của con mình.
Chị Kiều Hoanh tâm sự: "Trước đây nhiều lần trong đầu mình nghĩ hay mình đã chọn sai, bỏ công việc ngày làm 8 tiếng, cuối tuần nghỉ ngơi, vài tháng du lịch một lần để về đây lấm lem bùn đất suốt ngày.
Những lúc như vậy, mình lại nhớ lí do khiến mình bắt đầu. Rồi lại bước tiếp. Hoàn thiện khu vườn của mình. Ban đầu hai vợ chồng được bố mẹ cho 5 sào đất, rồi dành dụm mua thêm hơn 5 sào liền kề để làm rẫy.
Tụi mình dựng ngôi nhà nhỏ chỉ chưa đến 40 mét vuông, để dành đất trồng hoa phong lan rừng, hoa lan, huệ, trồng thêm rau, đào ao nuôi cá.
Rồi dần dần có vốn, hai vợ chồng trồng thêm cà phê, sầu riêng. Mình xuất phát ở vạch số 0, so với người khác mình chưa gọi là giàu, nhưng giờ cuộc sống tạm ổn. Mình được là chính mình, ở nơi bình yên, ít xe cộ."
Chị Kiều Hoanh sống trong căn nhà nhỏ chỉ chưa đến 40m2, diện tích đất còn lại vợ chồng chị để đào ao nuôi cá, trồng cây và hoa.
Bỏ phố về quê, tưởng chừng đơn giản nhưng thực tế không hề dễ dàng. Chị Kiều Hoanh cho hay khoảng thời gian đầu sẽ vô cùng vất vả, áp lực.
Làm quần quật cả năm, thu nhập thấp, chi phí ngày càng tăng... là những thử thách phải chuẩn bị tinh thần để đối diện.
Theo 9x Đắk Lắk, điều đầu tiên phải cân nhắc trước khi chọn về quê khởi nghiệp chính là tài chính: "Tiền để mua đất, dựng nhà. Tiền để lo cho con học ít nhất là 2 năm đầu khi mọi thứ mới chỉ từng bước hình thành.
Nếu chưa có con, bạn cũng phải chuẩn bị tiền trang trải cho chi phí sinh hoạt của năm đầu tiên. Thực ra việc ăn uống thì không tốn kém lắm, vì ở đây thực phẩm sạch sẵn có, không khí trong lành, mát mẻ.
Nhưng các chi phí sinh hoạt khác cũng không thể thiếu, nếu tài chính không mạnh thì sẽ cực kỳ vất vả".
Về rừng không phải để "đổi đời"
Phương châm “sống chậm hơn để cảm nhận được nhiều hơn” là điều mà 9x Đắk Lắk tâm niệm sau suốt nhiều năm bỏ phố về quê.
Với chị, về quê lập nghiệp không phải để mong làm giàu, "đổi đời". Thậm chí, về quê chính là cách chị tìm về cuộc sống an yên, buông bỏ cả về vật chất, danh vọng, lòng tham, nỗi lo âu…
Sau nhiều năm làm việc quần quật, cuộc sống của họ bây giờ là những ngày quây quần bên những vườn cây, rau, hoa, sáng sáng nhâm nhi cà phê đợi mặt trời, chiều về chăm hoa, tưới cây… Cuộc sống tưởng chừng không gì thú vị hơn nữa.
Chị Kiều Hoanh cũng hướng đến làm nông nghiệp xanh, sạch, bền vững, thay vì chạy theo lợi nhuận, năng suất.
"Mình hướng đến mức an toàn, không lạm dụng phân bón, thuốc hóa học, tuyệt đối không dùng thuốc diệt cỏ. Và quan trọng là làm bền vững, đa cây thay vì trồng một cây.
Vợ chồng mình trồng cây công nghiệp để có thu nhập chính, còn cây ăn quả, rau, hoa thì để phục vụ nhu cầu của gia đình và buôn bán online kiếm thêm thu nhập trang trải hằng ngày.
Tất nhiên làm rẫy mong đổi đời, làm giàu không dễ. Có người sau nhiều năm trồng cà phê tích góp mua thêm đất trồng chanh dây, hồ tiêu thì bệnh tật mãi không có thu, trồng bơ trồng mít không ai mua, đến mùa chặt cho bò ăn.
Sầu riêng thì năm được năm mất dù vất vả sớm khuya. Thế nên mình không nặng là phải làm giàu, mình bằng lòng với cuộc sống bình yên hiện tại, học cách biết đủ, và hướng con mình đến những điều tốt đẹp, hòa nhập với thiên nhiên." - chị Kiều Hoanh cho hay.
Làm nông nghiệp sạch chưa bao giờ là cuộc chơi dễ dàng, thậm chí rất gai góc và không ít người thất bại. Thế nhưng nhờ được học hành bài bản, chị vẫn quyết định phải làm khác với cách canh tác truyền thống và luôn kiên trì theo đuổi mục tiêu mình.