Áp dụng thành tựu công nghệ sinh học tiên tiến vào trồng hoa và nấm

PV
18/05/2021 - 14:30
Áp dụng thành tựu công nghệ sinh học tiên tiến vào trồng hoa và nấm

Ngoài công tác quản lý, Tiến sĩ Bích Hậu còn tích cực nghiên cứu, cùng với đồng nghiệp xây dựng nhiều mô hình sản xuất mới, đem lại những thành quả khả quan.

Từ hiệu quả thiết thực của các dự án khoa học mà chị Vũ Thị Bích Hậu đề xuất, năm 2010, lãnh đạo TP Đà Nẵng đã thành lập Trung tâm Công nghệ sinh học trên diện tích 5ha ở phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ) để có điều kiện nghiên cứu những thành tựu công nghệ sinh học tiên tiến, từ đó áp dụng, chuyển giao cho nông dân sản xuất.

Trong thời gian học tập tại Nhật Bản, Tiến sĩ Vũ Thị Bích Hậu, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng, đã nghiên cứu và tìm ra 1.250 loại nấm men từ hơn 600 loài hoa để chiết xuất ra các loại men tự nhiên mới. Công trình này được công ty rượu Sawanotsuru tại Kobe đưa vào ứng dụng trong sản xuất rượu Sake truyền thống của Nhật Bản. Qua đó, Sawanotsuru đã dành một khoản lợi nhuận để cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam đang học tại trường Đại học Kobe.

Sau này, khi trở về nước, chị tiếp tục cống hiến cho khoa học với các dự án trồng nấm và hoa. Từ hiệu quả thiết thực của các dự án khoa học mà chị đề xuất, năm 2010, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã thành lập Trung tâm Công nghệ sinh học trên diện tích 5ha ở phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) để có điều kiện nghiên cứu những thành tựu công nghệ sinh học tiên tiến, từ đó áp dụng, chuyển giao cho nông dân, phục vụ sản xuất.

Tiến sĩ Vũ Thị Bích Hậu sinh ra và lớn lên tại Hưng Yên. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội năm 1996, chị được nhận vào công tác tại Viện di truyền Nông nghiệp Hà Nội. Bằng nỗ lực và phấn đấu không ngừng, năm 1999, chị nhận được suất học bổng của Thụy Sĩ, làm thực tập sinh tại Trung tâm Rau thế giới ở Đài Loan (Trung Quốc).

Đam mê nghiên cứu các mô hình ứng dụng trồng nấm và hoa - Ảnh 1.

TS. Vũ Thị Bích Hậu (thứ 2 từ phải sang) và ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng, trao giải cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động khoa học và công nghệ

Với những thành tích ấn tượng khi làm thực tập sinh, chị được mời làm chuyên gia phát triển dự án do 3 tổ chức là Quỹ Hợp tác và Phát triển Hoa Kỳ, Trung tâm Rau thế giới và Viện nghiên cứu Nông nghiệp Bangladesh phối hợp nhằm hỗ trợ các kỹ thuật giống rau quả mới cho nông dân tại Đài Loan, Bangladesh, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Thực hiện xong dự án, năm 2002, chị được Chính phủ Nhật Bản cấp học bổng đào tạo Tiến sĩ tại trường Đại học Kobe.

Năm 2006, chị tốt nghiệp Tiến sĩ, sau đó về nước và đến với Đà Nẵng theo chủ trương thu hút nhân tài của lãnh đạo thành phố. Sau 2 năm công tác, chị được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng. Tại đây, chị cống hiến bằng tất cả tâm huyết, niềm đam mê nghề nghiệp. Có thể nói, Đà Nẵng là quê hương thứ hai của nhà khoa học này, bởi tại đây chị đã có cơ hội phát huy và cống hiến những giá trị nghiên cứu cho nhà nước và cộng đồng.

Ngoài công tác quản lý, Tiến sĩ Bích Hậu còn tích cực nghiên cứu, cùng với đồng nghiệp xây dựng nhiều mô hình sản xuất mới, đem lại những thành quả khả quan. Hàng năm, chị luôn sâu sát và chỉ đạo quyết liệt từng công việc. Qua đó, nhiều người dân, hợp tác xã trên địa bàn thành phố đã được hỗ trợ kinh phí, kĩ thuật trong thực hiện các mô hình ứng dụng. Trong đó, các mô hình nấm ăn, nấm dược liệu, trồng hoa cúc, ly ly, lan đendron, lan hồ điệp, lan Mokara, đã đem lại hiệu quả cao, tạo nhiều việc làm cho nông dân, góp phần phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội của thành phố.

Với nhiều thành tích xuất sắc, năm 2020, Tiến sĩ Vũ Thị Bích Hậu đã được Thủ tướng Chính phủ tặng danh hiệu "Chiến sĩ thi đua toàn quốc".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm