Ninh Thuận: Truyền thông cơ sở "mở lối" giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo thông tin

Minh Sơn
27/04/2025 - 08:58
Ninh Thuận: Truyền thông cơ sở "mở lối" giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo thông tin

Người dân truy cập mạng để tìm thông tin hàng ngày tại điểm văn hóa xã Ma Nới

Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, tỉnh Ninh Thuận đã và đang từng bước xóa dần khoảng cách thông tin ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Trong đó, huyện Ninh Sơn nổi lên là địa phương đi đầu trong triển khai hiệu quả các giải pháp giảm nghèo thông tin, góp phần thay đổi nhận thức, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân vùng sâu, vùng xa.

Xác định thiếu thông tin là một trong những nguyên nhân khiến người dân chậm tiếp cận chính sách, kỹ thuật sản xuất và mô hình phát triển kinh tế, huyện Ninh Sơn đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng truyền thông tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn như Ma Nới và Nhơn Sơn. Từ các thiết bị truyền thanh thông minh, hệ thống loa ứng dụng công nghệ viễn thông đến bộ máy tính kết nối internet đặt tại các Bưu điện văn hóa xã, người dân đã có điều kiện thuận lợi hơn để tiếp cận thông tin, học tập kiến thức.

Theo ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn, nghèo thông tin từng là rào cản lớn khiến người dân địa phương khó tiếp cận chủ trương, chính sách, cũng như các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả. Để tháo gỡ, huyện đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp: lắp đặt máy tính kết nối internet tại các Bưu điện văn hóa xã, xây dựng tủ sách cộng đồng, đầu tư hệ thống truyền thanh thông minh trị giá hàng trăm triệu đồng.

Ông Nguyễn Đức Hoà cho biết: "Từ truyền thanh cơ sở, người dân nắm bắt được chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, học hỏi mô hình hay, gương sản xuất giỏi để áp dụng vào thực tiễn. Đây là bước quan trọng trong tiến trình giảm nghèo bền vững".

Ninh Thuận: Truyền thông cơ sở "mở lối" giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo thông tin- Ảnh 1.

Thiết bị truyền thanh được lắp tại xã Ma Nới

Tại xã Ma Nới, từ khi có tủ sách cộng đồng và điểm internet công cộng tại Bưu điện văn hóa xã, nhiều người dân Raglai đã chủ động tìm đến sách, tra cứu kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt. Anh Pa Râu Ranh, Trưởng Ban quản lý thôn Ú, chia sẻ: "Bà con chủ động tìm đến điểm Bưu điện xã tìm kiếm thông tin, học hỏi kiến thức hay về chăn nuôi, trồng cỏ nuôi bò vỗ béo, chăm sóc heo, gà. Nhờ vậy, kinh tế hộ gia đình được cải thiện rõ rệt".

Không chỉ riêng Ma Nới, xã Nhơn Sơn cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Hệ thống truyền thanh thông minh được đầu tư hơn 900 triệu đồng đã giúp thông tin thời sự, kỹ thuật nông nghiệp, mô hình kinh tế lan tỏa đến tận các thôn bản.

Theo ông Đỗ Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Sơn, nhờ hệ thống loa thông minh, tỷ lệ hộ nghèo ở vùng dân tộc thiểu số của xã giảm đều 3%-4% mỗi năm, con số đầy ý nghĩa trong hành trình thực hiện Nghị quyết HĐND huyện đề ra.

Ở thôn Lương Tri, nơi có đông đồng bào Chăm sinh sống, mô hình trồng lúa hữu cơ đã được 13 hộ dân mạnh dạn thực hiện sau khi tiếp cận thông tin về nông nghiệp sạch. Ông Đạo Văn Trí, Trưởng Ban quản lý thôn, cho biết: "Thông tin từ đài truyền thanh không chỉ phổ biến kiến thức mà còn là cầu nối giữa chính quyền và nhân dân, giúp bà con thay đổi cách nghĩ, cách làm".

Đến nay, hệ thống truyền thanh đã phủ sóng toàn bộ huyện Ninh Sơn, trở thành công cụ truyền tải thông tin hiệu quả, thiết thực, giúp người dân hiểu, vận dụng chính sách và mang đến tri thức về sản xuất, đời sống.

Huyện Ninh Sơn xác định, trong thời gian tới sẽ tiếp tục nâng cấp hệ thống truyền thanh cơ sở, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thông tin - truyền thông và mở rộng các điểm cung cấp thông tin cộng đồng. Qua đó, từng bước khẳng định vai trò của thông tin trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng phát triển, ấm no và bền vững.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm