Ấn Độ chi gói an sinh 22 tỷ USD cho đối tượng khó khăn vì Covid-19

Nhu Thụy
10/04/2020 - 23:34
Ấn Độ chi gói an sinh 22 tỷ USD cho đối tượng khó khăn vì Covid-19
Thủ tướng Narendra Modi đã thông qua “Gói phúc lợi dành cho người nghèo” trị giá 22 tỷ USD để cung cấp một mạng lưới an sinh đảm bảo cuộc sống cho những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19.

"Để cứu Ấn Độ, cứu mọi người dân, bạn, gia đình bạn... mọi đường phố, mọi khu vực sẽ được phong tỏa. Nếu Ấn Độ không thể kiểm soát được tình hình trong vòng 21 ngày tới thì nước này sẽ bị thụt lùi 21 năm", Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định.

Kể từ ngày 25/3, Ấn Độ đã phong tỏa 1,3 tỷ dân để chống dịch. Việc phong tỏa toàn quốc 21 ngày là một phản ứng chưa từng có với sự tự nguyện của toàn dân. Việc phong tỏa là một phần của chiến lược ngăn chặn bắt đầu từ ngày 17/1 với việc giám sát tại sân bay. Tiếp đó là hạn chế thị thực và hạn chế đi lại trong những tuần tiếp theo, trước cả khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 là đại dịch, mối nguy hại tới sức khoẻ toàn cầu. Một hoạt động theo dõi và giám sát liên lạc trên toàn quốc đang được tiến hành. 

Từ các hành động quyết liệt này, đường cong biểu đồ dịch cho thấy tỷ lệ nhiễm mới ở Ấn Độ thấp hơn hầu hết các nước lớn khác cũng đang đối mặt với Covid-19, chứng minh tính hiệu quả của biện pháp phong tỏa và ngăn chặn. Tính đến 21h ngày 10/4, Ấn Độ có 6.761 ca nhiễm Covid-19 và 206 ca tử vong.

Người nghèo được nhận hỗ trợ tiền và thực phẩm

Người nghèo được nhận hỗ trợ tiền và thực phẩm

Thủ tướng Narendra Modi đã thông qua "Gói phúc lợi dành cho người nghèo" trị giá 22 tỷ USD để cung cấp một mạng lưới an sinh cho các đối tượng khó khăn trong xã hội. Khoảng 800 triệu người sẽ nhận được ngũ cốc và bình gas nấu ăn miễn phí cùng với tiền mặt trực tiếp trong 3 tháng.

Nguồn cung cấp thực phẩm thiết yếu đã được cung cấp thông qua gần 20.000 trang trại chế biến thực phẩm. Hơn 7,5 triệu người đang được nhận thực phẩm thông qua mạng lưới trang trại này.

Bên cạnh đó, sự chuẩn bị về y tế đã được tăng cường với 223 phòng thí nghiệm để xét nghiệm Covid-19 hoạt động trên khắp Ấn Độ. Hơn 500 bệnh viện chuyên điều trị Covid-19 và hơn 5.000 cơ sở y tế đã được trang bị gần 200.000 giường cách ly. Bảo hiểm trị giá hơn 70.000 USD đã được chính phủ mở rộng cho mỗi nhân viên y tế trên tuyến đầu chống dịch.

Một ca nhiễm virus được đưa vào viện cấp cứu

Một ca nhiễm virus được đưa vào viện cấp cứu

Chiều 9/4, chính phủ Ấn Độ đã thông qua thêm gói hỗ trợ tài chính trị giá 2 tỷ USD nhằm thúc đẩy cuộc chiến chống Covid-19. Một nửa số tiền trên sẽ được sử dụng cho chương trình Phản ứng khẩn cấp Covid-19, phần còn lại được dành để hỗ trợ về trung hạn (1-4 năm). Những lĩnh vực trọng tâm sẽ là phát triển các cơ sở chẩn đoán và điều trị Covid-19 chuyên dụng, mua sắm tập trung các thiết bị y tế thiết yếu và thuốc men cần thiết cho việc điều trị bệnh nhân. Ngoài ra, sẽ củng cố và xây dựng các hệ thống y tế cấp bang và quốc gia để hỗ trợ phòng ngừa và ứng phó với dịch bệnh trong tương lai, thiết lập các phòng thí nghiệm và đẩy mạnh hoạt động giám sát. Bộ Y tế Ấn Độ cũng đã giải ngân cho tất cả các bang để ứng phó khẩn cấp với dịch bệnh.

Ấn Độ đang cân bằng giữa mối quan tâm đối với các công dân nước mình và các trách nhiệm toàn cầu. Quốc gia này đã giúp sơ tán hơn 20.000 người nước ngoài từ Ấn Độ trở về nước. Hỗ trợ y tế đã được mở rộng cho các quốc gia như Maldives và Kuwait. 

Ấn Độ cũng là một nguồn cung cấp dược phẩm chính cho toàn cầu. Nước này không có lệnh cấm hoàn toàn đối với việc xuất khẩu thuốc điều trị các bệnh cấp tính. Bộ Công Thương Ấn Độ cho biết, tất cả các chương trình xúc tiến/hỗ trợ xuất khẩu, ngoại trừ chính sách hỗ trợ xuất khẩu dịch vụ từ Ấn Độ (SEIS), sẽ được tự động kéo dài thêm 1 năm nữa, kết thúc vào ngày 31/3/2021.

Hội nghị trực tuyến giữa các nhà lãnh đạo SAARC về đối phó với dịch Covid-19 được thực hiện theo sáng kiến của Thủ tướng Narendra Modi

Hội nghị trực tuyến giữa các nhà lãnh đạo SAARC về đối phó với dịch Covid-19 được thực hiện theo sáng kiến của Thủ tướng Narendra Modi

Thủ tướng Modi đã chủ động xây dựng một chiến lược chung cho Nam Á thông qua hội nghị trực tuyến với lãnh đạo các quốc gia thuộc Hiệp hội hợp tác khu vực Nam Á (SAARC) ngày 15/3 để vạch ra chiến lược chung phòng chống dịch Covid-19. Nhà lãnh đạo Ấn Độ đề xuất lập một quỹ khẩn cấp chống dịch Covid-19 và New Delhi sẽ đóng góp một khoản ban đầu trị giá 10 triệu USD. Trong hội nghị trực tuyến G20 ngày 26/3, ông Modi nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác quốc tế nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu.

Nguồn: ĐSQ Ấn Độ, PTI
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm