Ăn tiết canh, phụ nữ dễ nhiễm khuẩn liên cầu lợn

13/01/2017 - 11:04
'Bệnh liên cầu lợn không trừ một ai. Phụ nữ nếu ăn tiết canh có khuẩn liên cầu thì cũng có thể bị nhiễm bệnh', TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), cho biết.
PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán, số bệnh nhân phải nhập viện do liên cầu lợn thường tăng. Đây là bệnh có số người mắc không nhiều nhưng tỷ lệ ca nặng, tử vong lại lớn, chiếm 10 đến 20% số ca mắc. Nếu nhiễm loại vi khuẩn này mà không được chữa trị kịp thời, người bệnh sẽ bị viêm màng não, nhiễm trùng huyết gây choáng và có thể để lại những di chứng nặng nề với 60% bị ù tai giảm thính lực 20% điếc hoàn toàn không hồi phục.

Theo ông Phu, nguyên nhân bị bệnh liên cầu lợn là do người dân vẫn còn thói quen ăn tiết canh. Nhiều người cho rằng, ăn tiết canh rồi uống vài chén rượu thì sẽ không mắc bệnh. Họ cho rằng rượu uống vào sẽ trung hòa hay diệt được vi khuẩn liên cầu.
ong-phu-1426779176864.jpg
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế
"Không chỉ nam giới, nhiều phụ nữ cũng thích món ăn này. Họ vô tư “thưởng thức” mà không nghĩ đến hậu quả. Tuy nhiên, bệnh liên cầu lợn không trừ một ai. Phụ nữ nếu ăn tiết canh có khuẩn liên cầu thì cũng có thể bị nhiễm bệnh. Ngoài ra, nhiều người khác nghĩ rằng chỉ ăn thịt lợn ốm, lợn bệnh, lợn không rõ xuất xứ mới mắc liên cầu khuẩn, còn lợn nhà nuôi hay lợn mán, lợn rừng thì vô tư. Đây là sai lầm rất lớn, vì lợn nào cũng có thể chứa khuẩn liên cầu”, ông Phu chia sẻ.
tiet_canh.jpg
Tiết canh là món khoái khẩu của nhiều người nhưng tiềm ẩn nhiều nguy hại với sức khỏe
Trước đó, bệnh nhân N.H.T (35 tuổi, Lai Châu) mua một con lợn cắp nách của dân bản bán về đãi bạn bè. Sau khi mua lợn, anh T. trực tiếp giết mổ và chế biến, làm tiết canh mời khoảng 20 người ăn. Sau ăn 5 ngày, anh T. xuất hiện sốt cao, mệt lả, trên da xuất hiện các ban hoại tử. Bệnh nhân được xác định bị liên cầu lợn và chuyển về BV Bệnh Nhiệt đới TƯ trong tình trạng sốc, có ban hoại tử khắp toàn thân, tập trung ở mặt, chân tay, có tình trạng tắc mạch hoại tử đầu ngón chân ngón tay, rối loạn đông máu nặng.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng khoa Cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới TƯ), cho biết, hàng năm tại BV tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn rải rác ở các địa phương. Phần lớn người mắc liên quan đến ăn tiết canh hoặc tham gia giết mổ lợn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm