Anh: Những “triệu phú thời gian” bước ra từ đại dịch

Kim Ngọc
24/10/2021 - 09:18
Anh: Những “triệu phú thời gian” bước ra từ đại dịch

Thời gian "chết" của đại dịch khiến nhiều người phải đánh giá lại thái độ của mình với công việc. Ảnh: Skylinewears

Đại dịch Covid-19 đã tạo ra một nhóm “triệu phú thời gian” mới tại Anh quốc - những người sống để tận hưởng thời gian. Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy: hơn 56% người thất nghiệp không tích cực tìm kiếm việc mới.

Gavin là một người hay trốn việc. Khi trực điện thoại, anh từ chối nhận cuộc gọi thay vì trả lời. Khi làm việc tại quán rượu, anh sẽ lẻn ra ngoài đến một quán khác uống rượu. Công việc tốt nhất từ trước đến nay của Gavin là công chức. Anh dành một giờ đồng hồ ăn sáng và hai giờ đồng hồ cho bữa trưa. Khi đại dịch ập đến, Gavin, khi đó đang làm kỹ sư phần mềm, vỡ òa trong niềm vui sướng vì có thể làm việc ít giờ hơn, được sống thoải mái trong ngôi nhà của mình. Anh bắt đầu làm việc lúc 8 giờ 30 sáng và kết thúc vào khoảng 11 giờ.

Những "triệu phú" không tiền

Nhiều người có thể cho rằng Gavin là một người thất bại, người không có chí cầu tiến và không có trách nhiệm với công việc. Nhưng với anh, mọi chuyện không hẳn vậy. Các công việc của Gavin tạo điều kiện cho anh tận hưởng điều một quan trọng trong cuộc sống: thời gian. "Cuộc sống thật ngắn ngủi. Tôi muốn tận hưởng khoảng thời gian tôi có. Chúng ta không đến với cuộc đời dài lâu, hãy tận hưởng thời gian tốt đẹp của mình". Hiện tại, Gavin đang có một cuộc sống tốt. Anh là một "triệu phú thời gian". Anh rất vui và vô cùng hạnh phúc.

Được nhà văn Nilanjana Roy lần đầu tiên đề cập trong một chuyên mục trên tờ Financial Times năm 2016, các "triệu phú thời gian" không tính toán giá trị của mình trên phương diện tài chính, mà là theo từng giây, phút và giờ họ có được từ công việc để nghỉ ngơi và giải trí. Roy nói: "Sự giàu có có thể mang lại sự thoải mái và an toàn. Nhưng tôi ước chúng ta được dạy coi trọng thời gian của mình như khi dùng tài khoản ngân hàng, bởi vì cách chúng ta sử dụng thời gian của mình hàng giờ và hàng ngày chính là cách chúng ta sử dụng cuộc sống".

Đại dịch đã tạo ra một nhóm "triệu phú thời gian" mới. Anh và Mỹ hiện đang chìm trong khủng hoảng lực lượng lao động. Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy hơn 56% người thất nghiệp không tích cực tìm kiếm việc mới. Dữ liệu từ Văn phòng Thống kê Quốc gia cho thấy nhiều người không quay lại làm công việc trước đại dịch, hoặc nếu có, họ yêu cầu làm việc tại nhà. Thời gian "chết" của đại dịch khiến nhiều người phải đánh giá lại thái độ của mình với công việc và liệu con người có thể có được cuộc sống ít thu nhập nhưng trọn vẹn hơn hay không.

Anh: Những “triệu phú thời gian” bước ra từ đại dịch - Ảnh 1.

Minh họa: Mark Long/The Guardian

Hạnh phúc hơn 100 lần khi là "triệu phú thời gian"

Samuel Binstead, một chủ quán cà phê 29 tuổi ở Sheffield, cho biết: "Tuần trước tôi lên tàu lúc 7 giờ sáng. Khi một số thanh niên bên cạnh tôi ngồi xuống, điều đầu tiên họ làm là lấy ra một chiếc máy tính xách tay và một xấp giấy tờ, có lẽ họ đang bận công việc. Tôi cảm thấy tiếc cho họ". Trước đại dịch, Binstead có một quán rượu 50 chỗ ở trung tâm Sheffield. Anh làm việc lúc 10 giờ đến 1 giờ sáng hôm sau, 5 ngày/tuần. Anh nói: "Tôi nhận ra mình mình gần như kiệt sức. Tôi đang dùng công việc để đối phó với công việc. Đến quán rượu dường như là lựa chọn duy nhất của tôi ". Thậm chí, mẹ của Binstead không thèm mời anh đến tiệc sinh nhật của bà vì biết chắc con trai luôn bận rộn. "Có lẽ bà ấy đã đúng. Tôi sẽ không thể có thời gian nghỉ ngơi", Binstead nói.

Khi đại dịch đến, Binstead cảm giác nhẹ nhõm hẳn. Anh chia sẻ đại dịch đã thay đổi hoàn toàn mối quan hệ giữa anh và tiền bạc, thời gian ở nhà với Binstead quý giá hơn rất nhiều. Tháng 9 năm 2020, Binstead đóng cửa quán rượu, chuyển sang bán cà phê vào buổi sáng, nghỉ bán vào giờ ăn trưa. Doanh thu giảm 75%. Buổi chiều, anh tập chụp ảnh hoặc gặp gỡ bạn bè. Binstead không có mục tiêu nghề nghiệp. "Tôi chỉ muốn làm những gì tôi đang làm bây giờ, sống nhiều hơn cho hiện tại". Anh cho biết đã "hạnh phúc hơn 100 lần" so với trước đây.

Dành hơn 3 tiếng đồng hồ đi bộ trong ngày

Làm việc ít hơn không phải là một lựa chọn cho những người đang gặp vấn đề với chi phí sinh hoạt hoặc các bậc cha mẹ đang phải vật lộn để trả chi trả phí chăm sóc trẻ em. Isaac Fitzgerald, một nhà văn sống ở New York, nói: "Tôi rất may mắn. Tôi 38 tuổi và không có con. Tôi có thể dành 3 tiếng rưỡi trong ngày để đi dạo, đó là một điều xa xỉ".

Trên tạp chí New York vào tháng trước, Fitzgerald, cựu biên tập viên mô tả mình là một "triệu phú thời gian". Anh bắt đầu dự án Walk Off về đi bộ sau khi nhận ra rằng mình đã "sống ở New York trong 7 năm và hầu như không biết về thành phố". Đại dịch đã mở ra cơ hội mới cho Fitzgerald khám phá.

Trước Covid-19, Fitzgerald thường xuyên làm việc 80 giờ/tuần với các cuộc họp nối tiếp nhau. Anh luôn có cảm giác không bao giờ có đủ thời gian. Fitzgerald hiện đã giảm số giờ làm việc xuống còn 30 giờ/tuần, thu nhập cũng giảm 50%. Thời gian là tài sản lớn nhất của Fitzgerald và là thứ anh muốn bảo vệ. Fitzgerald nói: "Gần như tôi đang cố gắng hết sức để bảo vệ thời gian của mình. Điều đó đồng nghĩa với việc trở thành một "triệu phú thời gian". Giống như một người muốn bảo vệ khoản đầu tư của họ, tôi bảo vệ thời gian của mình".

Song, việc tách bản thân khỏi công việc, không hề dễ dàng. Nhiều người vì lòng tự trọng mà bị ràng buộc trong công việc. Binstead thừa nhận luôn có sự hoài nghi và tự hỏi liệu mọi người có nghĩ anh lười biếng không. Xã hội luôn xem "nghiện công việc" như một đức tính tốt. "Nó len lỏi vào mọi thành phần trong xã hội của chúng ta, nền văn hóa hối hả này. Nếu bạn không bận rộn hoặc không cố gắng hết sức, bằng cách nào đó, bạn sẽ bị xem là một người kém cỏi".

Nguồn: The Guardian
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm