pnvnonline@phunuvietnam.vn
Người phụ nữ 30 năm đan chiếu Âmber đau đáu tìm người truyền nghề
Bà Kăn Tư đã làm nghề đan chiếu Âmber suốt hơn 30 năm qua
Nghề truyền thống
Theo các cụ cao niên ở huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) nghề đan chiếu Âmber của các đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đã có từ hàng trăm năm nay. Công việc này tuy không đem lại lợi nhuận kinh tế cao, nhưng cũng đủ cho người dân no ấm.
Theo cách gọi của đồng bào người Tà Ôi, chiếu Âmber được đan bằng lá A'anh chác, còn người Pa Cô gọi là Ân chah, người Cơ Tu gọi là Clơng. Còn đối với người miền xuôi thì đây là cây dứa dại. Loại cây này chỉ mọc trong rừng.
Phong tục truyền thống các đồng bào dân tộc ở huyện A Lưới, loại chiếu này là vật sính lễ khi con gái trong nhà đi lấy chồng. Trước khi về nhà chồng, phải có vài ba tấm chiếu này để làm lễ vật, thể hiện tình yêu thương và tôn trọng gia đình nhà trai. Ngoài ra, bà con còn đan gối nằm vì chất liệu thoáng mát, thân thiện với môi trường.
Bà Kăn Tư (56 tuổi, xã Hồng Thái, huyện A Lưới) cho biết, hầu hết phụ nữ Tà Ôi đều được dạy cách đan chiếu sính lễ Âmber từ nhỏ. Tuy nhiên công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo tay, chính vì thế, lớp trẻ hiện nay không có nhiều người làm công việc này.
"Chiếu Âmber là sính lễ không thể thiếu trong đám cưới. Các cặp đôi gần đến ngày cưới thường tìm đến người giỏi nghề đặt hàng. Năm ngoái tôi đan 30 cái cho khách đặt, một chiếc chiếu khổ 1,2m x 1,6m đan liên tục gần 1 tuần mới xong. Giá mỗi chiếc chiếu như vậy có giá khoảng 1 triệu đồng", người phụ nữ người Tà Ôi chia sẻ.
Người phụ nữ 56 tuổi cho biết, bà đã gắn bó với công việc này hơn 30 năm nay. Cũng nhờ vào đan chiếu mà bà đã nuôi được 4 người con ăn học đến nơi đến trốn, xây được nhà mới. Hiện tại bà còn có quyền sổ tiết kiệm 80 triệu gửi ngân hàng. Để làm ra một chiếc chiếu tốn rất nhiều công sức, hàng ngày phải lên rừng hái lá, sau đó mang về nhà phơi khô, tước lá rồi nhuộm màu.
"Vất vả nhất là những hôm đi hái lá trong rừng. Trước đây cứ vào rừng là thấy, nhưng thời gian gần đây đi tìm rất khó. Có những hôm đi từ 5h sáng đến 12h trưa mới thấy vài bụi, có hôm thì phải về tay không. Có thể do người dân khai thác nhiều, cây mọc không kịp", bà Tư chia sẻ.
Đau đáu vì không tìm được "đệ tử" chân truyền
Suốt hơn 30 năm làm nghề, đã có rất nhiều phụ nữ trong khu vực tìm đến bà Tư để học nghề. Thế nhưng bà không hề lấy công, thậm chí khi học viên biết việc, bà Tư còn trả công cho họ, theo sản phẩm.
"Năm ngoái, có một nhóm 3 cháu gái khoảng 15 tuổi ở làng bên được bố mẹ đưa đến học việc. Ban đầu tôi hướng dẫn các cháu cách tước lá, vì đây là công đoạn dễ nhất. Sau đó, các cháu ngồi xem tôi đan, vừa đan tôi vừa chia sẻ công thức. Khoảng 10 ngày sau, cả 3 cháu đều biết đan. Thế nhưng các cháu chỉ làm được vài tháng thì cùng nhau nghỉ vì thấy thu nhập thấp quá", bà Tư chia sẻ.
Theo bà Tư, công việc này đòi hỏi sự kiên trì, nếu không thật sự yêu nghề thì sẽ không thể làm được. Trước đây, khi còn trẻ, mỗi ngày bà chỉ ngồi đan được khoảng 2 tiếng là thấy chán, bỏ đi làm việc khác. Nhưng sau này khi tay nghề cao hơn, cùng với nỗi lo cơm áo gạo tiền, mỗi ngày bà đan 12-14 tiếng, có những đợt làm hàng đặt cho khách, mỗi ngày bà Tư đan 18 tiếng.
"Làm công việc này không vất vả, nếu mỗi ngày chỉ ngồi đan 6-8 tiếng thì thu nhập sẽ không cao bằng công việc khác. Nhưng nếu mỗi ngày làm từ 12- 13 tiếng, tôi khẳng định thu nhập không dưới 5 triệu đồng", bà Tư nói.
Ở độ tuổi 56, sức khỏe bà Tư đang ở bên kia sườn dốc, bà đang bị huyết áp cao, hàng ngày phải uống thuốc. Mỗi ngày bà chỉ ngồi đan được vài ba tiếng, thời gian còn lại, bà hướng dẫn các chị em phụ nữ đến học nghề.
"Giờ có tuổi rồi, nhiều bệnh lắm. Chắc không làm được lâu nữa, tôi chỉ tiếc rằng, bao nhiêu năm qua, hướng dẫn hàng trăm, hàng nghìn người làm công việc này, nhưng không thể tìm được một người thật sự yêu nghề để có thể tiếp tục nối nghiệp tôi. Nhà có 3 cô con gái, nhưng không đứa nào theo nghề mẹ cả. Sau này khi tôi nhắm mắt xuôi tay, không biết xưởng đan chiếu của tôi sẽ ra sao…", bà Tư buồn bã.