Ăn được trọn vẹn bát cháo sau 20 năm nhờ phẫu thuật 2 trong 1

Mai Thanh
16/12/2020 - 11:48
Ăn được trọn vẹn bát cháo sau 20 năm nhờ phẫu thuật 2 trong 1
"20 năm nay, bố tôi chưa ăn được một miếng cháo trọn vẹn, cứ cho vào miệng là nôn ra hết sạch. Cơ thể của ông suy kiệt, liên tục phải vào viện để truyền dịch. Hôm nay thấy bố ăn được hết một bát cháo mà tôi vui sướng không có lời nào tả hết", chị Lương Thị Dịu tâm sự.

Chị Lương Thị Dịu là con gái của bệnh nhân Lương Văn Hiên (82 tuổi, ở Quỳnh Phụ, Thái Bình). Ông Hiên vừa được các bác sĩ của khoa Ngoại tổng hợp - BV Bạch Mai cứu sống. Theo lời kể của người nhà, đã 20 năm nay, ông Hiên không thể ăn bất cứ đồ ăn cứng nào. Ông chỉ húp được sữa và cháo xay thành nước nhưng chỉ sau 10 phút lại cho ra hết. Cơ thể ông suy kiệt nặng và lúc nhập viện đã trong tình trạng lơ mơ. Gia đình đưa lên BV Bạch Mai chỉ với hi vọng rất mong manh và đã sẵn sàng chuyện hậu sự cho ông.

Rớt nước mắt khi bố ăn được trọn vẹn bát cháo sau 20 năm - Ảnh 1.

Bác sĩ Nguyễn Trung Kiên chúc mừng bệnh nhân đã bình phục và được xuất viện

Bác sĩ Nguyễn Trung Kiên, khoa Ngoại tổng hợp, BV Bạch Mai cho biết: Bệnh nhân vào viện ngày 11/11/2020 với lý do nôn nhiều sau ăn và cơ thể suy kiệt. Bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng nôn nhiều, đau tức ngực, nôn sau ăn đã gần 20 năm nay, có những lúc ợ nóng kèm theo sụt cân và suy kiệt cơ thể do không ăn được. Lúc nhập viện bệnh nhân chỉ nặng 40kg, cao 1m60, chỉ số BMI là 15,6 (suy dinh dưỡng thể nặng). Bệnh nhân đã được khám ở bệnh viện tuyến dưới, được chẩn đoán túi thừa thực quản và co thắt tâm vị, được điều trị nội khoa nhiều lần không đỡ.

Co thắt tâm vị là bệnh do cơ thắt dưới của thực quản không còn khả năng tự mở ra khi có phản xạ nuốt, vì vậy thức ăn và nước bọt được bài tiết trong khi ăn từ thực quản khó hoặc không xuống được dạ dày. Co thắt tâm vị là một bệnh hiếm gặp nên bác sĩ rất dễ bỏ qua. Thành công của ca bệnh này là sự phối hợp hiệu quả, đầy trách nhiệm giữa các thầy thuốc, giữa các đơn vị, khoa phòng trong bệnh viện. Đó cũng là thế mạnh của Bệnh viện Bạch Mai trong việc phối hợp, hỗ trợ để điều trị thành công nhiều ca bệnh khó, ca bệnh hiểm nghèo.

TS Trần Mạnh Hùng, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, BV Bạch Mai

Tại BV Bạch Mai, với kinh nghiệm lâm sàng, các bác sĩ xác định tình trạng khẩn cấp của bệnh nhân và nhanh chóng chỉ định làm các xét nghiệm máu, nội soi thực quản dạ dày, chụp thực quản, chụp cắt lớp vi tính ổ bụng và ngực để xác định nguyên nhân. Kết quả nội cho thấy thực quản bệnh nhân bị giãn rộng, ứ đọng thức ăn và dịch. Đồng thời, qua thăm khám bác sĩ phát hiện nhiều sỏi đúc khuôn trong ống mật chủ trên đoạn dài khoảng 30 mm. Bệnh nhân được chẩn đoán: Co thắt tâm vị, sỏi ống mật chủ trên bệnh nhân suy kiệt nặng, viêm phổi. Co thắt tâm vị chính là nguyên nhân khiến bệnh nhân khó ăn, bị nôn ngay sau ăn, viêm phổi hít phải trong nhiều năm qua.

Sau khi hội chẩn toàn khoa và cân nhắc, các bác sĩ đưa ra quyết định phẫu thuật theo phương pháp Heller Nissen cho bệnh nhân. Đây là phương pháp cắt mở các lớp cơ tâm vị thực quản chỉ để lại lớp niêm mạc của tâm vị thực quản bụng, đồng thời phẫu thuật tạo van chống trào ngược. Tuy nhiên với một bệnh nhân bị suy kiệt nặng sau một thời gian dài không thể ăn uống, các bác sĩ quyết định nâng cao thể trạng trước mổ cho bệnh nhân bằng cách nuôi dưỡng tĩnh mạch, bổ sung dinh dưỡng để đảm bảo cuộc mổ được an toàn và đạt kết quả tốt nhất.

Ăn được trọn vẹn bát cháo sau 20 năm nhờ phẫu thuật 2 trong 1 - Ảnh 3.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân trước khi xuất viện

Ngày 19/11, ca phẫu thuật do TS.BS Trần Mạnh Hùng - Trưởng khoa Ngoại tổng hợp cùng ekip thực hiện đã diễn ra thuận lợi. Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ đã đồng thời tiến hành cắt cơ thực quản, tâm vị và mở ống mật chủ lấy sỏi cho bệnh nhân. Như vậy, trong một cuộc phẫu thuật đã thực hiện được hai mục tiêu: Điều trị co thắt tâm vị và lấy sỏi trong ống mật chủ. Đặc biệt với bệnh nhân bị suy kiệt trên 20 năm, cao tuổi như trường hợp này thì việc đưa ra quyết định phẫu thuật là không hề đơn giản cho các thầy thuốc. Bệnh nhân không phải truyền máu trong và sau khi mổ. Sau mổ 2 ngày, bệnh nhân được tập ăn qua xông và sau mổ 5 ngày, bệnh nhân được rút xông dạ dày và tập ăn bằng đường miệng. Hiện tại bệnh nhân đã ăn uống được bình thường, không còn tình trạng nôn, ợ chua ợ nóng sau ăn.

Chị Dịu chia sẻ, nhìn bố đã bình phục và ăn uống khá bình thường trở lại, gia đình chị ai đấy đều vui mừng. Những ngày bố chị mới tập ăn lại sau phẫu thuật, chị đút cho bố từng thìa cháo. Mỗi miếng cháo bố nuốt được, trong chị trào dâng một niềm vui khó tả.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm