Áp lực thi cử khiến con kiệt sức

Lan Hương
03/09/2022 - 14:03
Áp lực thi cử khiến con kiệt sức

Ảnh minh họa

Học hành thi cử là áp lực muôn thuở của các cô cậu học trò. Đặc biệt trong thời điểm cận kề năm học mới, các kỳ thi chọn trường, chọn lớp diễn ra nhiều hơn. Tác động từ cha mẹ, người thân có khi cũng tạo ra áp lực, gây ra sự lo lắng, hoang hang cho học sinh.

Áp lực thi cử

Diệu Thảo học sinh lớp 6 ở Phú Thọ vừa trải qua kỳ thi vào lớp chọn. Thảo vẫn nhớ như in những áp lực tâm lý trong khoảng thời gian ôn tập, thi cử vừa qua. Nghỉ hè 3 tháng nhưng Thảo chỉ được tận hưởng 1/3 khoảng thời gian ấy, còn lại em phải tập trung cho việc ôn luyện để thi chọn lớp.

Cứ đều đều mỗi ngày 2 buổi ôn thi, sáng em học ở trường, chiều về lại tiếp tục với lớp học thêm. Lịch trình của Thảo đã được cha mẹ sắp xếp dày đặc với mục tiêu đề ra "Con phải vào được lớp chọn". Suốt 5 năm từ lớp 1 đến lớp 5, em luôn được cha mẹ dặn dò phải học hành chăm chỉ để đạt được kết quả tốt nhất. Bước sang cấp học mới, Thảo đã bị những áp lực đầu tiên cho việc chọn lớp.

Cô bé chỉ biết ngoan ngoãn nghe theo lời cha mẹ, học tập chăm chỉ để đạt được kết quả như cha mẹ kỳ vọng. Nhưng cha mẹ đâu biết rằng đằng sau sự cố gắng đấy là bao lần Thảo đã muốn bỏ cuộc vì quá áp lực. Trước ngày thi cận kề, còn những dạng toán em chưa nắm rõ, chưa biết cách giải ra sao, em đã bật khóc nức nở. Thảo lo sợ mình sẽ không đạt kết quả tốt với những dạng bài khó. Đó là những đêm thức khuya ôn bài, rồi lại dậy sớm lúc 4 giờ để học từng bài văn. Đến bữa cơm, Thảo cũng mang theo sách vở ngồi nhẩm ôn bài.

Áp lực, lo lắng theo Thảo suốt 2 tháng dài đằng đẵng. Tâm lý luôn rơi vào trạng thái căng thẳng như vậy khiến em luôn tự ti, không nghĩ rằng mình sẽ đạt kết quả tốt trong kỳ thi. Em sợ khi kết quả không tốt sẽ không làm hài lòng cha mẹ và không muốn gặp bạn bè, người thân.

Thảo đã phải tìm đến chuyên gia tâm lý, nhận lời khuyên từ chuyên gia và có cho mình một tinh thần, tâm trạng tốt hơn để đối diện với kỳ thi.

Giúp con vượt qua áp lực

Cha mẹ ai cũng mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho con. Họ tạo điều kiện đầy đủ để con được học tập một cách tốt nhất, mong con học hành chăm chỉ để có một tương lai tốt hơn.

Việc con học hành thành công cũng là niềm tự hào với các bậc phụ huynh. Cha mẹ hãnh diện, tự hào về con với họ hàng, làng xóm. Từ đó dẫn đến việc cha mẹ đăt quá kỳ vọng vào con và buộc những đứa trẻ phải đạt được được điều đó. Cha mẹ hay mang việc so sánh con với những đứa trẻ khác có kết quả tốt hơn và không công nhận những điều mà con em mình đã cố gắng để đạt được. Điều này vô hình chung đã tạo ra áp lực cho những đứa trẻ, khiến chúng cảm thấy không được ghi nhận và trở nên mặc cảm, tự ti về bản thân, không có động lực phấn đấu.

Thạc sĩ Vera Thiên Ân - chuyên gia tư vấn tâm lý hôn nhân, hạnh phúc gia đình - người đã giúp Diệu Thảo vượt qua những áp lực tâm lý, chia sẻ những cách quan tâm phù hợp giúp con giảm áp lực:

- Cha mẹ phải bình tĩnh, trò chuyện kết nối với con. Hãy tâm sự và hỏi về tình trạng cũng như suy nghĩ của con thường xuyên. Những cuộc trò chuyện sẽ giúp các thành viên trong gia đình hiểu nhau hơn, tìm hiểu nguyên nhân và giải quyết được những căng thẳng mà con đang gặp phải. Tần suất và mức độ giao tiếp của cha mẹ có ảnh hưởng rất nhiều đến việc ra quyết định ở trẻ em và thanh thiếu niên.

- Trong suốt quá trình học tập nói chung, thời gian chuẩn bị thi cử nói riêng, cha mẹ nên cùng con sắp xếp thời gian, lên kế hoạch hợp lý. Hãy cùng hướng dẫn con, tạo không khí quan tâm, chia sẻ để trẻ nỗ lực cố gắng hơn nữa trong làm bài thi. Sự động viên, khích lệ, tin tưởng vào con cái sẽ giúp trẻ dần dần có động lực học và tiến bộ hơn.

- Nếu muốn con cái tự giác học hành, có thái độ sống tích cực, mấu chốt vấn đề chính là bố mẹ cần tin tưởng vào con mình. Thay vì so sánh con mình với con nhà người ta, hãy so sánh với chính bản thân của đứa trẻ sẽ tốt nhất.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm