pnvnonline@phunuvietnam.vn
Áp dụng những cách này để gia đình nhiều thế hệ chung sống hòa thuận

Ảnh minh họa
Sự khác biệt - nguồn gốc của mọi mâu thuẫn
Bà Nguyễn Thu Thủy (62 tuổi, Hà Nội) tâm sự, từ ngày con trai cưới vợ và dọn về ở chung, bà cảm thấy "mình không còn là chủ nhà nữa". Mỗi lần góp ý với con dâu chuyện cho cháu ăn, bà đều nhận lại thái độ xa cách. "Tôi chỉ muốn giúp, nhưng nó lại nghĩ tôi xen vào", bà Thủy nói.
Ở phía ngược lại, chị Đỗ Thuỳ Mai, con dâu bà Thủy, chia sẻ: "Tôi muốn nuôi dạy con theo cách của mình. Nhưng mẹ chồng luôn chê tôi vụng, can thiệp vào mọi việc, khiến tôi lúc nào cũng thấy áp lực".
Những xung đột như vậy không hiếm. Thậm chí, trong nhiều gia đình, mâu thuẫn âm ỉ và kéo dài đến mức làm rạn nứt các mối quan hệ. Lý do không chỉ nằm ở khoảng cách thế hệ, mà sâu xa hơn là thiếu sự hiểu - thương - thông cảm - chia sẻ - chấp nhận - hoàn thiện giữa các thành viên.
Hiểu để không làm tổn thương nhau
Mỗi thế hệ lớn lên trong một bối cảnh xã hội khác nhau, mang theo hệ giá trị, niềm tin và thói quen riêng. Người già thường giữ nếp sống tiết kiệm, cẩn trọng, đề cao tính ổn định. Người trẻ năng động, đề cao tự do cá nhân và hướng đến sự tiện lợi. Nếu không hiểu được điều đó, rất dễ đánh giá, chỉ trích nhau theo góc nhìn của riêng mình.
Các con có thể nghĩ bố mẹ quá bảo thủ, trong khi bố mẹ lại cho rằng các con sống hiện đại đến mức "vô tổ chức". Nhưng nếu hai bên lùi lại một bước, lắng nghe và tìm hiểu lý do đằng sau hành vi của nhau, họ sẽ thấy: không ai sai, chỉ là khác biệt.
Đặt mình vào vị trí của người khác
Thay vì nhìn mẹ chồng như "người luôn soi mói", con dâu có thể nhìn bà như một người mẹ yêu thương con cháu. Và người mẹ chồng, thay vì chỉ trích con dâu, có thể nhìn thấy sự vất vả của con đang gồng gánh cả công việc và gia đình.
Khi có tình thương, ta sẽ kiên nhẫn hơn với nhau, nhẹ lời hơn, biết chọn lúc để nói và biết khi nào nên lặng yên.
Thông cảm - chia sẻ - chấp nhận: "Cầu nối" giữa các thế hệ
Chúng ta không cần phải giống nhau để sống hòa thuận, nhưng cần biết chấp nhận sự khác biệt. Điều đó không có nghĩa là buông xuôi hay nhẫn nhịn, mà là thỏa hiệp, cùng điều chỉnh để tạo ra không gian sống chung dễ thở hơn.

Ảnh minh họa
Chẳng hạn, hai vợ chồng trẻ có thể chia sẻ trước với bố mẹ kế hoạch nuôi dạy con, xin sự hỗ trợ khi cần và cũng dành sự tôn trọng cho ý kiến của ông bà. Ngược lại, ông bà có thể học cách lùi lại, không áp đặt quan điểm của mình mà trở thành người đồng hành đưa ra lời khuyên khi được hỏi.
Ý thức sửa mình
Sống chung là một bài học dài về điều chỉnh kỳ vọng và phát triển bản thân. Đừng đợi người khác thay đổi trước. Hãy bắt đầu từ chính mình: thay đổi cách nói chuyện, cách bày tỏ cảm xúc, cách lắng nghe. Thay vì hỏi: "Sao con dâu/vợ/ chồng tôi không hiểu tôi?", hãy thử hỏi: "Tôi đã hiểu họ đến đâu?", "Tôi đã giúp gì cho họ cảm thấy dễ chịu hơn khi sống cùng?".
Gia đình là nơi để trở về, không phải nơi để làm tổn thương nhau
Chúng ta không thể chọn nơi mình sinh ra nhưng có thể chọn cách mình sống với nhau. Một mái nhà nhiều thế hệ chung sống có thể là thử thách nếu ai cũng giữ khư khư cái tôi của mình. Nhưng cũng có thể là cơ hội tuyệt vời để mỗi người học cách yêu thương đúng cách, lớn lên trong sự tử tế và trưởng thành trong sự cảm thông.
Dù sống riêng hay sống chung, điều giữ gia đình bền lâu không phải là khoảng cách địa lý, mà là khoảng cách trong trái tim. Khi hiểu - thương - thông cảm - chia sẻ - chấp nhận - hoàn thiện, mọi bức tường sẽ hóa cầu nối và gia đình sẽ thực sự trở thành nơi nuôi dưỡng sự an yên và phát triển của từng cá nhân.