pnvnonline@phunuvietnam.vn
An Giang: Tăng cường khả năng tiếp cận thông tin cho phụ nữ dân tộc thiểu số
Ảnh minh họa
Còn nhiều rào cản trong tiếp cận thông tin
Tỉnh An Giang có dân số khoảng 1,91 triệu người, trong đó phụ nữ từ 18 tuổi trở lên là hơn 697.900 người; toàn tỉnh có 4 dân tộc chủ yếu là Kinh, Hoa, Khmer và Chăm.
Những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, phụ nữ nói chung và phụ nữ dân tộc thiểu số nói riêng luôn phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc chung tay cùng cộng đồng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, từng bước tham gia vào các hoạt động cộng đồng tại địa phương; cũng như ý thức nâng cao kiến thức về xây dựng gia đình, tham gia lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững.
Từ đó, góp phần phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số chuyển biến tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần, đời sống của hộ dân, trong đó có phụ nữ dân tộc thiểu số từng bước cải thiện rõ nét.
Tuy nhiên, theo Hội LHPN tỉnh An Giang, phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn vẫn còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin. Một bộ phận phụ nữ dân tộc thiểu số, đặc biệt là nhóm phụ nữ lớn tuổi; phụ nữ chủ yếu tham gia lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, nội trợ... rất ít có điều kiện tham gia các hoạt động xã hội.
Cùng với đó, một bộ phận phụ nữ dân tộc thiểu số còn tồn tại tâm lý ngại giao tiếp với cộng đồng xã hội do nguyên nhân không rành tiếng Việt. Những rào cản về mặt ngôn ngữ, tâm lý, thói quen ngại giao tiếp xã hội, sự tác động từ môi trường sống, phong tục, tập quán cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã tác động đến khả năng tiếp cận thông tin của phụ nữ dân tộc thiểu số.
Trên thực tế, phụ nữ dân tộc thiểu số chủ yếu tiếp nhận thông tin qua những hình thức truyền thông trực tiếp tại cộng đồng như thăm hộ gia đình, tham gia sinh hoạt nhóm hội viên từ các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, trong đó có sinh hoạt chi, tổ Hội phụ nữ…
Đổi mới, nâng cao chất lượng tuyên truyền
Hội LHPN tỉnh An Giang cho biết, xác định tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao hiệu quả khả năng tiếp cận thông tin của phụ nữ dân tộc thiểu số; các cấp Hội trên địa bàn thường xuyên đổi mới và nâng cao chất lượng tuyên truyền trên các lĩnh vực như vận động hội viên, phụ nữ là người dân tộc thiểu số hiểu và chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; kiến thức tham gia phát triển kinh tế gia đình... bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp với đặc điểm của đối tượng tham gia. Qua đó, Hội LHPN các cấp đã tuyên truyền, thu hút hơn 15.200 phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia vào tổ chức Hội.
Các cấp Hội trong tỉnh tăng cường vận động phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số tham gia thực hiện các chương trình, hoạt động do Hội LHPN triển khai như Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch" góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; chương trình "Đồng hành phụ nữ biên cương" với các hoạt động: trao tặng nhà "Mái ấm biên cương"; trao học bổng cho trẻ mồ côi và học sinh có hoàn cảnh khó khăn, các xã khu vực biên giới; hỗ trợ vốn sinh kế cho hội viên nghèo; tổ chức trao tặng quà cho hội viên nghèo; gian hàng 1.000 đồng...
Đặc biệt, cán bộ Hội là người dân tộc thiểu số đóng vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số vì thuận lợi trong giao tiếp, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để vận động hội viên, phụ nữ là người dân tộc thiểu số tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào, hoạt động do Hội Phụ nữ cơ sở triển khai tại địa phương.
Hiện trên địa bàn tỉnh An Giang có 20 cán bộ Hội từ tỉnh đến cơ sở là người dân tộc thiểu số và 42 chi hội trưởng phụ nữ là người dân tộc thiểu số. Hội LHPN các cấp đặc biệt quan tâm và thường xuyên đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đối với cán bộ Hội là người dân tộc thiểu số.
Nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền trong nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số ở địa bàn vùng biên giới, Hội LHPN tỉnh An Giang cho rằng cần phải tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng tuyên truyền thông qua đa dạng hóa các hình thức, nội dung phù hợp với từng địa bàn, dân tộc, các vấn đề nổi lên của địa phương để lựa chọn mô hình triển khai phù hợp.
Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với ngành chức năng có liên quan xây dựng các chương trình truyền thông bằng tiếng địa phương để mở rộng cơ hội tiếp cận thông tin cho phụ nữ dân tộc thiểu số. Tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp cho đội ngũ cán bộ Hội, báo cáo viên, tuyên truyền viên ở cơ sở trực tiếp thực hiện công tác tiếp xúc với hội viên, phụ nữ là đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngoài ra, cần duy trì và nhân rộng các mô hình câu lạc bộ phụ nữ với pháp luật, tổ tư vấn pháp luật, địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình, câu lạc bộ "Gia đình 5 không, 3 sạch"… ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và biên giới.
Đồng thời, làm tốt công tác vận động phụ nữ dân tộc thiểu số tiêu biểu tích cực tham gia tuyên truyền viên cho chính phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. Các cấp Hội thường xuyên phối hợp tốt với các sở, ban, ngành, đoàn thể chính quyền địa phương để tổ chức các hội nghị đối thoại, tọa đàm, hội thảo, nói chuyện chuyên đề… về các vấn đề có tính thời sự, giải thích, hướng dẫn các nội dung có liên quan trực tiếp đến đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nhất là các vấn đề hội viên, phụ nữ dân tộc thiểu số quan tâm.