APPF đại diện cho nguyện vọng của hơn 4,5 tỉ người

18/01/2018 - 22:34
Tối 18/1, với chủ đề “Quan hệ đối tác nghị viện vì hòa bình, sáng tạo, tăng trưởng bền vững”, Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF-26) đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội.
chu-tich-quoc-hoi-nguyen-thi-kim-ngan-1.jpg
Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch APPF-26 Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc APPF-26, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch APPF-26 Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, kể từ khi được thành lập với 15 thành viên sáng lập, APPF ngày nay đã phát triển và trở thành một diễn đàn quy tụ 27 nghị viện thành viên đại diện cho ý chí, nguyện vọng của hơn 4,5 tỉ người trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương… APPF đã thúc đẩy các quốc gia thành viên thực hiện các cam kết quốc tế về phát triển, nhất là thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs). Cùng với các cơ chế hợp tác liên nghị viện khác, APPF đã đóng góp vào sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của nền ngoại giao nghị viện, nâng cao vị thế và tiếng nói của các nghị sĩ trong các vấn đề khu vực và quốc tế. 

Tại Hội nghị thường niên APPF-26 lần này, ngoài việc cùng nhau trao đổi về các vấn đề an ninh chính trị, kinh tế thương mại, hợp tác phát triển, văn hóa xã hội, môi trường... một trong những mục tiêu phấn đấu chính của hội nghị là xây dựng một Tầm nhìn mới trong giai đoạn tiếp theo sau 25 năm hình thành và phát triển của APPF, bám sát chủ đề của Hội nghị APPF-26 lần này là “Quan hệ đối tác nghị viện vì hòa bình, sáng tạo, tăng trưởng bền vững”. 
le-khai-mac-appf-26-b.jpg
Các đại biểu tham dự APPF-26 chụp ảnh chung

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ tin tưởng, APPF-26 tại Hà Nội sẽ đánh dấu một giai đoạn phát triển mới, thực hiện một Tầm nhìn mới về quan hệ đối tác nghị viện châu Á-Thái Bình Dương, vì một APPF hòa bình, sáng tạo, bền vững và có khả năng thích ứng cao hơn đối với nhưng thay đổi nhanh chóng của khu vực và thế giới. 

Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định: “Chúng tôi đánh giá cao các nước thành viên APPF đã ủng hộ các nỗ lực của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) trong việc thúc đẩy thương mại và đầu tư tự do và mở, kết nối toàn diện khu vực”.
chu-tich-nuoc-tran-dai-quang-a.jpg
Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu

Cũng theo Chủ tịch nước, đối thoại và hợp tác APPF đã góp phần thúc đẩy châu Á - Thái Bình Dương trở thành trung tâm đổi mới, sáng tạo, giữ vai trò tiên phong trong việc phát triển các ngành công nghệ, năng lượng mới, các lĩnh vực thương mại, đầu tư thế hệ mới, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đưa hàng trăm triệu người thoát khỏi cảnh đói nghèo. 

Nhấn mạnh hòa bình và phát phát triển bền vững luôn đồng hành với nhau, khẳng định niềm tự hào vì khu vực châu Á-Thái Bình Dương là khu vực duy nhất không có xung đột từ khi kết thúc chiến tranh lạnh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng ưu tiên hàng đầu là duy trì môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới, thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và các chuẩn mực quốc tế. Ngoài ra, cần đẩy mạnh nỗ lực bảo đảm tính bao trùm của phát triển, đi đầu thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc để không ai bị bỏ lại phía sau”. 
chu-tich-ipu-gabriela-cuevas-barron-1a.jpg
Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới Gabriela Cuevas Barron

Còn theo Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới Gabriela Cuevas Barron, châu Á - Thái Bình Dương là khu vực năng động, sáng tạo. Tuy nhiên khu vực này đang phải đối mặt với nhiều thách thức về tăng trưởng kinh tế, khủng bố… Do đó, với tiếng nói của mình, các nghị sĩ sẽ góp phần xây dựng châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và phát triển bền vững trong thời gian tới. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm