pnvnonline@phunuvietnam.vn
Áp dụng kiến thức kỹ thuật trồng trọt giảm nghèo hiệu quả cho bà con dân tộc thiểu số

Đồng bào Raglai xã Phước Bình, huyện Bác Ái, chăm sóc vườn bưởi
Tỉnh Ninh Thuận đã huy động hơn 587 tỷ đồng cho các dự án phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo kế hoạch đến năm 2025, Ninh Thuận phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,5%-2% mỗi năm, đồng thời hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn thoát khỏi tình trạng nghèo khó.
Ông Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết hợp nguồn lực từ nhà nước với nội lực của người dân. Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất đã giúp bà con thay đổi nhận thức và tạo ra sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao, giúp giảm nghèo hiệu quả.

Nhờ mạnh dạn học hỏi kỹ thuật, áp dụng trồng bưởi, gia đình ông Katơr Quỳnh có thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm
Tại huyện Bác Ái, ông Katơr Quỳnh là điển hình cho sự thành công trong trồng bưởi da xanh và sầu riêng. Ban đầu chỉ với 20 cây bưởi, sau 2 năm, ông đã mở rộng lên 300 cây và thu nhập hàng năm đạt trên 150 triệu đồng. Ông chia sẻ: "Khi tôi làm, bà con thấy hiệu quả và bắt đầu học hỏi theo".

HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tuấn Tú xã An Hải, huyện Ninh Phước, thu mua măng tây cho bà con
Huyện Ninh Phước nổi bật với mô hình trồng măng tây xanh của HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tuấn Tú. Mô hình này mang lại doanh thu gần 4 tỷ đồng mỗi năm, tạo động lực mạnh mẽ cho bà con tự lực vươn lên thoát nghèo.
Một trong những thách thức lớn nhất với người dân là thiếu vốn đầu tư ban đầu cho việc phát triển sản xuất. Nhiều hộ dân không đủ khả năng tài chính để mua giống cây trồng chất lượng hoặc trang bị các thiết bị cần thiết cho sản xuất. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã trực tiếp hỗ trợ hàng nghìn hộ dân. Ở huyện Ninh Sơn, ông Mang Hồng Thái cùng 25 hộ dân ở thôn Nha Húi, xã Mỹ Sơn, đã được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ mỗi hộ 40 triệu để trồng táo, phát triển kinh tế gia đình. Ông Thái cho biết: "Làm táo 2 sào cũng được 10 tấn, thu nhập rất khả quan".
Tỉnh Ninh Thuận xác định sẽ tiếp tục tập trung vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nghề cho thanh niên địa phương. Đặc biệt, việc phát triển cây trồng phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng sẽ là chìa khóa cho sự phát triển kinh tế bền vững, tạo ra một cộng đồng vững mạnh, có khả năng tự lực phát triển trong tương lai.