Liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm tại Trường Mần non Xuân Nộn (huyện Đông Anh, Hà Nội), chiều ngày 21/11 trao đổi với PNVN, ông Trần Ngọc Tụ, Chi Cục trưởng Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội) cho biết, trong số gần 230 trẻ bị ngộ độc, hiện còn 32 bé đang điều trị tại BV Đa khoa Đông Anh và BV Đa khoa Bắc Thăng Long. Các bé còn lại sức khỏe đã ổn định nên được xuất viện.
Trước đó, kết quả xét nghiệm các mẫu thức ăn, đã phát hiện có 1 mẫu bánh ngọt dương tính với vi khuẩn Salmonella. Theo báo cáo, các thực phẩm được cung cấp bởi Công ty thực phẩm Bảo An (thị trấn Đông Anh, Hà Nội). Còn mẫu bánh ngọt này được cung cấp bởi Công ty Cổ phần sản xuất và thương mại Nguyên Cát (phường Hạp Lĩnh, TP. Bắc Ninh).
Từ thông tin trên, cơ quan chức năng đã tiến hành thanh tra cơ sở sản xuất bánh ngọt Nguyên Cát. Đoàn thanh tra đã tiến hành lập biên bản yêu cầu đình chỉ hoạt động có thời hạn; đề nghị thu hồi, tiêu hủy các sản phẩm, thực phẩm gây ô nhiễm và tiến hành xử phạt theo quy định với công ty Nguyên Cát.
Vậy trong vụ ngộ độc ở Xuân Nộn, trách nhiệm của các bên như thế nào?
Liên quan vụ việc này, một luật sư cho biết, Thông tư liên tịch 08 về việc hướng dẫn công tác bảo đảm vệ sinh an tòa thực phẩm trong các cơ sở giáo dục đã quy định về an toàn thực phẩm cho bữa ăn tại nhà trường. Đặc biệt, thông tư quy định rõ khâu kiểm soát chặt chẽ chuỗi cung cấp thực phẩm cho các cơ sở giáo dục như nguồn gốc, nguyên liệu thực phẩm; khâu sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển và nhà ăn của các cơ sở giáo dục. Vì thế nếu để xảy ra ngộ độc sau khi phát hiện cơ sở cung cấp thực phẩm không đảm bảo, hiệu trưởng của trường đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Nếu nhà trường ký hợp đồng với đơn vị cung cấp suất ăn sẵn từ bên ngoài thì chỉ được hợp đồng với những cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Xe vận chuyển thực phẩm đến trường phải có thùng kín, dụng cụ đựng thức ăn phải chuyên dụng, không chọn những cơ sở cung cấp suất ăn quá xa trường. Đặc biệt, bảo đảm thời gian từ khi chế biến xong cho đến khi cho học sinh ăn không quá 2 giờ, thực hiện lưu mẫu thực phẩm đúng theo qui định.
Trong vụ việc này, Trường mần non Xuân Nộn tự tổ chức bếp ăn cho thày và trò nhưng nguyên liệu do Công ty thực phẩm Bảo An cung cấp. Tuy nhiên, công ty Bảo An lại nhập nguyên liệu từ bên thứ ba là công ty Nguyên Cát. Vì vậy, cơ quan chức năng cần xác định, hợp đồng cung cấp thực phẩm của các bên quy định ra sao? Công ty Nguyên Cát đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm hay không?
Mặt khác, theo Bộ luật Dân sự 2015, việc xử lý vi phạm căn cứ vào lỗi của các chủ thể tham gia hợp đồng. Theo đó, khi cơ quan chức năng xác định lỗi ở khâu nào, do đơn vị nào thực hiện thì đơn vị đó phải chịu trách nhiệm. Trong vụ ngộ độc thực phẩm ở Xuân Nộn, theo quy định thì Công ty Nguyên Cát phải chịu trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân, vị luật sư này nói.