pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hà Giang: Từng bước xoá bỏ định kiến và khuôn mẫu giới ở đồng bào dân tộc thiểu số
Phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Quang Bình biểu diễn văn nghệ trong buổi ra mắt CLB truyền thông thực hiện Dự án 8 tại cơ sở
- Là một địa phương vùng cao tỉnh Hà Giang, xin chị cho biết, thời gian qua Hội LHPN huyện Quang Bình đã triển khai Dự án 8 thế nào?
Hà Giang là một trong các tỉnh triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số khá sớm. Khi đó, Hội LHPN tỉnh đã kịp thời chỉ đạo Hội LHPN các huyện, thị triển khai ngay các nội dung của Dự án 8.
Bám sát các chỉ đạo của cấp trên, Hội LHPN huyện Quang Bình đã nhanh chóng triển khai Dự án 8 tại 73 thôn đặc biệt khó khăn thuộc 14 xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
Trong quá trình thực hiện Dự án 8, Hội LHPN huyện Quang Bình đã cử cán bộ Hội cấp huyện và cơ sở tham dự nhiều lớp tập huấn bồi dưỡng và cập nhật thông tin cho tuyên truyền viên, hướng dẫn triển khai các mô hình, hoạt động của Dự án do Hội LHPN tỉnh tổ chức.
Cho đến nay, Hội LHPN huyện đã tổ chức được 21 lớp tập huấn, bao gồm: 7 lớp hướng dẫn đối thoại cấp xã và cụm thôn bản; 1 lớp tập huấn củng cố nâng cao, thành lập vận hành địa chỉ tin cậy; 2 lớp tập huấn điều tra khảo sát thống kê và triển khai các gói hỗ trợ sinh đẻ an toàn và chăm sóc trẻ em, 8 lớp tập huấn vận hành tổ truyền thông cộng đồng; 3 lớp tập huấn hướng dẫn thành lập "Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi".
Qua các lớp tập huấn, cán bộ Hội được trang bị những kiến thức cơ bản về giới, định kiến giới, bình đẳng giới và tăng quyền năng cho phụ nữ; lồng ghép giới trong xây dựng chính sách và thực hiện mô hình hỗ trợ phụ nữ; hướng dẫn thành lập, vận hành địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; thành lập và vận hành Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi", truyền thông thay đổi hành vi và truyền thông sáng tạo, nâng cao năng lực để thành lập và duy trì các tổ liên kết, tổ hợp tác tại địa phương...
- Cho đến nay, việc triển khai Dự án 8 đã đạt được những kết quả nào, thưa chị?
Dự án 8 trên địa bàn huyện Quang Bình được triển khai từ quý 4/2022. Tính đến thời điểm hiện nay, Quang Bình đã chỉ đạo thành lập 8 Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" tại các đơn vị trường học (199 thành viên); 40 Tổ truyền thông cộng đồng tại các thôn bản (213 thành viên); kiện toàn 7 Địa chỉ tin cậy (66 thành viên); cung cấp 40 loa kéo cho các Tổ truyền thông cộng đồng phục vụ quá trình thực hiện nhiệm vụ; hỗ trợ trang thiết bị cần thiết cho các Câu lạc bộ thủ lĩnh và các Địa chỉ tin cậy; Tổ chức 15 cuộc truyền thông về các chế độ dành cho phụ nữ vùng đặc biệt khó khăn, kỹ năng chăm sóc bà mẹ và trẻ em (với số lượng người tham gia là 974 người); Tổ chức chi trả gói Hỗ trợ phụ nữ sinh đẻ an toàn cho 162 chị; Tổ chức 1 cuộc thăm quan học tập kinh nghiệm về hoạt động đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội; mô hình truyền thông cộng đồng; Chỉ đạo các cơ sở Hội thực hiện đối thoại chính sách tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn là 10 cuộc với 500 người tham gia.
Việc triển khai thực hiện Dự án 8 trên địa bàn huyện Quang Bình đã làm thay đổi mạnh mẽ và tạo sự chuyển biến nâng cao chất lượng cuộc sống. Giải quyết một cách căn bản bất bình đẳng giới trong nhiều lĩnh vực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở vùng dân tộc thiểu số, từng bước xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới, hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu. Đồng thời, dự án 8 cũng giúp hội viên và bà con người đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chuyển đổi sản xuất, phát triển kinh tế. Thúc đẩy các hoạt động chăm lo, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ, trẻ em trong gia đình và xã hội.
- Trong quá trình thực hiện tuyên truyền Dự án 8, với địa bàn miền núi có đông dân tộc thiểu số sinh sống, chị cho biết huyện Hội có gặp khó khăn gì không?
Đối với địa bàn huyện Quang Bình chúng tôi có 73 thôn được hưởng chính sách từ Dự án 8 thì có tới 45 thôn đường xá đi lại khó khăn, các xóm, cụm dân cư sống khá xa nhau. Hiện vẫn còn một số địa bàn chưa có điện lưới và sóng điện thoại, nên việc tập hợp vận động, thông tin đến người dân khá vất vả.
Bên cạnh đó, trình độ dân trí chưa đồng đều, một số hội viên, phụ nữ tuổi nghe và nói tiếng phổ thông còn rất hạn chế. Chị em chưa dám mạnh dạn bày tỏ suy nghĩ, nguyện vọng của bản thân đến tổ chức Hội, cũng như chính quyền địa phương.
- Để đẩy mạnh việc thực hiện Dự án 8, những kế hoạch nào sẽ được Hội LHPN huyện Quang Bình triển khai trong thời gian tới, thưa chị?
Thời gian tới, huyện Hội chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban ngành, cấp ủy chính quyền cơ sở để đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các hoạt động của Dự án 8.
Đặc biệt, trong kế hoạch hoạt động Hội năm 2024, Hội LHPN huyện Quang Bình sẽ tập trung vào các nhiệm vụ như: Tiếp tục thực hiện các hoạt động tuyên truyền xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới: tổ chức chiến dịch truyền thông về bình đẳng giới, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, thực hiện các gói hỗ trợ cho phụ nữ sinh đẻ an toàn. Xây dựng phóng sự truyền thông về bình đẳng giới, các hoạt động truyền thông bình đẳng giới, mô hình điển hình để bà con học tập.
Huyện Quang Bình cũng thực hiện các hoạt động xây dựng và nhân rộng mô hình thay đổi "nếp nghĩ, cách làm", nâng quyền năng kinh tế cho phụ nữ thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vẫn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em. Tập trung hỗ trợ chị em trong các tổ liên kết tiếp cận với ứng dụng khoa học kỹ thuật, hỗ trợ chị em là nạn nhân mua bán người trở về địa phương có thêm nhiều cơ hội sớm hòa nhập cộng đồng.
Ngoài ra, huyện Hội cũng tổ chức các hoạt động đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế xã hội của cộng đồng; hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị. Ví như: Tổ chức đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn bản; tổ chức Hội thảo "Vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế tại địa phương"; tổ chức Hội thi dành cho CLB Thủ lĩnh…
Hơn nữa, huyện Hội Quang Bình cũng sẽ tổ chức các sự kiện truyền thông, tập huấn nhằm trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến giới để hỗ trợ, chăm lo vật chất, tinh thần cho phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn mỗi ngày một hiệu quả hơn.
- Xin cảm ơn chị!