pnvnonline@phunuvietnam.vn
Ăn cải thảo có tốt không? Lá cải có đốm đen có phải là độc hại?
Cải thảo có nguồn gốc từ Trung Quốc, còn được gọi là cải bao, cải cuốn, cải bắp tây. Cải thảo thuộc họ Cải, vị ngọt, giòn, hương vị đặc trưng thơm ngon, do đó được chế biến thành nhiều món hấp dẫn như xào, luộc, làm kim chi...
Cải thảo có nhiều công dụng đáng chú ý. Đông y Trung Quốc cho rằng cải thảo giúp đẩy lượng nhiệt dư thừa và chất thải ra khỏi cơ thể, cải thiện chức năng đường tiêu hóa và cải thiện tình trạng táo bón hữu hiệu. Ăn cải thảo giúp giảm tâm trạng cáu kỉnh, lo lắng, cải thiện tình trạng đầy hơi, khó tiêu, điều chỉnh chức năng của dạ dày và loại bỏ tức ngực.
Món cải thảo thơm ngon, giàu dinh dưỡng. (Ảnh minh họa)
Cây cải thảo ít calo, chứa canxi và vitamin C, axit folic, rất tốt cho quá trình tạo máu của con người. Loại rau này còn chứa nhiều kali có tác dụng hỗ trợ quá trình bài tiết muối trong cơ thể.
Cải thảo giàu isothiocyanate, sulforaphane và các chất dinh dưỡng lưu huỳnh khác, có khả năng chống oxy hóa mạnh. Các chất dinh dưỡng này làm tăng khả năng giải độc của men gan và thúc đẩy tốc độ giải độc của gan, đồng thời ngăn chặn sự phá hủy DNA của tế bào và ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư. Ngoài ra, cải thảo rất giàu lutein, có thể làm giảm tác hại của ánh sáng xanh từ điện thoại di động và máy tính... đến đôi mắt.
Cải thảo khi nấu chín mềm hơn hầu hết các loại rau vì chất xơ của giống cải này mịn hơn và dễ tiêu hóa hơn. Cải thảo đặc biệt thích hợp cho người già, trẻ nhỏ, bệnh nhân viêm dạ dày ruột cấp trong thời gian phục hồi sức khỏe.
Thân cải thảo có đốm đen có an toàn để ăn không?
Cải thảo có đốm đen thì bạn nên loại bỏ trước khi ăn. (Ảnh minh họa).
Những đốm đen nhỏ như hạt vừng thường xuất hiện trên thân lá cải thảo, khiến nhiều người lo ngại rằng cải bị sâu bệnh, hỏng, ăn vào không tốt cho cơ thể. Tuy nhiên, một chuyên gia nông nghiệp giải thích, những đốm đen nhỏ trên lá cải thảo là các vết thương trên lá, tạo ra sắc tố khí lành. Vì vậy, các vết đen không hề ảnh hưởng đến độ tươi và chất dinh dưỡng của cải thảo. Các vết thương có thể hình thành do quá trình trồng không kiểm soát được nước tưới, làm cho các tế bào bị vỡ dẫn đến các đốm đen trên lá.
Một yếu tố nữa là việc bón quá nhiều đạm trong quá trình trồng có thể gây ra vết thương cho lá. Nếu trường hợp này xảy ra, phân đạm trên lá có thể chuyển hóa thành nitrat khi vào cơ thể người, gây nguy cơ ung thư. Do đó, nếu thấy lá cải có đốm đen dày đặc, bạn nên cắt bỏ.
Cải thảo trước đây thường có nhiều vào mùa đông, tuy nhiên với công nghệ trồng trọt hiện tại, rau cải thảo có quanh năm. Đương nhiên, mùa cải thảo ngon nhất là mùa lạnh. Khi mua, nên chọn loại cầm chắc tay, lõi cứng, lá bao bên ngoài còn nguyên vẹn.
Một số món ăn, bài thuốc từ cải thảo
Cải thảo có thể xào, nấu canh hoặc làm kim chi. (Ảnh minh họa)
1. Cải thảo xào cay
Nguyên liệu: Cải thảo 0,5kg, ớt đỏ 10g, bột năng vừa đủ.
Cách làm: Cải thảo rửa sạch, thái lát; ớt bổ ra, bỏ hột, thái sợi dài 3cm. Đổ dầu vào chảo cho nóng, xào ớt thơm cay, thêm gừng nhuyễn, cải thảo, lửa mạnh đảo thật nhanh, thêm dấm, nước tương, muối, đường, dùng bột năng làm xốt, rắc lên dầu mè, sau khi xào lại thì hoàn tất, múc lên đĩa.
Món ăn này thích hợp cho người tỳ vị suy nhược, chán ăn…
2. Canh cải thảo, đậu hũ ky, táo đỏ
Nguyên liệu: Cải thảo 200g, đậu hũ ky 2 tấm lớn, táo đỏ 10 quả.
Cách làm: Cho tất cả các nguyên liệu vào nồi, thêm nước nấu canh, nêm muối, dầu ăn.
Món này thích hợp dùng cho các chứng như: ho khan do viêm phế quản, ho phế táo mùa thu đông, vị nhiệt ruột táo, đại tiện táo kết…
3. Cải thảo nấm hương
Nguyên liệu: Cải thảo, nấm hương, tôm, thịt nạc, gia vị.
Cách làm: Cải thảo xé nhỏ, nấm hương ngâm mềm thái lát nhỏ. Đổ dầu vào chảo, gừng nhuyễn phi thơm, cho nấm hương, cải thảo vào xào, thêm thịt, tôm vừa đủ, đổ một chén nước nấu cải chín nhừ sau đó nêm muối, khi múc lên đĩa thêm ít rau thơm.
Món này có tác dụng dự phòng cảm mạo, cải thiện hôi miệng, giảm huyết áp.