pnvnonline@phunuvietnam.vn
9X Hà Nội nấu hàng nghìn cốc chè hỗ trợ người dân vùng dịch Bắc Giang
Nhóm từ thiện của chị Trang có khoảng gần 10 người.
"Chút công sức này chưa là gì so với sự hy sinh của các y, bác sĩ"
Chị Nguyễn Trang (SN 1991, Hà Nội) - thành viên năng nổ, nhiệt huyết nhất của nhóm "Thiện từ tâm Yên Viên" cho hay: "Tên vậy thôi, chứ thực nhất nhóm của tôi toàn người trong xóm chung tay giúp đỡ người dân tâm dịch Bắc Giang. Đến nay, chúng tôi đã "hoạt động" được hơn nửa tháng, vận chuyển hàng nghìn cốc chè, súp, bánh ngọt... đến tay người dân".
Ban đầu, chị Trang đọc tin tức thấy hình ảnh trẻ nhỏ phải rời xa bố mẹ vào khu cách ly, y bác sĩ "đội nắng" lấy mẫu xét nghiệm và các chiến sĩ trực chốt giữa cái nắng 40 độ nên đã không kìm nổi lòng. Chị quyết định làm điều gì đó với hi vọng có thể giúp đỡ mọi người trong tâm dịch bớt khổ bớt cực.
Chị liền nảy ra ý định lên mạng kêu gọi mọi người nấu chè gửi lên Bắc Giang. "Ai có gì thì ủng hộ nấy: người cân đường, người ít đỗ, người cho tiền... Sau đó, mẹ đẻ, các cô hàng xóm tập trung ở nhà tôi từ sáng sớm chuẩn bị chế biến. Mỗi người một việc, nhanh nhanh chóng chóng làm để kịp đến 7-8h sáng chè chín, nguội rồi đóng 300 cốc và bỏ vào thùng xốp ướp đá. Xong xuôi tôi chở đến nhờ một chị chuyên chạy tuyến xe Hà Nội - Lạng Sơn, đi qua Bắc Giang gửi cho chị Bình - người nhận phân phát đồ cho bà con", người phụ nữ 30 tuổi kể lại.
"Phi vụ" đầu tiên thành công, chị Trang mạnh dạn sáng nào cũng nấu chè, đóng thùng nhờ người vận chuyển đến Bắc Giang. Thậm chí chị còn đứng ra kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ để có thể làm nhiều món hơn nữa, như súp, bánh ngọt... Ngoài ra chị còn xin nước khoáng, khẩu trang, các loại gia vị... gửi lên cho người dân vùng dịch.
"Nhiều người đánh giá cao việc làm của tôi và hàng xóm nhưng đó chẳng là gì so với sự hi sinh của các y bác sĩ, cán bộ chiến sĩ, nhân viên tình nguyện... đã quên mình đến với tâm dịch. Họ chấp nhận rời xa gia đình, con nhỏ để vào "chảo lửa" thì hà cớ gì tôi không góp một chút công sức nhỏ của bản thân chứ?", chị Trang bày tỏ.
Vốn làm nghề bán quần áo nhưng từ khi dịch Covid-19 bùng phát, chị Trang dành nguyên buổi sáng để nấu nướng đồ ăn thức uống gửi lên Bắc Giang. Đáng nói, gia đình chị ai cũng ủng hộ việc làm thiện nguyện này.
"Tôi may mắn có gia đình ở bên. Mẹ đẻ ngày ngày sang phụ giúp một tay. Ông xã thường xuyên chở tôi đi xin thùng xốp. Còn bố mẹ chồng trông 3 đứa con để tôi tập trung tâm ý làm việc. Tôi không dám than mệt nhưng đôi lúc cũng thấy đuối. Nhiều đêm nghĩ đến hàng nghìn cốc chè, súp... mà tôi mất ngủ. Vừa chợp mắt được xíu thì chuông báo thức kêu, tôi bật dậy vệ sinh cá nhân rồi đợi mọi người đến bắt tay vào nấu nướng. Chúng tôi làm từ 4h đến 7h sáng là xong xuôi tất cả, chờ xe đến vận chuyển. Sau đó cả nhóm "nín thờ" chờ đợi các chị trên Bắc Giang báo đã phát hết đồ cho người dân mới dám thở phào nhẹ nhõm. Đấy, làm từ thiện cũng không dễ lắm đâu", chị Trang vui vẻ nói.
"Phải ăn cháo vì không còn sức nhai cơm"
Chị Hà Bình (SN 1976) - Hiệu trưởng của một trường tiểu học tại Bắc Giang là người tiếp nhận đồ ăn thức uống của nhóm chị Trang tâm sự: "Trang và bà con Yên Viên có tâm lắm. Họ tận tụy với từng cốc chè, bát súp rồi gửi lên cho người dân Bắc Giang. Đặc biệt, Trang còn chu đáo gửi cả dầu ăn, bột ngọt... nữa. Đó đều là nhu yếu phẩm cần thiết mà ai cũng cần tới. Bà con Bắc Giang rất biết ơn tấm lòng của nhóm Trang"
Chị Bình bắt đầu làm từ thiện từ năm 2016 với hoạt động giúp đỡ trẻ em nghèo vùng cao, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở Bắc Giang. Năm nay dịch Covid-19 bùng phát, chị tranh thủ vừa chỉ đạo công việc ở trường, vừa thiện nguyện, kêu gọi ủng hộ người dân vùng tâm dịch.
"Tôi kêu gọi các thành viên trong câu lạc bộ thiện nguyện của mình. Sau đó bạn bè thấy tôi nhiệt tình, minh bạch mọi thứ đã giới thiệu thêm nhiều người nữa cùng tham gia. Hàng ngày, tôi giải quyết việc cơ quan vào buổi sáng, chiều bắt đầu công việc thiện nguyện của mình như phân chia hàng hóa ủng hộ, phân công công việc cho các bạn hỗ trợ - kết nối; 12h trưa đi đón hàng và chở đi trao tại các điểm; tối báo cáo nhà tài trợ...", chị Bình nói.
Những tưởng công việc của chị Bình chỉ đơn giản là "cầu nối" giữa người dân và các nhà tài trợ, nhưng thực tế vô cùng vất vả và mệt mỏi. Chị Bình bảo do thời tiết nắng nóng - mưa dông thất thường, đi lại các địa điểm nên rất dễ ốm. Hơn nữa, chị còn là thành viên ban chỉ đạo chống dịch, khối lượng công việc không ít. Vì thế, chị luôn ở trong tình trạng muốn gục gã và dừng lại.
"Có hôm tôi rời nhà khi trời chưa sáng rồi tối muộn mới về. Tôi mệt đến mức phải ăn cháo, chẳng còn sức nhai cơm. Nhưng nghĩ đến người dân vùng dịch, người bị cách ly, các y bác sĩ... tin tưởng mình, tôi lại cố gắng làm tốt nhất có thể với hi vọng dịch sớm được đẩy lùi. Khi ấy mọi người dân quê tôi sẽ quay trở lại cuộc sống thường ngày và tôi cũng vậy", nữ hiệu trưởng tâm sự.
* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ